Những điều mẹ cần biết về thai máy

Cử động thai máy là dấu ấn đặc biệt, cho người mẹ cảm nhận rõ ràng mầm sống hiện hữu trong cơ thể, giúp thai phụ gia tăng cảm xúc tích cực.

15.5995

Trong ba tháng đầu, em bé của bạn đang phát triển nhanh, nhưng cảm giác chuyển động của thai nhi ở giai đoạn này là gần như không có. Nguyên nhân là bởi vì “căn phòng” của bé quá lớn, và những chuyển động của bé quá nhỏ để mẹ có thể nhận ra. Thậm chí nếu bạn có cặp sinh đôi hay sinh ba, bạn vẫn sẽ không có cảm giác gì.

1/ Cảm giác thai máy như thế nào?

Theo thạc sĩ - bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, bên cạnh khám thai định kỳ thì việc theo dõi cử động của thai nhi trong bụng sẽ giúp người mẹ nhận biết sức khỏe của con.

Thai được 8 tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Tuy nhiên, những cử động này nhẹ và khối lượng thai quá nhỏ nên các thai phụ chưa thể cảm nhận. Thông thường người mẹ bắt đầu cảm thấy cử động của thai khi bầu vào khoảng 3-4 tháng. Các bà mẹ sinh con rạ (con thứ) đã có kinh nghiệm nên nhận ra dấu hiệu của thai máy sớm hơn chị em lần đầu mang thai.

Những thai phụ có thành bụng dày sẽ khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít cũng làm thay đổi khả năng cảm nhận. Cảm nhận đầu tiên về thai máy thường nhẹ nhàng, giống như tôm búng, cá quẫy, có cái gì nhúc nhích trong bụng. Về sau thai càng lớn sẽ cảm nhận rõ hơn cử động đạp, quẫy của bé.

2/ Bé thường đá bao lâu một lần?

Trong tam cá nguyệt thứ hai, khi mọi thứ đã sẵn sàng để di chuyển, bé của bạn sẽ di chuyển nhiều hơn, háo hức hơn và thường xuyên hơn. Bạn thậm chí có thể cảm thấy em bé của bạn di chuyển khoảng 30 lần trong một giờ.

Tất nhiên, hầu hết thời gian hoạt động nhiều nhất trong ngày sẽ xảy ra vào ban đêm, ngay khi bạn đã chuẩn bị đi ngủ. Đó có thể là bởi vì bạn đã kết thúc các hoạt động trong ngày, và đang thư giãn. Nó cũng có thể là do biến động lượng đường trong máu khiến cho các bé “tăng động”.

Trẻ cũng có thể phản ứng với âm thanh hoặc sự va chạm, và sẽ trở nên sôi động hơn khi bạn nói chuyện với họ, chơi nhạc, và tập thể dục.


3/ Tại sao nên theo dõi sự chuyển động của thai nhi?

Trong những tháng đầu, theo dõi thai cử động trong ngày là dấu hiệu cho biết thai có hoạt động, tức còn sống, nhưng không thể kết luận thai nhi yếu hay khoẻ. Nếu cả ngày mà thai không máy hoặc thai máy ít hơn so với ngày trước thì cần chú ý, đây có thể là dấu hiệu thai đang bất thường.

Một số người mẹ phản ảnh thai máy nhiều khi nằm nghỉ hay vào buổi tối. Thật ra đây là lúc rảnh rỗi, người mẹ có nhiều thời gian theo dõi thai nên nhận ra cử động thai dễ dàng hơn các thời điểm khác.

Sau 5 tháng mà chưa thấy thai cử động là dấu hiệu đáng ngại. Ở những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, tùy mức độ còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.

Theo dõi thai máy để đánh giá sức khoẻ thai chỉ nên thực hiện trong khoảng hai tháng cuối thai kỳ và trong một giờ đồng hồ. Trong lúc tỉnh thức, tối thiểu thai sẽ cử động từ 3 đến 4 lần một giờ. Thấp hơn mức này, có thể thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khỏe.

Ngược lại cử động quá nhiều (hơn 20 lần), coi chừng thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra.

4/ Làm gì khi thai máy bất thường?

Nên đọc

Khi tự theo dõi thai máy trong hai tháng cuối, nếu thấy ít hơn mức tối thiểu 3-4 cử động thai trong một giờ thì có thể theo dõi tiếp trong một giờ nữa hoặc đến bệnh viện kiểm tra.

Khi sản phụ đến bệnh viện, bác sĩ sẽ quan sát cử động thai và theo dõi cả biến động tim thai theo cử động thai. Xét nghiệm này gọi là NST (Non Stress Test), không có tác động gây kích thích thai.

Ngoài ra một số xét nghiệm khác để theo dõi sức khỏe thai nhi như: ST (Stress Test), quan sát tim thai theo sau kích thích thai, có thể kích thích bằng âm thanh hay lắc thai; xét nghiệm CST (Contraction Stress Test), theo dõi tim thai qua biến động cơn gò tử cung; xét nghiệm OCT gây cơn gò tử cung bằng cách truyền oxytocin; xét nghiệm BST gây cơn gò tử cung bằng cách se đầu vú, làm kích thích cơ thể tiết ra oxytocin nội sinh.

Đây cũng là lý do bác sĩ thường khuyên các thai phụ không xoa đầu vú khi vệ sinh vào các tháng cuối thai kỳ hoặc tránh để ai đó tiếp xúc khu vực này, vì có thể gây ra cơn đau chuyển dạ, dễ sinh non...

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]