Những món ăn không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ

(Webphunu.net) - Ngày mồng 5-5 âm lịch là tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là tết Giết sâu bọ, Tết mùa màng). Cùng lên thực đơn với những món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ này nhé.

15.5958
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú, không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Trong ngày Tết này, bạn cần sắm đủ cho gia đình những món ngon sau:

1. Bánh Gio

Bánh Gio, hay còn gọi là bánh tro (người miền Nam thì gọi là bánh ú nước tro) là món bánh truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ.


Bánh gio được làm khá cầu kỳ, rơm nếp đốt rồi lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng. Chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp. Sau đó vớt ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh hoặc không nhân. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát. Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Bánh ăn rất mát, khi ăn chấm với nước mật, sánh, rất hấp dẫn.

2. Cơm rượu

Giống như bánh gio, cơm rượu cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Theo quan niệm của dân gian, trong bụng chúng ta thường chứa rất nhiều các loại ký sinh gây hại, trong ngày tết Đoan Ngọ, các loại ký sinh thường ngoi lên nên chúng ta phải ăn thức ăn có vị chua vào để diệt chúng. Chính vì vậy nên dù có khác nhau về cách chế biến thì cơm rượu là món ăn phổ biến từ Nam ra Bắc trong ngày này.


Cơm rượu được làm từ gạo nếp cái thơm, đem đồ chin thành xôi rồi để nguội. Sau đó đổ xôi vào rổ, rá và rắc bột men lên bề mặt theo từng lớp. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên làm cho tính chất bổ dưỡng của món này cũng tăng lên. Cơm rượu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, trừ đàm, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn.

3. Chè trôi nước


Chè trôi nước không chỉ là món chè truyền thống trong ngày 3-3 âm lịch, mà nó còn là món ăn được yêu thích vào ngày 5-5. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa rất hấp dẫn. Chè có vị béo của đậu xanh, vị ngọt của đường, nước cốt dừa, vị man mát của bột ở ngay đầu lưỡi và mùi thơm hấp dẫn của gừng, nước cốt dừa.

4. Các loại trái cây

Ngoài bánh gio, cơm rượu, chè trôi nước, những loại hoa quả như mận, vải thiều, bơ, xoài, đào, chôm chôm… cũng không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ này. Tuy nhiên đây đều là những loại hoa quả nóng, vì thế chúng ta chỉ nên ăn "làm phép" thay vì ăn no bụng những loại hoa quả này để tránh tình trạng bị nóng ruột, mọc mụn vì "giết sâu bọ" nhé.

Lam Anh (Tổng hợp)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]