Từng đem áo dài ra công diễn ở rất nhiều nước trên thế giới, anh thấy bạn bè quốc tế nói gì về tà áo dài Việt Nam
Với áo dài truyền thống của Việt Nam, những tà áo thướt tha, may bằng chất liệu lụa mềm mại thêm những màu sắc và đường thêu may hoàn hảo thì bạn bè quốc tế ai cũng khen đẹp. Nhiều người còn cho rằng, áo dài Việt Nam đem lại những đường cong rất quyến rũ cho người phụ nữ. 
Tuy nhiên, ví dụ như ở nước Mỹ, trang phục chủ yếu của họ là áo thun, T- shirt, quần jean với kiểu dáng năng động thì đương nhiên là người Mỹ chỉ có thể khen áo dài Việt Nam đẹp, chứ không có nhu cầu mặc. Vì nó không tiện lợi, không hợp với cách sống và sinh hoạt của họ. 
Để áo dài có thể bay xa ra thế giới, điều chúng ta cần làm là gì? 
Bản thân trong lịch sử áo dài nó đã không bảo thủ về vẻ đẹp thì huống chi thời đại mới, chúng ta đang hội nhập, đang tiếp thu những nền văn hóa khác nhau, thậm chí là dị biệt ở thế giới. Chúng ta muốn giới thiệu văn hóa của mình ra ngoài thế giới thì chúng ta phải dung hòa được cái của mình và cái của người theo đúng tỉ lệ 50 - 50. Nếu chúng ta bảo thủ thì chỉ mang tính địa phương.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng
Mà phải nói thêm, để làm được điều đó, áo dài cần một cuộc cách tân lớn hơn nữa. Những nhà thiết kế không đơn thuần chỉ là một người làm nghề, đem cái đẹp đến với mọi người, phục vụ mọi người mà còn phải mang theo một sứ mạng lớn hơn nữa là thông qua công việc truyền tải, giới thiệu một di sản văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Thế thì, cái tâm thế của mình khi làm thiết kế phải là một cái đầu mở và tạo được những ý tưởng sáng tạo không giới hạn, ví dụ đưa tới đối tượng nào thì phải hòa nhập với đối tượng đó. Đó cũng chính là bài toán khó mà các nhà thiết kế phải giải. 
Nói chung về các loại áo dài anh đã thiết kế thì anh nhận ra mình có thế mạnh gì? 
Áo dài của tôi là đưa ngôn ngữ hội họa lên trang phục vì gốc của tôi là một họa sĩ. Ý tưởng những trang phục thường là khai thác từ kho tàng văn hóa dân tộc và nó hội nhập được với các nền văn hóa quốc tế. 
Nhiều người nói anh khó tính. Anh nghĩ điều này như thế nào? 
Tôi chẳng thấy gì phải ngạc nhiên. Bản thân tôi nghĩ rằng, khó tính là một yêu cầu rất căn bản để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đảm bảo một đẳng cấp, đảm bảo sự toàn tâm toàn ý trong công việc. Hay nói một cách khác, nó là trách nhiệm của người làm nghề ở bất kì lĩnh vực nào. Mà khó ở đây là kĩ chứ không phải là khó chịu. 

Hiện tại anh đang lấn sân qua điện ảnh, phim, kịch? 
Tôi ghét dùng từ lấn sân vì tôi chẳng lấn ai cả. Cái sân nào cũng có sự đầu tư công sức, tâm huyết và thậm chí là chấp nhận sự thất bại để làm nên một tác phẩm. Mình không có lý do gì mà nhào tới cái sân của người ta mà lấn. 
Việc tôi tham gia để trở thành diễn viên sân khấu và điện ảnh là để học được kĩ năng của người nghệ sĩ không chỉ kỹ năng hình thể mà ngôn ngữ, thoại, biểu cảm của họ. Và những điều đó, được tiếp thu để bổ sung vào phương pháp sư phạm của mình. Khi đứng lớp, tôi thấy dường như vẫn là một chiều mà không có sự tương tác từ hai phía nhưng khi người diễn viên lên sân khấu, vài phút thôi mà có thể làm khán phòng cười, khóc hay nức nở. Tôi đánh giá đây là một kĩ năng quá giỏi mà mình cần phải tiếp thu và trau dồi cho bản thân.
Trà Giang / Duyên Dáng Việt Nam