Muôn nẻo tìm thực phẩm sạch

(SKGĐ) Rau nhiễm chì, thịt lợn siêu nạc, thịt gà nhuộm vàng, bò điên… khiến cho người tiêu dùng thông thái tới đâu cũng bị lạc trong “mê hồn trận” của thực phẩm “bẩn”. Và khi không thể đặt niềm tin vào người thứ hai khác, họ đành quay về thời kỳ “tự cung tự cấp”.

15.5837

Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa!

Khẩu hiệu tăng gia sản xuất chống đói từ thời chiến tưởng chỉ còn trong sách lịch sử, lại đang trở thành “mốt” của người dân thủ đô trong nền kinh tế thị trường. Khi mà thực phẩm sạch tại các chợ trở thành hàng hiếm (và không thể phân biệt) thì những vườn rau tự chế thực sự “lên ngôi”.

Vườn rau treo trên các ban công của nhà cao tầng, nhà chung cư từ 10-30m so với mặt đất, rau xanh mơn mởn mọc lên từ các hộp xốp, thùng gỗ, chậu cây cảnh; rau lấn ra cả vỉa hè, ngõ phố, rau mọc chen cả với bê tông; thêm mấy khay rau mầm để trong nhà... những hình ảnh này đã trở nên quá quen thuộc với những người dân thủ đô và dân cư ở các thành phố lớn.

Ban đầu chỉ là trồng vài ba hộp rau trên sân thượng để lấy rau ăn những lúc nhỡ bữa không đi chợ được, rồi sau lan rộng ra thành phong trào tại các khu phố. “Chỉ cần 1m2 đất là đã có vườn rau sạch cho cả nhà rồi. Nhà ở trong ngõ ít xe cộ đi lại nên mấy hộ ở đây đều tận dụng đất vỉa hè chia ô trồng rau ăn, vừa an toàn lại tiết kiệm”, bà Lê Kiều tại Trung Kính, Hà Nội cho biết.

Khi báo chí lật tẩy những chiêu trò phù phép rau bẩn thành sạch, thịt ôi thành thịt tươi thì thực phẩm bẩn tại các khu chợ và cửa hàng thực sự trở thành nỗi khiếp sợ đối với người dân. Chị Võ Thu Hương, sống tại Khu tập thể Trường Đại học Hà Nội vừa hái mấy cọng rau thơm để chuẩn bị cho bữa sáng, vừa chia sẻ: “Giờ cả khu này, nhà nào cũng có vài ba thùng xốp để trồng rau ăn. Nhà mình còn mang cả thùng đất lên sân thượng trồng rau trên đó, của nhà làm ra nên yên tâm chứ không nơm nớp sợ vả bệnh vào miệng như ăn rau ngoài chợ”. Đúng như lời chị nói tôi quan sát cả khu phố nhà nào nhà ấy đều có ô trồng rau riêng. Rồi chị chỉ sang nhà bên cạnh, “nhà Bác Vân đấy còn trồng được cả giàn bầu cho leo lên nhà vừa lấy bóng mát vừa có quả ăn”.

Không chỉ truyền tai nhau, chủ đề rau sạch, cách trồng và chăm sóc cũng được bàn sôi nổi trên các diễn dàn, các trang web. Động lực lớn nhất thúc đẩy các bà mẹ trẻ dù rất bận rộn vẫn bỏ thời gian để tự trồng rau chính là vì sức khỏe của những thiên thần nhỏ. Nickname Bống chia sẻ: “Mình mới tìm hiểu về trồng rau sạch được có một tuần và đang thí điểm mấy khay rau ở nhà để nấu cháo cho cún con cho an toàn”. Theo kinh nghiệm chia sẻ bởi thành viên Mẹ cu – zin thì “với rau mầm dễ trồng nhất là trồng mấy anh đỗ, thứ nhì là cải ngọt. Trồng cải ngọt thì hơi bị hao, vì thân cây bé xíu...”. Còn mẹ Táo & Tít thì khoe: “Với diện tích 20cm của mép nhà mà mình cũng có một vườn rau xanh đó các mẹ”. Rau sạch đã trở thành chủ để nóng để các mẹ chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc.

Về quê “săn” thực phẩm sạch

Tự trồng rau cũng phải chọn chỗ

Có rất nhiều quan niệm cho rằng rau được tự tay mình trồng và chăm sóc là tốt. Tuy nhiên nếu môi trường đất, nước, không khí khu vực trồng rau không đảm bảo sạch (như khi trồng tại vỉa hè, dải phân cách các nơi có lượng xe cộ đi lại nhiều, nhiều khói xe, bụi bặm hay nguồn nước bẩn, có thể bị nhiễm chì…) thì bạn cũng không thể mang lại cho bạn nguồn rau sạch được. Cũng không nên trồng rau ở gần cống thoát nước, rãnh nước thải, ao tù, kênh rạch… vì ở những nơi này thường chứa nhiều vi khuẩn, chất gây bệnh khiến rau dễ nhiễm khuẩn.

Không chỉ dừng lại ở việc tự trồng rau sạch, nhiều người còn đặt mua gạo, thịt, trứng, gà… từ quê. Bà Kiều (Trung Kính, Hà Nội) cho biết: “Tôi có ông anh quê ở Thái Bình, mỗi lần về quê cứ than với ông ở thành phố giờ ‘ăn chết mà không ăn cũng chết’ vì rau bẩn, thịt ôi, trứng giả, cả gạo giờ cũng giả…”. Rồi ông anh tôi bảo “Sao cô không mua ở quê mang đi, quê thì cái gì cũng thật 100% tự tay mình làm ra”. Từ đó, nguồn lương thực của gia đình bà Kiều đều được ông bác gửi xe khách vận chuyển ra Hà Nội.

Cái không khí “ăn đụng” lợn thường thấy ở Tết xưa nay cũng được dịp sống lại ở thời hiện đại. Khi mà lợn siêu nạc, lợn nuôi hoàn toàn bằng thực phẩm tăng trọng khiến người tiêu dùng không an tâm thì giải pháp của người thành phố là về quê “ăn đụng” lợn. Anh Lê Quang Hòa sống ở phố Phùng Hưng nửa đùa, nửa thật: “Trước thì chỉ có Tết nhất, anh em mới về quê sum họp, gặp gỡ nhau. Từ hồi có tin về lợn siêu nạc, thế mà lại hóa vui, không dám mua thịt ở chợ nên mấy anh em tôi rủ nhau về quê mua lợn, tự giết thịt rồi chia nhau mỗi nhà mỗi phần, cho tủ đá ăn dần, vừa ngon vừa đảm bảo an toàn”. Và trong khi các ông chồng thịt lợn, thì các bà vợ tranh thủ tìm mua trứng gà, hái vài nắm rau trong vườn của người thân. Thế rồi tay xách, nách mang, người cùng thực phẩm trở về thành phố.

Còn một câu chuyện thật như đùa mà người viết được chứng kiến trên chuyến xe du lịch từ Tam Đảo về Hà Nội. Khi xe nghỉ gần cánh đồng ngô, các bà, các chị vẫn để nguyên giày cao gót chạy xuống ruộng ngô ven đường thi nhau hái một thứ rau gì đó. Sau đó tôi mới biết là rau đôm đốp thứ rau mà trẻ con ở quê vẫn lấy quả bóp cho nó nổ kêu như pháo, chứ không ai ăn thứ rau đó. Một chị trong đoàn bảo tôi: “Rau này ngon lắm đó, lại sạch, đảm bảo không hóa chất nhé, dưới thành phố muốn mua cũng không được, em tranh thủ xuống hái đi không hết mất bây giờ”.

Nhà giàu mua đất làm trang trại

Cứ cuối tuần cả làng Quất Lưu, xã Tốt Động, Thường Tín, Hà Nội lại có một dàn xe con 4-5 chiếc của gia đình anh Hoàng Văn về thăm trang trại của mình. Mọi người trong làng kháo anh rất giàu có vì buôn bán xuất nhập khẩu gì đó. Anh mua đất ruộng của người trong làng không phải xây biệt thự mà để trồng rau và chăn nuôi khiến cho ai cũng thấy lạ. Trang trại của anh cũng có vườn cây, ao cá, trồng rau, nuôi gà… như một gia đình nông dân thực thụ. Chỉ có điều anh không trực tiếp nuôi trồng mà thuê người làm và trông coi.

Rồi đều đặn, mỗi dịp cuối tuần, anh Văn cùng người nhà, thỉnh thoảng lại có thêm bạn bè về chơi, nghỉ ngơi, kết hợp thăm quan trang trại và mang thực phẩm về thành phố. Trường hợp của anh Văn không hiếm, và ngày càng có nhiều gia đình khá giả ở thành phố đang chi tiền xây trang trại mà một phần lý do là để có được thực phẩm sạch cho cả gia đình.

Mỗi người một cách, nhưng con đường tìm thực phẩm sạch của người dân đều vì một mục đích chung đó là đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho bản thân và gia đình. Và đó cũng là cách họ tổ chức một cuộc sống sạch cho bản thân và gia đình.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]