Những cách chữa cảm cúm hiệu quả cho bé

Cảm cúm là bệnh phổ biến ở trẻ nhưng không vì thế các mẹ chủ quan. Cần chữa trị kịp thời, phòng dẫn đến biến chứng không đáng có.

0

Cho trẻ nghỉ ngơi thật nhiều

Khi trẻ bị ốm, trẻ sẽ phải tốn nhiều năng lượng để chiến đấu với bệnh, và điều đó có thể khiến một đứa trẻ (thậm chí là cả người lớn) mệt nhoài. Do đó nếu bé được nghỉ ngơi, sức khỏe sẽ hồi phục.

Cần bố trí một nơi thoải mái để bé nghỉ ngơi và những thứ khiến trẻ thích thú. Hãy tạo độ ẩm cho căn phòng để đường mũi của trẻ luôn ẩm ướt, giảm ho và nghẹt mũi vào ban đêm. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, máy phun sương và hạn chế dùng điều hòa.

Giữ ấm

Nên giữ ấm cho bé, nhất là những bộ phận dễ bị nhiễm lạnh trên cơ thể bé như cổ họng, chân, tay… Tuy nhiên,không nên ủ ấm quá cho bé. Việc ủ ấm chỉ khiến cho thân nhiệt bé bị tăng cao, gây nên tình trạng sốt cao co giật ở bé.

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻbị sốt cao, đổ mồ hôi nhiều hãy thay quần áo cho trẻ ngay sau đó. Đồng thời bạn nên lau cơ thể trẻbằng nước ấm để hạ sốt hàng ngày: dùng nước đun sôi để nguội pha ấm và lau toàn bộ cơ thể trẻ.

Chú ý đến vùng cổ, hai bên nách và vùng da bẹn của bé. Tuyệt đối không được dùng nước đá chườm cho bé vì nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu của bé bị co lại.

Bổ sung thêm nước

Cũng như người lớn, trẻ cần uống nhiều nước khi đã mắc bệnh. Chất lỏng giúp cho các dịch nhầy dễ tiêu tan hơn.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ và sữa bột luôn là sự lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất. Đối với các bé lớn hơn, bạn có thể cho bé uống nước lọc, nước trái cây hoặc một lượng nhỏ dung dịch bù nước.

Khi trẻ bị cảm cúm, cần chữa trị kịp thời phòng những biến chứng không đáng có

Sử dụng nước muối và bầu hút mũi

Nước muối có thể rửa sạch mũi khi trẻ quá nhỏ để xì mũi.Đối với trẻ lớn hơn, dùng nước muốiđể súc miệng là phương pháp giúp phòng và chữa cảm cúm hiệu quả.

Với trẻ sơ sinh, bầu hút mũi rất tiện dụng khi nghẹt mũi gây cản trở tới việc bú bình hoặc bú sữa mẹ.

Khi nhà có con nhỏ, bạn nên sắm một chiếc hút mũi, và luôn có sẵn nước muối sinh lý trong nhà. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nước muối và bầu hút mũi vì có thể khiến mũi trẻ bị khô, dẫn đến viêm niêm mạc.

Với trẻ trên 2 tuổi, thay vì dùng bầu hút mũi, bạn có thể dạy bé tự xì mũi.Nếu mũi bé bị đau vì sụt sịt, hãy bôi ít thuốc mỡ an toàn cho trẻ lên mũi bé.

Xoa dầu (áp dụng cho trẻ trên 3 tháng tuổi)

Xoa dầu có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn. Xoa dầu tuy không giúp thông mũi, nhưng sẽ làm cho trẻ thở dễ hơn bởi cảm giác mát lạnh.

Có rất nhiều loại dầu dành cho trẻ, trước khi dùng cho con bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Chú ý: Không xoa dầu vào vùng da nhạy cảm hoặc bị tổn thương của trẻ. Không cho dầu vào miệng, mũi, mắt hoặc bất cứ chỗ nào trên mặt.

Làm dịu cơn ho bằng mật ong

Khi trẻ có triệu chứng ho kéo dài, hãy thử cho bé uống từ 1 đến 3 thìa cà phê nước táo ấm 4 lần một ngày. Nếu bé đã trên 12 tháng tuổi, bạn có thể cho bé dùng nửa thìa cà phê mật ong mỗi ngày. Các nghiên cứu khoa học cho thấy mật ong có tác dụng tốt hơn cả xi-rô ho trong việc giảm các cơn ho vào ban đêm.

Lưuý không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống mật ong vì có thể gây ra chứng ngộ độc hiếm gặp và dẫn đến tử vong.

Sử dụng thuốc đúng cách

Nếu trẻ mới bị cảm cúm ở mức độ nhẹ, mẹ có thể dùng các phương pháp tự nhiên, truyền thống để điều trị.

Claire McCarthy, BS khoa nhi tại Trung tâm chăm sóc trẻ em Boston, đã nói rằng: "Nếu bé vẫn uống sữa và không thực sự quá khó chịu, hãy để bệnh khỏi tự nhiên. Chỉ nên điều trị khi bé cảm thấy quá tệ".

Hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng thuốc. Đặc biệt cẩn trọng khi dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và tuyệt đối không dùng thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt Ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

AloBacsi.vn
Theo Thùy Chi - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]