Nên và không nên khi bé biếng ăn

Nếu nhóc tỳ của bạn vốn đã kén cá chọn cạnh, việc ép con ăn hay chỉ nấu món mà bé thích đều chỉ dẫn đến kết quả tệ hơn. Kiên nhẫn thực hiện 12 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn và con tìm được tiếng nói chung ở bàn ăn

15.5991

1. Nên: Cho bé thử món mới nhiều lần
Sai lầm thường gặp nhất của các bậc cha mẹ là ép con phải ăn. Hãy thay đổi cách nhìn một chút. Bố mẹ có thể quyết định chọn món gì trong bữa ăn của mình, trong khi đó, các bé được quyền quyết định mình ăn bao nhiêu và liệu mình có muốn ăn nó hay không. Theo các chuyên gia, bạn phải giới thiệu món mới từ 15 đến 20 lần trước khi bé trở nên yêu thích nó. Từ nhìn thấy, đến chạm vào, đưa món ăn vào miệng, nếm, lè ra… cho đến khi bé chịu ăn và cảm thấy món ăn này ngon là cả một quãng đường dài. Đừng vội bỏ cuộc khi con bạn chưa thích ăn một món nào đó nhé.

2. Không nên: Chỉ dọn ra món gì mà bé thích ăn
Hãy kết hợp vào bàn ăn cả những món mới và những món mà bé ít ưa thích bên cạnh những hương vị quen thuộc. Nhưng đừng kỳ vọng con bạn sẽ ăn hết tất cả mọi thứ. Bé chỉ hưởng ứng 1-2 món là đủ để bạn cảm thấy được khích lệ rồi. Có thể bé chẳng chịu ăn gì ngoài ruột bánh mì trong khi cả nhà đang hào hứng với món ragu, nhưng đến đúng thời điểm, bạn sẽ thấy con háo hức với hầu hết các loại thực phẩm.

3. Nên: Tổ chức những bữa ăn gia đình
Theo nghiên cứu, những bé được ăn cùng với cả gia đình từ 5 lần trở lên mỗi tuần sẽ thích ăn rau và trái cây hơn, đồng thời ít có nguy cơ bị các bệnh về dinh dưỡng hơn. Khi bé nhìn thấy ba mẹ ăn uống ngon miệng, bé cũng sẽ hào hứng để thử các món mới. Bé cũng sẽ ít bị thừa cân nếu được ăn uống theo nếp ăn khoa học của gia đình. Ngay cả khi bé nói rằng mình không đói, hãy bảo con ngồi lại với bạn chỉ vài phút.

Bạn có biết độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi là thời gian hình thành thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bé?

4. Không nên: Để bé vừa đi rong vừa ăn
Khi con không chịu ăn, nhiều bà mẹ có khuynh hướng để con vừa chạy đi chơi, vừa đuổi theo để đút cho con ăn. Thực ra, không gì tốt hơn việc để con ngồi xuống bàn và ăn một cách chỉn chu. Bạn cần lên thời gian biểu cụ thể cho từng bữa ăn, kể cả những bữa ăn phụ. Dạ dày của bé còn rất nhỏ nên luôn cần có những bữa phụ bên cạnh các bữa chính. Chỉ có ở bàn ăn bé mới có thể thử nhiều món ăn và nhờ đó bạn giảm được sự kén chọn của con.

5. Nên: Để bé tự phục vụ
Ngay cả việc bạn để cho bé tự rót ly sữa của mình cũng sẽ tạo ra sự thay đổi. Bằng cách này, bé tự quyết định mình sẽ ăn bao nhiêu mình thích và không cảm thấy bị ép buộc. Nếu bé muốn ăn nhiều hơn mức bạn mong đợi, hãy nhẹ nhàng giải thích cho con rằng khẩu phần như thế nào là tốt nhất với một đứa trẻ. Ngược lại, nếu bé để lại thức ăn thừa, đừng ép con phải ăn cho hết vì cách này khiến bé quên mất cảm giác no, đói và thèm ăn của chính bản thân mình.

Có nên cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy? Hầu hết các mẹ đều cho bé yêu làm quen với thức ăn đặc ở khoảng 6 tháng tuổi và ngày càng nhiều mẹ sẵn sàng cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW).

6. Không nên: Đổi món ngay khi bé không chịu ăn
Ngay khi con không chịu ăn, bạn đã dọn ngay ra một phần bánh mì kẹp bơ hay món mì gói yêu thích của bé? Cách này sẽ không mang lại lợi ích nào cho bạn đâu. Việc được đáp ứng ngay lập tức chỉ càng khiến bé từ chối thẳng thừng những món ăn mới. Cứ duy trì chiến thuật cũ: Dọn ra nhiều món trên bàn và để bé tự chọn lấy những gì mình muốn ăn. Nếu bé ăn ít, không sao cả, bạn sẽ “bù đắp” cho con ở bữa ăn tiếp theo.

7. Nên: Để con tham gia vào quá trình tạo ra thức ăn
Nếu bạn tự trồng rau sạch, sao không để con tham gia vào việc gieo hạt, tưới tắm và thu hoạch cây? Bé sẽ yêu thích món ăn vì chính mình đã góp phần tạo ra nó. Khi bạn đi chợ mua thực phẩm, hãy để bé đi cùng và chọn những món mình thích ăn. Ngoài ra, bạn có thể đọc cho bé nghe câu chuyện về những loại thực phẩm như cà chua, hạt đậu… và nấu những món ăn có loại thực phẩm này.

Dạy trẻ vào bếp Nhìn trẻ trưởng thành mỗi ngày với cơ thể đầy đủ dinh dưỡng từ thành quả lao động của bạn là một điều hạnh phúc.

8. Không nên: Nài nỉ con ăn 
Trẻ học ăn thức ăn thông qua việc thưởng thức chúng, không phải thông qua việc nhai và nuốt trong ép buộc. Nếu bạn ép bé ăn, bé sẽ có khuynh hướng chống lại. Đôi khi nhóc tỳ nhà bạn chẳng chịu ăn gì cả. Nhưng để bé thoải mái và thích thú đến bàn ăn xem có món gì đang chờ đợi mình sẽ tốt hơn là ngồi vào bàn trong tâm trạng gượng ép.

9. Nên: Cho bé ăn cả những thực phẩm nên hạn chế
Có rất nhiều loại bánh, kẹo hay thực phẩm chế biến sẵn tẩm đầy gia vị và chất béo, và bạn không thể đảm bảo con mình hoàn toàn “miễn nhiễm” các loại thức ăn này. Hơn nữa, nếu bạn cấm con ăn, bé càng bị khơi gợi trí tò mò. Thay vì vậy, trong bữa sáng có thể kèm theo vài cái bánh quy, một phần gà rán, nhưng cần đảm bảo phần ăn không quá nhiều.

10. Không nên: Dùng thức ăn như một phần thưởng
Nếu bạn dùng món gà rán để làm phần thưởng cho việc được nhiều phiếu bé ngoan, bé sẽ nghĩ rằng món gà rán là loại thức ăn tốt nhất, và bỏ qua cơ hội thử những món ăn tuyệt vời khác.

11. Nên: Để bé khám phá thực phẩm
Để bé “hiểu” về thực phẩm hơn, bé sẽ có hứng thú ăn uống hơn. Chẳng hạn, bạn có thể biến cà rốt thành nhiều món khác nhau: cà rốt sống, cà rốt tẩm mật ong, cà rốt luộc, cà rốt trộn chua ngọt và để bé nếm mỗi thứ một chút để biết về sự thay đổi hương vị. Với quả khế, bạn có thể cho con xem khi trái con nguyên và khi cắt ra tạo thành hình ngôi sao như thế nào…

12. Không nên: Quá coi trọng món tráng miệng
Mục đích chính của bạn là làm cho con thích thú và ăn các bữa chính. Món tráng miệng không thể cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho con. Vì vậy, việc bạn cứ liên tục nhắc rằng “nhanh lên, vẫn còn trái cây và bánh ngọt đấy”, thì bé sẽ chỉ mong ngóng món tráng miệng mà thôi. Thay vì vậy, bạn hãy dọn món tráng miệng như một phần của bữa ăn, và bé có thể ăn bất kỳ lúc nào bé muốn.

MarryBaby

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]