Những điều cần biết về tục lì xì đầu năm

(ĐSPL) - Dịp Tết Nguyên đán, người lớn trao cho trẻ em chiếc phong bao nhỏ màu sắc rực rỡ, bên trong có tiền. Đó là tục lệ lì xì đầu năm hay còn gọi là mừng tuổi.

15.6009

Hiểu cho đúng về tục lệ lì xì đầu năm

Theo quan niệm của người Hoa, lì xì là tục người trên trao phong bao nhỏ màu sắc sặc sỡ, bên trong có tiền cho người dưới, người lớn tuổi phát lì xì cho người ít tuổi, không có ngược lại; nếu con cái lì xì bố mẹ là không đúng.

Truyền thống xưa trọng người có tuổi, thêm tuổi tức là thọ; mừng tuổi bằng bao lì xì để chúc ông bà thọ lâu, đồng thời cũng có ý nghĩa để ông bà có thêm tiên tiêu vặt.

Phóng to

Ảnh minh họa.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) lý giải hai chữ lì xì là đọc âm Quảng Đông (Trung Quốc) - âm Hán Việt hay dùng là "lợi thị", có nghĩa là "lãi chợ", tiền lãi do chợ búa mà ra. Cũng có thể giải thích là kỳ vọng được lãi trong chợ búa buôn bán.

Ở Bắc Bộ và khu 4 trước đây, người ta gọi đó là tiền "phát vốn" hoặc tiền "mở hàng". Nghĩa chung của "lì xì" "phát vốn","mở hàng" là đều gắn với chợ búa.

“Theo tín ngưỡng chung, nếu mình rộng rãi sẽ được kết quả rộng rãi trong làm ăn. Cho nên, vào ngày đầu năm, người ta mở lòng phát cho trẻ em để mong trong năm làm ăn, buôn bán có lãi”, ông Vỹ lý giải.

"Trẻ em trong trắng như thiên thần. Vậy nên, ngày Tết, giao thiệp với trẻ em là lành nhất, trẻ trở thành đối tượng được lì xì. Tuy nhiên, hành động này cũng thể hiện tình yêu, sự gia phúc cho con trẻ để thoả cái thiện tâm của con người", ông Vỹ nói.

Không chỉ trẻ nhỏ mà người già cả cũng được nhận “phong bao đỏ” từ con cháu, gọi là "mừng tuổi" vì người già mong muốn trường thọ.

Lì xì sao cho đúng cách

Lì xì vốn là một tục lệ tốt đẹp của người Việt. Theo đó, người lớn tặng cho trẻ nhỏ những đồng tiền với mệnh giá rất nhỏ để mừng tuổi và đem đến cho chúng niềm vui đầu năm. Nó giúp cho trẻ em có những hồi ức tuyệt vời về ngày Tết. Không chỉ lì xì cho trẻ em, con cháu còn lì xì cho ông bà để mừng tuổi cho những bậc cao niên trong nhà. Đây là một tục lệ tốt đẹp mang đậm phong vị Tết Việt.

Lì xì trong những ngày Tết là phong tục đã có từ lâu, những phong bao đỏ thắm chứa đựng món quà, lộc đầu xuân của mọi người dành cho con trẻ, gửi gắm mong muốn bé học giỏi, ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn… Người lớn cần dạy cho trẻ biết ý nghĩa của những chiếc phong bao lì xì để bé có thái độ đúng đắn.

Hãy dạy trẻ biết trân trọng phong bao lì xì như là một món quà ý nghĩa, một niềm vui bất tận, một sự may mắn mà người khác mang đến cho mình, chứ không đơn thuần là số tiền mà trẻ nhận được trong phong bao đó.

Video tết Ất Mùi: Độc đáo bao lì xì 'xanh'

Tuy nhiên, ngày nay phong tục lì xì đầu năm cũng bị biến tướng, nhiều người lấy giá trị của bao lì xì để “đo” sự hào phóng của người tặng lì xì. Có đứa trẻ dại, thấy tiền ít thì vùng vằng hoặc phát ngôn dại dột. Lúc đó người lớn phải ứng xử tế nhị. Sau đó có cách dạy trẻ cho hiệu quả.

 Đối với trẻ em, mỗi chúng ta nên có thái độ yêu thương và trân trọng trẻ; trước tiên, chúng ta mua phong bao màu đỏ có in hình cây mai, cây đào, câu liển đối, những câu chúc Tết và một số hình ảnh sinh động khác và bỏ tiền mới vào phong bao, vì phong bao đỏ tươi biểu hiện cho sự vui vẻ, may mắn, phát đạt.

Khi đưa phong bao lì xì cho trẻ em thì cần phải đợi câu chúc của  trẻ em trước, điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ; sau khi trẻ em đã chúc xong, chúng ta đưa phong bao và rồi chúc trẻ phấn đấu học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô…

 Do đó, cha mẹ cần chú ý dặn con trẻ phải ứng xử lại lễ phép, mặc dù câu chúc tết của trẻ không phải để bắt phép gì cả, nhưng nó thể hiện sự kính trọng, lễ phép, quan tâm đến người lớn.

 Đối với ông bà, cha mẹ, chúng ta mừng tuổi (không thể gọi là lì xì); khi đưa phong bao mừng tuổi nên thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo, trân trọng; tiền  it nhiều không quan trọng, còn tùy vào hoàn cảnh nhưng cái chính vẫn là tình cảm và thái độ của của chúng ta đối với ông bà, cha mẹ.

Phong tục lì xì ngày tết thực chất là mang ý nghĩa chúc phúc, nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao. Quan trọng là thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết.

THÙY DUNG (TH)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]