Về mặt y học, tất cả những vấn đề khi chúng ta lạm dụng đều có tác dụng không tốt, trong đó mạng xã hội như Facebook có ảnh hưởng một số bệnh lý về thần kinh. Trước tiên đó là bệnh “nghiện” Facebook. Ngày nào không lên được, không check (kiểm tra) được, không “like” (nhấn nút thích) hay “comment” (viết phản hồi) được trên Facebook, ngày đó họ cảm thấy bứt rứt, bực bội, dễ cáu gắt…

“vùng não bộ của họ bị ám ảnh, tức là nghiện, lúc nào cũng nhớ về Facebook”, BS Lâm Hữu Tài

Ngược lại, lên Facebook là cảm hứng, niềm vui, thích thú, từ đó không quên được; lúc nào cũng mong xong công việc hoặc về đêm không ngủ, mất ngủ, thức thâu đêm, ngồi loay hoay xem tâm sự, hình ảnh, gởi gắm của một nhóm những người chơi Facebook với nhau. Đó là lúc biết rằng họ đã lạm dụng Facebook, bị phụ thuộc, đã có bệnh lý nghiện.

Khi nghiện như vậy thì sức khỏe bị ảnh hưởng như thế nào, thưa bác sĩ?

Trước mắt vùng não bộ của họ bị ám ảnh, tức là nghiện, lúc nào cũng nhớ về Facebook, không tập trung được trong những công việc khác. Khi đó, bởi vì họ dành thì giờ nhiều hơn cho việc lên mạng xã hội, dẫn đến ăn uống kém, ngủ kém đi, dần dần họ bị suy nhược thần kinhthể chất.

Một người có thể quen, kết bạn với một người không quen biết trên Facebook. Bản chất mối quan hệ ảonhư vậy liệu có ảnh hưởng gì đến tâm lý, tình cảm không?

Việc làm quen và trở nên thân thiết với một người không quen biết thực trên Facebook ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tâm lý.  Vì chưa gặp, chúng ta không thể biết họ là ai, đạo đức như thế nào, ta làm quen chỉ vì họ nói chuyện qua Facebook có vẻ có duyên, có cùng sở thích, cùng tâm lý. Và nhiều trường hợp khi gặp thực ngoài đời thì lại thất vọng.

Đó là chưa kể hiện tượng một số hình ảnh hoặc nội dung không tốt lan tỏa theo tâm lý nhóm, làm cho nhóm đó hay người đó bị lệch lạc trong suy nghĩ, có những cư xử không tốt, từ đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý. Có những người trò chuyện qua mạng rất mạnh dạn, tự tin nhưng ngoài đời lại nhút nhát, co mình lại như con ốc, y học xem người đó có thể đã bị rối loạn tự kỷ nhẹ.

Có nhiều người cho rằng Facebook tuy sôi động nhưng không làm họ cảm thấy yêu đời hơn…

“Có những người trò chuyện qua mạng rất mạnh dạn, tự tin nhưng ngoài đời lại nhút nhát, co mình lại như con ốc, y học xem người đó có thể đã bị rối loạn tự kỷ nhẹ”, BS Lâm Hữu Tài.

Trên Facebook không khí rất sôi nổi, trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề nhưng thông thường những vấn đề vui cũng có nhưng không nhiều. Ngược lại những cảm xúc buồn, bức bối, không thỏa mãn trong cuộc sống thì lại nhiều.

Khi một bạn tung lên Facebook là mình đang chán, buồn điều gì đó, bạn khác “nhảy vào” cùng mổ xẻ vấn đề, đưa ra những hướng, giải pháp giải quyết tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ một bà vợ muốn đi chơi mà ông xã không đồng ý, chị tức quá nên tung lên Facebook, nói xấu chồng. Nhiều người liền nhảy vào nói ông chồng này quá tệ, quá xấu, thôi bỏ đi…

Đó là tâm lý đám đông, ảnh hưởng không tốt đến chủ nhân đang buồn kia, có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Nó chắc chắn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, nhất là sức khỏe tâm lý cũng không tốt, dài lâu sẽ bị rối loạn, từ đó sẽ hình thành những cảm xúc tiêu cực.

 Để cân bằng cuộc sống, người dùng cần đến với mạng xã hội ở mức độ nào, thưa bác sĩ?

Chúng ta cần có một thời khóa biểu nhất định cho Facebook, 30 phút đến một giờ/ngày. Hết thời gian quy định, chúng ta phải ngưng, để tránh bị nghiện.

Trường hợp đã nghiện thì cần làm gì thưa bác sĩ?

Với những người đã nghiện quá nặng, trước tiên phải rèn luyện, hướng họ qua những hoạt động khác: nghe nhạc, xem phim, đi bộ, thể thao…, giúp họ làm việc này việc kia, không bị gián đoạn thời gian, vì khi gián đoạn, họ lại lao vào Facebook! Khi không gặp Facebook lâu ngày, họ sẽ dần quen trở lại, không nghiện nữa.

Nhất Linh thực hiện