Nhạc trưởng Seiji Ozawa: “Múa” gậy chỉ huy bất chấp ung thư

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 3 vừa qua, vị chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng thế giới người Nhật Seiji Ozawa đã trở lại cầm gậy chỉ huy lần đầu tiên sau 14 tháng dưỡng bệnh. Ông đã trình diễn khúc dạo đầu nhạc phẩm Egmont của Ludwig van Beethoven cùng dàn nhạc Seiji Ozawa Ongakujuku ở Tokyo.

15.5897

Năm 2010, Ozawa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản và sau đó phải trải qua phẫu thuật. Kế hoạch tái xuất với làng nhạc của ông vào cuối năm đó đã bị gác lại và năm 2011 ông còn phải điều trị chứng thoát vị. Tháng 3/2012, Ozawa thông báo ông phải ngưng cầm gậy chỉ huy 1 năm để phục hồi sức khỏe.

Tái xuất với kế hoạch làm việc dày đặc

Nếu ở tuổi 77 và từng mắc bệnh ung thư, nhiều người hẳn sẽ nghĩ tới việc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, Ozawa đang trở lại và có một kế hoạch làm việc dày đặc.

Tháng 8, ông đã có kế hoạch cùng một dàn nhạc và các ca sĩ opera trình bày vở opera The Child and the Spells của Maurice Ravel tại Liên hoan Saito Kinen Matsumoto ở Nhật Bản. Trước đó, ông sẽ tham gia một số sự kiện âm nhạcc ở châu Âu và còn giảng dạy tại Viện Hàn lâm Quốc tế Thụy Sĩ ở Geneva.

Ngày 30/6 tới đây, nhóm tứ tấu đàn dây và dàn đồng ca của ông sẽ trình bày nhạc phẩm Serenade for Strings của Tchaikovsky. Ông còn có kế hoạch tập dượt nhạc phẩm Transfigured Night của Schoenberg cùng nhiều nghệ sĩ trẻ châu Âu để chuẩn bị cho màn diễn vào năm 2014.

Tháng 7, ông sẽ trình diễn cùng Dàn nhạc Thính phòng Quốc tế Ozawa, trong đó có nhiều tài năng của Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc cùng vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), ở Nagano vào ngày 28-29/7 và ở Tokyo vào ngày 31/7.

“Tôi thật may mắn khi vẫn có thể trở lại làm việc sau một thời gian ốm nặng. Tôi nghĩ Chúa đã ban cho mình thời gian, vì vậy tôi phải sử dụng nó thật hữu ích. Tôi đang dần trở lại với công việc chỉ huy dàn nhạc”- Ozawa nói. Ngoài các chương trình kể trên, Ozawa còn dành thời gian để chuẩn bị cho 2 trại hè ở Thụy Sĩ và Nhật Bản, trong khi vẫn tham gia giảng dạy tại các nhạc viện.  Đó là một lịch làm việc đáng nể với một người từng bị ung thư như ông.

Đi khắp châu Âu với chiếc xe máy

Cách đây hơn 50 năm, Seiji Ozawa đã đeo đàn guitar, bước lên một chiếc tàu thủy ở Nhật Bản để lên đường tới châu Âu. Trước đó, Ozawa đã khiến nhiều công ty khắp nước Nhật khó chịu khi ông tìm tới chỗ họ xin tài trợ cho chuyến đi tới châu Âu của mình và thực hiện được mơ ước học nhạc cổ điển ở chính nơi khởi nguồn của dòng nhạc này.

Seiji Ozawa đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Emmy với serie hòa nhạc Evening at Symphony (1976) và giải Grammy Trình diễn nhạc cụ solo hay nhất cùng dàn nhạc (1981). Năm 2008, ông đã được trao tặng Huân chương Văn hóa của Nhật Bản.

Tuy nhiên, chỉ có Công ty Fuji Heavy Industries muốn đánh bạc với chàng trai trẻ tài năng này. Ngoài tiền, họ đã cung cấp cho ông một chiếc xe máy có bàn đạp (kiểu xe mobylette) để giúp Ozawa có thể đi khắp châu Âu. Song họ đặt điều kiện là bất cứ khi nào sử dụng xe, Ozawa phải cắm cờ Nhật Bản ở đằng sau xe. Ông cũng phải thực hiện bổn phận quảng bá cho Nhật Bản khi nền kinh tế thời hậu chiến của nước này đang phát triển.

Sau 2 tháng lênh đênh trên biển, con tàu chở Ozawa đã cập bến ở Marseille (Pháp). Đây là khởi đầu sự nghiệp của Ozawa. Ở Pháp, Ozawa gặp Charles Munch - nhạc trưởng người Pháp lúc đó đang là giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Boston, người sau này đã trở thành thầy của Ozawa tại Trung tâm Âm nhạc Berkshire.

Ozawa gặp Munch lần đầu tiên tại một cuộc thi chỉ huy dàn nhạc quốc tế

hồi năm 1959 tại Besancon, miền Đông nước Pháp. Tại cuộc thi này, Ozawa đã giành chiến thắng và giải thưởng đó đã giúp mang lại danh tiếng cho ông.

Chỉ hơn 1 thập kỷ sau, Ozawa đã nối gót người thầy Munch, trở thành giám đốc âm nhạc tại Dàn nhạc Giao hưởng Boston, vai trò ông đảm trách trong suốt 29 năm và đến năm 2002 mới thôi trọng trách này.

“Đặc ân” của người thầy

Ngoài dàn nhạc Boston, Ozawa còn làm việc khăng khít với Herbert von Karajan, chỉ huy chính của dàn nhạc Berlin Philharmonic, nhân vật hàng đầu của thế giới nhạc cổ điển trong nửa cuối thế kỷ 20.

“Năm nào von Karajan cũng mời tôi là chỉ huy khách mời của dàn nhạc. Năm nào tôi cũng dựng chương trình cùng với Karajan, cho đến khi ông qua đời” – Ozawa cho biết.

Von Karajan còn ban cho Ozawa một “đặc ân”: có thể chỉ huy bất cứ chương trình nào mong muốn và chỉ cần nói trực tiếp với ông chứ không cần nói với các nhà quản lý dàn nhạc. Đây là điều chưa hề có tiền lệ đối với một vị khách mời vào vị trí chỉ huy dàn nhạc.

Ozawa đã trải qua một chặng đường sự nghiệp vô cùng ấn tượng khi từng làm việc tại dàn nhạc New York Philharmonic (cùng với Leonard Bernstein), Dàn nhạc Giao hưởng Toronto, Dàn nhạc Giao hưởng San Francisco, Dàn nhạc Giao hưởng Boston và có 8 năm là giám đốc âm nhạc tại Nhà hát Opera Quốc gia Vienna, Áo. “Chúa đã ban cho chúng ta thể loại âm nhạc này… Tôi muốn được làm việc với dàn nhạc, cho dù phong cách của dàn nhạc đó khiến tôi gặp khó khăn” – Ozawa từng chia sẻ.

Ông tự hào khi thấy ở châu Á đã có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên ông vẫn nói với các học trò của mình nhất thiết phải tới châu Âu để thấy được nơi nhạc cổ điển ra đời và cảm thụ dòng nhạc này tại quê hương của nó. “Ở Washington cũng có hoa anh đào, nhưng nó khác hẳn ở Nhật Bản. Dòng nhạc cổ điển cũng vậy. Có rất nhiều trường nhạc nổi tiếng ở Bắc Kinh, Tokyo, Oska hay Seoul, nhưng các bạn phải tới châu Âu” – Ozawa quả quyết.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]