Những người không nên ăn hành muối theo lý giải của chuyên gia

Dưa hành là món ăn rất được ưa chuộng trong những ngày Tết. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh huyết áp, dạ dày, phụ nữ có thai thì nên hạn chế hoặc không nên ăn món này.

15.6014

Dưa hành là món ăn truyền thống mỗi khi Tết đến xuân về. Đặc biệt, đối với nhiều người món ăn này còn trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều khi kết hợp với món thịt đông. Thậm chí đối với dân nhậu, đây còn là món ăn giúp họ giã rượu nhanh hơn.

Tuy nhiên, món ăn này không phải ai cũng có thể dùng "xả láng" vì đối với những người có bệnh mạn tính, khi sử dụng loại đồ ăn này bệnh sẽ càng thêm trầm trọng.

Theo lý giải của các chuyên gia, bất kỳ loại đò ăn (thực phẩm) nào để từ sống, sau đó qua quá trình lên men giúp thực phẩm "chín" dùng nhiều cũng không tốt. Đó là chưa kể trong quá trình muối dưa hành không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là khâu sơ chế và dụng cụ muối dưa hành.

Hạn chế tối đa việc sử dụng hành muối trong thùng sơn hoặc hộp nhựa không đảm bảo vệ sinh.

"Đối với các loại dưa cải muối, hành muối, cà muối …nếu sử dụng thùng sơn để muối là vô cùng nguy hiểm. Các loại thùng sơn còn nguy hiểm hơn các loại thùng nhựa bình thường vì còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi... từ sơn.

Vì thế, thức ăn cần được bảo quản đúng cách trong các vật lưu trữ bằng nhựa thực phẩm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm -ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay.

Còn về phương diện dinh dưỡng, các chuyên gia cho rằng dưa hành là món ăn phổ biến trong ngày Tết, tuy đây là món ăn kích thích tiêu hóa, nhưng không phải ai cũng có thể dùng được. Thông thường khi muối dưa mọi người thường cho một lượng muối rất nhiều nhằm làm củ hành cứng, giòn hơn và lâu hỏng hơn. Chính điều đó sẽ khiến cho những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch không thể sử dụng món ăn này.

Theo TS.BS Trương Tuyết Mai (Viện Dinh dưỡng), các món ăn mặn với nhiều muối là vấn đề cần được người tăng huyết áp đặc biệt chú ý quan tâm và hạn chế tối thiểu lượng muối tiêu thụ. Muối ăn (sodium chloride) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của nó trong tăng huyết áp.

Các nghiên cứu cho thấy, ở những quốc gia với chế độ ăn nhiều muối có tỷ lệ dân số bị tăng huyết áp nhiều hơn ở những quốc gia với chế độ ăn ít muối hơn. Các nhà khoa học cho rằng khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây tăng huyết áp; và lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch "cứng hơn" là một yếu tố thuận lợi cho vấn đề tăng huyết áp.

Hành muối thường rất mặn nên những người cao huyết áp không nên sử dụng.

Theo TS Mai, mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 5 gam muối/người trưởng thành (khoảng một muỗng cà phê muối ăn) sẽ giúp giảm huyết áp 2 - 8 mmHg. Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết ở người bị tăng huyết áp có bị suy tim hoặc người già.

"Ăn giảm muối quả là một điều khó khăn, đặc biệt với chế độ ăn của người Việt Nam nhiều món kho, món muối. Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối dùng gia vị thay thế vị mặn của muối" - TS Mai khuyến cáo.

Ngoài những người mắc bệnh tăng huyết áp, các trường hợp phụ nữ mang thai, hoặc những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày cũng không nên sử dụng món ăn có tính chua và vị mặn này.

Lý do được các chuyên gia khuyến cáo là vì dưa hành chứa nhiều chất chua, khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn và làm bệnh tiến triển nặng hơn. Không chỉ có vậy, trong các loại thức ăn muối mặn như dưa hành, cà pháo… có chứa chất nitrosamin làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày nếu sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, không nên sử dụng chung dưa hành khi uống rượu vì nó sẽ gây nên tình trạng nóng ruột, đau dạ dày …

Theo Lê Phương - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]