5 con gái đều theo một nghề

Trước đây, nhà họ Pang có công ty sản xuất, kinh doanh đồ nhựa khá lớn. Công việc kinh doanh ngày một thất bát, công ty phá sản, căn nhà cũ duy nhất cũng phải bán đi để trả nợ.

Mỹ Linh nhớ lại: “Khi bố kinh doanh phát đạt, chị em tôi không phải động tay đến việc gì, chỉ biết học và đi chơi. Đến lần phát hiện bố mẹ nhịn ăn để cho chúng tôi được no, 5 chị em khóc ròng. Từ đó chị em động viên nhau cố gắng làm việc, bán bánh mì, hủ tiếu dạo… ngày nào cũng làm từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới về tới nhà, da tay trầy xước, mờ cả vân tay”.

Học xong lớp 12, Mỹ Linh gác lại ước mơ vào đại học, đang lúc tìm nghề cô tình cờ gặp người bà con làm nghề nail từ Mỹ mới về Việt Nam. Được xem mẫu thiết kế nail tinh xảo, đẹp mắt, cô nhận ra nail không chỉ là nghề mà còn là một nghệ thuật. Tìm hiểu, thấy nhiều người nước ngoài giàu lên từ nail, cô quyết định xin học nghề.

Cuối năm 2003, Mỹ Linh mở một cửa tiệm làm nail nhỏ ở đường Trần Huy Liệu (Q. Phú Nhuận). “Nghĩ lại thấy tôi quá liều. Tiền không có, tôi đi mượn. Kinh nghiệm kinh doanh còn yếu, tôi xin học mấy chị lớn tuổi đang kinh doanh ngành nghề khác. Hơn 1 năm đầu khách đến tiệm rất vắng. Làm ăn thất bát, chủ nợ hối thúc nhưng tôi không nản chí”, cô cho biết.

Thấy tay nghề non yếu không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, năm 2004, cô mượn thêm tiền sang Nhật học thêm nail. Học được hai tuần, cô quay về Việt Nam truyền nghề cho em Pang Mỹ Nguyên. Sau 5 lần học ở Nhật, Mỹ Linh nhận ra nghề nail không phải tạm bợ mà là nghề “hái ra tiền”.

“Đến bây giờ mình vẫn nhớ kỷ niệm làm móng cho vị khách đầu tiên. Cầm tay họ mà mình run, hồi hộp đến nỗi khách bảo mình bình tĩnh. Sau hơn 3 tiếng mình mới hoàn thành bộ móng cho khách. Ban đầu họ bực mình vì mình làm quá lâu, nhưng khi hoàn thành, họ ưng ý lắm”, Mỹ Linh tâm sự.
 Chị Hai Pang Mỹ Linh đã gầy dựng cơ nghiệp để hiện tại "5 chị em làm móng tay" nhà họ Pang đã nổi tiếng xa gần

Cũng năm 2004, Mỹ Linh tham gia cuộc thi “Trang trí móng mùa xuân” do Nhà văn hóa phụ nữa TP.HCM tổ chức. Tác phẩm “hoa hồng tình yêu” của cô đạt giải nhất. Cuộc thi là bước ngoặt lớn. Khách đến làm móng mỗi ngày một đông. Vừa làm việc, chị vừa rút kinh nghiệm, lại tham khảo sách báo, diễn đàn làm nail quốc tế để học hỏi. Năm 2005, tác phẩm “Thiên nga tinh yêu” của chị lọt vào Top 10 cuộc thi Nail Design Châu Á tổ chức tại Nhật Bản.

“Mình tham gia cuộc thi châu Á vì muốn tận dụng cơ hội giao lưu, học hỏi các bạn nước ngoài. Năm 2008, mình tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi Nail Design châu Á tổ chức ở Malaysia và đạt giải nhất”, Mỹ Linh nói.

Sự thành công của chị thôi thúc 3 cô em út xin chị học nghề. Mỹ Linh ra điều kiện các em phải hoàn thành tốt chương trình học văn hóa bậc phổ thông thì mới được truyền nghề. Cứ lần lượt chị trước dìu em sau, các cô em cũng thành công không kém. Năm 2009, Mỹ Nguyên đạt giải 2 châu Á được tổ chức tại Singapore khi mới 22 tuổi.

Tiệm nườm nượp khách. Từ khởi điểm chỉ là căn phòng chật chội, 5 chị em vạch kế hoạch vươn xa hơn nữa bằng cách mở thêm cơ sở đào tạo nghề. Người mẹ đứng ra giúp quản lý tài chính. Cả nhà tiếp tục gom tiền cho Mỹ Nguyên sang Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan học thêm nghề.
Mỹ Linh (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhất Nail châu Á 2008 tại Malaysia.

Cùng nhau phát triển và đào tạo nghề

Năm cô gái tiếp tục bước thêm bước dài, sáng lập công ty Kelly Pang đào tạo nghề chăm sóc móng chuyên nghiệp. Hiện công ty có 3 chi nhánh đào tạo là quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận.

Năm chị em phân công, hỗ trợ nhau quản lý công ty, tạo việc làm cho 70 nhân viên, trong đó có 40 giáo viên trước đây là học viên xuất sắc. Mỗi năm công ty đào tạo hàng ngàn thợ nail khắp cả nước. Mỗi tháng, công ty khai giảng một khóa học 6 tháng đào tạo nghề làm nail. Khóa học ít nhất có 40 học viên, từ 12 tuổi trở lên, nhiều nhất là 65 tuổi. Ngoài điều hành, 5 giám đốc còn trực tiếp đứng lớp.

Mỹ Linh cho biết: “Khóa tốt nghiệp đầu vào tháng 11.2014, có 94 học viên được cấp chứng chỉ. Ngoài thực hành làm nail, công ty còn dạy thêm kỹ năng kinh doanh tiệm nail. Cứ 3 tháng tôi lại đứng ra tổ chức buổi họp mặt cựu học viên đẻ người theo nghề được trao đổi kinh nghiệm với các nhà làm nail quốc tế, chuyên gia tâm lý để họ nắm bắt được xu hướng mới. Đối với học viên có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, được đào tạo miễn phí. Công ty lập ra một trang mạng giới thiệu việc làm cho học viên để không bị thất nghiệp”.

“Tôi muốn được gần gũi với học viên hơn bằng cách thường xuyên trò chuyện với họ. Nhờ vậy, tôi nắm bắt được hoàn cảnh từng người, cô trò gần gũi trao đổi kinh nghiệm dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng tôi mở các cuộc thi giao lưu, tạo sân chơi văn nghệ, giải trí sau giờ học”.

Chị em Pang Mỹ Linh và Pang Mỹ Nguyên vinh dự hàng năm còn được mời là thành viên ban giám khảo Nail design cup Châu Á. Mỹ Linh còn là ủy viên hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 5. Trong tương lai, cô chia sẻ sẽ mở thêm nhiều lớp miễn phí dạy nghề cho người nghèo ở nông thôn.

Nguyễn Hằng (Pháp luật & Thời đại)