Nấm mối ngon nhưng không kém phần độc hại

Nấm là loại thực vật làm thức ăn rất ngon, là món ăn nhiều chất bổ dưỡng, nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc ở người.

0
Vùng miền Đông Nam Bộ hàng năm, vào khoảng bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi là đến mùa nấm mối, một loại nấm thiên nhiên mọc lên từ những gò mối, ụ mối nằm dưới lòng đất. Loại nấm này đặc biệt ngon ngọt, mùi thơm đặc trưng, và có giá trị kinh tế cao, nấm mối là món quà đặc sản từ đất mà thiên nhiên ban tặng, mỗi năm chỉ được một mùa, thời gian kéo dài vắn vỏi khoảng 1 tháng là hết.

Nấm mối là loại nấm dại được liệt kê vào danh sách có thể ăn được rất ngon và bổ dưỡng, thường được dân gian so sánh ngon hơn cả thịt gà. Nấm mối là thực phẩm có thể thay thế bất kỳ thứ đạm động vật nào, hiện nay chỉ dựa vào nguồn nấm của thiên nhiên nên số lượng rất hạn chế, trở thành loại thực phẩm quý hiếm nên có giá khá cao, dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng 1kg.

Những cơn mưa đầu mùa chợt đến chợt đi làm cho không khí trở nên oi nồng, độ ẩm mặt đất hầm hập nóng làm những ụ mối lớn nhỏ nằm trong lòng đất ẩm ướt tự phát triển tạo thành nấm mối. Nắm được những đặc điểm trên, vào thời điểm bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi, cứ sau mỗi cơn mưa, người dân thường dậy từ lúc trời vừa hừng sáng ra những bờ vườn, bờ ranh, bờ ruộng, gốc cây để kiếm nấm, nấm hái khi trời vừa tờ mờ sáng mới ngon và ngọt, nấm mối thường mọc nhiều ở những vườn điều, vườn sao, vườn tràm, vườn cây ăn quả, những bờ ranh, những mô đất xốp mà mối thường hay làm tổ …


Sau khi quan sát dưới mặt đất thấy có những vạt đất nhỏ nứt nẻ, nhô lên hẳn loang lổ từng tảng, bên dưới lớp đất là những mõm nấm nhọn có màu nâu đất hoặc nâu trắng nho nhỏ đang từ từ đội đất ngoi lên, để khoảng 1 ngày sau mới nhổ lên là vừa ăn, những cái nấm còn búp ăn ngọt, dai giòn rất ngon, không nên để nấm lên cao chân nấm dài, tai nấm nở to sẽ dai và không ngon, ở quê tôi các bà nội trợ thường dùng nấm mối để nấu cháo, đổ bánh xèo, nướng muối ớt hay xào ăn với cơm hoặc làm mồi nhậu cho các lang quân. Vị ngọt ngon, dai dai và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện cùng gia vị sẽ làm cho bạn có cảm giác thèm ăn không cưỡng nổi.

Nấm là loại thực vật làm thức ăn rất ngon kể cả người ăn chay và ăn mặn, là món ăn nhiều chất bổ dưỡng, nhưng bên cạnh đó nấm cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc ở người, hóa chất độc hại và môi trường ảnh hưởng rất nhiều tới nguồn thực phẩm, khi ăn hết sức ngon miệng nhưng bên cạnh cũng còn nhiều bí ẩn, khuất tất, đôi khi “xui xẻo” còn phải trả cái giá khá “đắt”.

Tuy cũng đã từng chứng kiến tận mắt nhiều tấm gương ngộ độc do ăn nấm, học được  nhiều bài học để rút tỉa kinh nghiệm, nhưng thấy quá ngon, quá hấp dẫn nên “mặc kệ” đến đâu tính đến đó, “chết no hơn sống thèm”, tâm lý chung của nhiều người khi ăn nấm cũng cảm thấy “thấp thỏm, phập phồng”, chỉ cảm thấy nhẹ nhàng, yên tâm và an toàn sau khi ăn khoảng vài giờ đồng hồ.

Những năm gần đây do người nông dân quá lạm dụng vào “khoa học kỹ thuật,” “công nghệ hóa học” có thể canh tác số lượng lớn, đỡ tốn công và chi phí, nên thường phun xịt  “tràn lan” các loại thuốc BVTV, thuốc paraquat làm cháy cỏ, các loại thuốc diệt mầm cỏ lưu dẫn dài hạn trong đất, làm cho cây nấm bị ảnh hưởng và nhiễm độc hại, nên thường xảy ra tình trạng ngộ độc do ăn nấm.

Mấy năm gần đây thời tiết không thuận lợi, nắng nhiều hơn mưa nên nấm mọc giảm hơn phân nửa so với các năm trước, đôi khi trong một vạt nấm mối thỉnh thoảng cũng có đan xen một vài cây nấm trông rất giống nhau nhưng nếu tinh mắt để ý kỹ sẽ thấy khác “loài”. Những người chuyên nghiệp hái nấm nhiều khi cũng bị lầm lẫn, vì mắt thường cũng rất khó để phân biệt giữa nấm độc và không độc, đặc biệt là nấm mọc hoang ở vườn, ruộng và nấm hái trong rừng. Phụ nữ có thai tuyệt đối không nên ăn nấm vì không biết nấm độc hay lành, dẫn đến hậu quả khó lường sẽ rất nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi.

Mới đây chị Nguyễn Thị L. ở xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức – Tỉnh BRVT) hái trong vườn cà phê, được rổ nấm mối khoảng gần 20 cái đem về xào ăn với cơm, sau khi ăn được chừng 30 phút cả gia đình gồm 4 người đều bị ngộ độc dẫn đến tay chân run rẩy, nôn mửa, tiêu chảy, tụt huyết áp, ói ra máu phải đem lên bệnh viện huyện cấp cứu kịp thời nên không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù đã có rất nhiều bài viết cảnh báo về các vụ ngộ  độc do ăn nấm dại, nấm rừng nhưng tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên trong mùa nấm, nếu không kịp thời cứu chữa có thể dẫn đến tử vong hoặc làm tổn hại đến sức khỏe.

AloBacsi.vn
Theo Mỹ Nhân - Bình Thuận online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]