Những điều cần biết về thuốc corticoid

Thuốc corticoid tuy có nhiều tác dụng trị liệu rất tốt nhưng cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm vì nó như con dao hai lưỡi. Do đó, ta không nên tự ý sử dụng corticoid bừa bãi mà chỉ dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

15.6042

Báo Sức khỏe và đời sống cho hay, thuốc corticoid được gọi đầy đủ là glucocorticoid. Trong cơ thể chúng ta có 2 corticoid thiên nhiên được tiết ra từ vỏ thượng thận (là tuyến úp trên 2 quả thận), gồm cortison và hydrocortison. Thuốc corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay “hột dưa” vì thuốc có dạng viên hình hạt dưa), prednison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon…

Những tác dụng phụ nguy hiểm của việc dùng Corticoid không đúng cách

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.

Corticoid còn có nhiều tác dụng khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương cùng nhiều cơ quan khác. Vì thế, cơ thể có vẻ như mập ra và tăng trọng khi uống corticoid liên tục, kéo dài (mà một số người cứ tưởng rằng tốt) nhưng lại là biểu hiện một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc.

Do corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid, làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên Cushing). Thuốc còn gây cảm giác thèm ăn, làm cho người dùng ăn ngon hơn.

Bên cạnh đó, thuốc có các tác dụng phụ nguy hiểm khác, như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao và các bệnh nấm). Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận. Bởi lẽ, tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm.

Những nạn nhân của mỹ phẩm chứa Corticoid

Báo Tiền phong đưa tin, đầu tháng 8 năm 2014 vừa qua, PV có nhận được qua email bức thư của chị Quỳnh Mi (quận 8, TPHCM) nội dung là một nhãn hiệu kem làm trắng da mặt khiến chị tan nát dung nhan.

Chị Mi đưa ra một hộp kem hiệu T.T kèm những hình ảnh minh họa quá trình biến “vịt thành thiên nga” trong thời gian vài ngày. Trong vài ba ngày đầu, chị cảm thấy da mặt sạch ra, cảm giác giống như vừa “lột mặt nạ” xong. “Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục sử dụng và cảm giác mình được trẻ ra, ai ngờ hai tuần sau…” - chị Mi ngưng ngang câu nói và nét buồn gợi rõ trên gương mặt lấm tấm mụn đỏ.

Mang hộp kem đến một bác sĩ chuyên về da liễu, vị này cho biết nhiều khả năng chất corticoid cường độ mạnh có trong hộp mỹ phẩm này. Theo đó, vị bác sĩ này nói rằng về cơ bản chất này có chức năng tẩy tế bào ngoài da, có phần giúp liền vết sẹo, “kéo miệng” nhanh vết thương nhỏ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, chất này sẽ ăn da một cách nhanh chóng. Đây chính là đặc điểm khiến nhiều người dùng ban đầu cảm thấy da mình sạch ra. “Da họ bị bào mòn nhanh chóng mà họ cứ ngỡ làn da non đang được tái sinh”, bác sĩ này nói.
Nguy cơ tiềm ẩn đáng sợ như vậy nhưng hiện nay, nhan nhản trên khắp các trang web bán hàng qua mạng, thậm chí tại các tiệm tạp hóa, tiệm gội đầu, hay các cửa hàng mỹ phẩm trong chợ, trong ngõ… người tiêu dùng đang bị bủa vây trong mê hồn trận các loại kem “trắng da thần tốc” giá rẻ.

BS Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng Khoa Lâm sàng 1, BV Da liễu TPHCM, cho biết: những kem bôi, mỹ phẩm làm trắng da được rao bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc thường có chứa chất corticoid, hydroquinone, acid nồng độ cao. Trong các chất này, corticoid được dùng để pha trộn nhiều nhất vì có thể tẩy da nhanh, mạnh.

Theo bác sĩ Hoàng, corticoid bản chất là một loại thuốc bôi lên da dùng để điều trị một số bệnh ngoài da (chàm, viêm da kích ứng, chống viêm, chống ngứa) theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa có corticoid trong vòng 2 tuần, theo dõi và điều chỉnh liều lượng nhưng trong giới “kem trắng thần tốc”, corticoid nổi tiếng là “thần dược” làm đẹp tức thời. Do vậy khi sử dụng những mỹ phẩm, kem này từ 3 - 7 ngày đầu sẽ thấy da trắng và đẹp rất nhanh, khiến nhiều chị em lầm tưởng “hiệu quả” của sản phẩm đó tốt.

Vậy nhưng nếu sử dụng lâu dài, một khi người dùng ngưng khoảng một tuần là thấy ngay hậu quả. Các triệu chứng phát sinh như khó chịu, da đỏ lên, ngứa, nổi mụn đỏ li ti. Khủng khiếp hơn, người bị nhiễm chất này có nguy cơ bị teo da, mỏng da, giãn mạch máu, nhiễm trùng da, da nhờn sẽ nhờn hơn, nám sẽ nám nhiều hơn, và nổi mụn, thậm chí là mọc lông trên vùng mặt.

Thùy Linh

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]