Nỗi niềm làng nghề trăm năm

Cả trăm năm giữ uy tín chất lượng, nhờ khách hàng truyền miệng nên danh tiếng làng nghề tủ thờ Gò Công vang xa, thương hiệu tự nhiên thành.Năm đời đóng tủ thờ

15.5851

Ông Nguyễn Văn Cho (Ba Răng) bên ghế chân cheo làm bàn thờ
Những làng nghề mộc ở miền Nam không ít, nhưng chuyên về tủ thờ thì Gò Công luôn được nhắc đến đầu tiên. Trước đây, làng nghề tủ thờ thuộc ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, từ tháng 3/2008, xã này được cắt về thị xã Gò Công. Người làng nghề không quan tâm thuộc huyện hay thị xã, họ chỉ biết tổ tiên mình đã đến hoặc ở “miệt Gò Công” gần một trăm năm, sinh sống bằng nghề làm tủ thờ. Cổng làng nghề được dựng ở gần ngã tư Cả Nhồi nhưng cửa hàng kinh doanh tủ thờ, các xưởng mộc lớn tập trung nhiều hai bên quốc lộ 50, nên người phương xa đến dễ dàng nhận biết.

Có gần 80 hộ trong xã Tân Trung tham gia Nghiệp đoàn Mộc - Tủ thờ truyền thống Gò Công. Khoảng một nửa thợ đóng tủ ở đây là đời thứ ba, thứ tư, thứ năm của nghề gia truyền, vì cha ông họ từng làm công hoặc học nghề những bậc tiền bối khai sinh làng.

Thế nhưng, thật khó để xác định nguồn gốc làng tủ thờ ở Gò Công bởi không tìm thấy tài liệu ghi chép nào, nên cũng không ai dám khẳng định chính xác ông tổ làng nghề truyền thống này. Qua lời kể của nhiều người tại đây, câu chuyện của ông Nguyễn Văn Cho (tên thường gọi là Ba Răng), một thợ đóng tủ giỏi, đã 80 tuổi, theo chúng tôi là đáng tin cậy nhất.

Ông Ba Răng kể rành rẽ: “Ông Vương Văn Non là một trong bốn thợ mộc từ ngoài Bắc vào đây mưu sinh khoảng năm 1920 và truyền nghề đóng tủ cho dân làng. Ông sống được lòng mọi người và biết chăm lo cho làng xóm như làm đường, làm cầu nên ai cũng quý mến. Bởi thế ông nổi danh, người dân lấy tên ông để nói về nơi mình ở, riết rồi thành địa danh. Đã có mấy lần, chính quyền địa phương định đổi tên ấp, nhưng người dân không đồng tình, vì tên ấp gắn liền với tên “làng nghề tủ thờ Ông Non” trước khi được gọi là làng nghề tủ thờ Gò Công”.

Trong bốn thợ đóng tủ đầu tiên ấy, chỉ có ông Nguyễn Ngọc Cứ (sinh năm 1890, ông nội của ông Ba Răng) có con cháu chịu theo nghề nên có thể nói đây là dòng họ sống bằng nghề đóng tủ thờ gia truyền lâu nhất ở Gò Công. Ông Cứ đã dạy nghề cho các con trai là Nguyễn Ngọc Trương, Nguyễn Văn Lễ và Nguyễn Kim Chung. Ông Lễ và ông Chung đã duy trì được nghề của gia đình, sau đó ông Lễ có các con trai là anh em ông Ba Răng nối nghiệp, còn ông Chung thì truyền nghề cho con rể là ông Ngô Tấn Đức (Ba Đức) phát triển tiếp cho các thế hệ thứ tư, thứ năm.

Vì thế, có thể nói, từ ông Nguyễn Ngọc Cứ đến đời thứ ba đã hình thành hai nhánh nội - ngoại và là hai đại gia đình lớn nhất ở làng nghề tủ thờ Gò Công. Trong “nhánh nội”, các cơ sở Ba Thành, Năm Lập, Sáu Xuân và Nghĩa Thuận của các con ông Ba Răng phát triển mạnh nhất. “Nhánh ngoại” là các cửa hàng có cùng tên Ba Đức như một hệ thống, mỗi số thứ tự gắn với cơ sở của từng người con ông Đức.

Làng thịnh phát, nhưng nghề chưa để đời

Tủ thờ Gò Công ngày xưa có 3 trụ chỉ xà leo
Thấy chúng tôi đi chiếc xe gắn máy cũ mèm, các chủ tiệm chỉ mời xem mấy tủ thờ dưới 10 triệu đồng một cây (người làng nghề gọi là cây tủ, không gọi là cái tủ), lại còn nói muốn mua tủ rẻ hơn thì sẽ giới thiệu sang tiệm khác. Thế nhưng, thấy ô tô đỗ xịch tới, chủ tiệm liền đon đả giới thiệu mấy cây tủ giá đến 20 - 30 triệu đồng trở lên.

Anh Nguyễn Thành Xuân, chủ Cơ sở sản xuất tủ thờ Sáu Xuân, nói đầy vẻ tự hào: “Tủ thờ Gò Công đáng mặt làm của cho nhà giàu, hoặc ít ra cũng giúp họ hãnh diện khi đặt nó ở gian chính hay gian thờ trong nhà. Những cây tủ 20 - 30 triệu đồng được coi là ở mức giá trung bình, hàng đặc biệt giá 40 - 60 triệu đồng”. Anh Sáu Xuân dẫn tôi vào bên trong nhà xem cây tủ gỗ mun mới đóng, phải 42 triệu đồng anh mới bán. Anh cho biết, giá trị của tủ không chỉ tùy thuộc vào loại gỗ mà còn tùy số trụ, bởi trụ nhiều hay ít tức là tủ lớn hay nhỏ. Khởi đầu chỉ có tủ 3 trụ, đến giờ lớn nhất là tủ 27 trụ.

Đi suốt quốc lộ 50, rồi rẻ vào những đường ngang trong làng nghề, chúng tôi đều thấy một kiểu tủ thờ cẩn (ốc, xà cừ), hoàn toàn khác với kiểu tủ thờ Gò Công mặt gỗ bóng vẹc ni, có 3 trụ tròn chạy chỉ mà tôi đã thấy ở nhà anh Vĩnh Kim gần chợ Gò Công. Tôi thắc mắc hỏi tủ nào mới thật là tủ của Gò Công, anh Sáu Xuân bảo cả hai đều đúng. Anh giải thích, làng nghề này đã gần trăm năm, kiểu tủ có 3 trụ tròn chạy chỉ gọi là tủ trụ xà leo, thời ông cố, ông nội và cha của anh đóng. Tủ này trông đơn giản nhưng khó làm, nhiều công hơn vì lạng giũa chỉ xà leo bằng tay và phải cho đều nhau, khó nhất là giũa chỉ nhân (từng cặp chỉ đối nhau như xương cá), đóng một tủ 3 trụ mất cả tháng rưỡi.

Tuy nhiên, đóng tủ trụ xà leo mới biết tay nghề thợ hơn thua nhau thế nào, vì ngoài tài giũa chỉ xà leo, thợ còn thể hiện sự khéo tay qua từng tấm ván gỗ được bào, cắt chính xác để khi ráp tủ ít thấy rõ đường nối. Đã mười năm nay, trong làng nghề không còn ai đóng loại tủ này. Còn tủ cẩn cũng chỉ có khoảng 15 năm nay.

Thoạt tiên, để giảm công làm trụ xà leo, vài thợ đóng tủ đã thử đem trụ đi cẩn ốc, sau đó thấy đẹp nên cẩn thêm phần giữa hai tấm gỗ lớn làm mặt tủ. Khách hàng chịu tủ cẩn ốc vì cho là sang, còn thợ thì đỡ vất vả hơn vì từng phần của tủ thờ đều được định kích cỡ rập khuôn. Thế là, cả làng làm tủ cẩn ốc và bắt đầu chuyên môn hóa một số công đoạn trong làng nghề. Đặc biệt, những cơ sở cẩn ốc hình thành một xóm riêng chuyên phục vụ cho làng nghề tủ thờ, thợ cẩn giỏi nhất là ông Ba Thê đã truyền nghề cho lớp thợ trẻ.

Các bậc cao niên làng nghề cho rằng, con cháu bây giờ đóng tủ khỏe hơn họ hồi trước, học nghề cũng nhanh hơn, bởi thợ đóng tủ ngày trước phải biết hết mọi công đoạn mà làm toàn bằng tay. Còn giờ có máy móc, có thợ chuyên từng phần nên đóng xong một cây tủ chỉ khoảng 10 - 15 ngày.

Thời nay làm ăn cũng dễ dàng hơn, tủ đóng không kịp giao, bán đi tứ xứ trong nước và còn có người mua mang ra nước ngoài, chẳng bù xưa kia, người làng phải chở tủ trên ghe đi bán khắp nơi, nên bán hết mới mua cây đóng tiếp. Song, những thợ lâu năm của làng nghề lại ngậm ngùi vì làng nghề đã trăm năm giờ cũng chỉ có thợ, không như những làng nghề mộc ở Hố Nai (Đồng Nai) hay Tương Bình Hiệp (Bình Dương) có những nghệ nhân làm những sản phẩm độc đáo để đời.

Những cải tiến, sáng tạo của làng tủ thờ Gò Công cũng chỉ nhằm chạy theo nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, không lưu giữ được một tuyệt tác nào trong từng thế hệ. Riêng ông Ba Răng chỉ còn một ghế chân cheo làm bàn thờ. Tủ Gò Công ngày xưa dáng đẹp, nhỏ nhưng nhờ có 3 trụ nên trông vẫn cao sang, đóng không cần đinh mà rất bền chắc. Tất cả các chi tiết của chiếc tủ thờ đều được lắp nối với nhau bằng ngàm, mộng, khóa chốt gỗ, hoàn toàn không có một chiếc đinh sắt nào. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất tủ trong làng nghề hiện giờ thi thố khả năng đóng tủ ngày càng lớn, cũng bởi tủ lớn nên phải có đinh, ốc vít để giữ cho từng phần của tủ không bị xê dịch hoặc vênh nhau.

thương hiệu còn phải thương nhau

Cả trăm năm giữ uy tín chất lượng, nhờ khách hàng truyền miệng nên danh tiếng làng nghề tủ thờ Gò Công vang xa, thương hiệu tự nhiên thành. Đến năm 2004, tỉnh mới công nhận đây là làng nghề truyền thống, rồi có quyết định công nhận của cấp trung ương vào năm 2006, quả là quá muộn.Cũng may, địa phương đã giúp dựng cổng làng và quảng bá lên website nên hình ảnh làng nghề có tốt hơn.

Để bảo vệ thương hiệu làng nghề, chính quyền đã vận động được 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh lập Hợp tác xã Mộc - Tủ thờ truyền thống Gò Công, thuận tiện cho hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký bảo hộ thương hiệu tập thể. Đã hơn một năm, hồ sơ vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và chờ kinh phí. Sự chậm chạp này đã khiến các cơ sở sản xuất không tin tưởng lắm ở phương thức hợp tác làm ăn, họ nghĩ tốt hơn hết là tự lo tìm cách quảng bá cho cơ sở của mình.

Đáng buồn là trong khi muốn quảng cáo cho cơ sở của mình để bán được hàng, nhiều người không ngại chỉ trích người cùng làng. Thương hiệu làng nghề đã có nhờ bao đời thợ biết yêu thương, truyền dạy phổ biến rộng ra. Nếu không khéo giữ gìn “cái tình” thì dẫu có đăng ký bảo hộ được thương hiệu tập thể cũng khó nâng cao hình ảnh, bảo vệ uy tín làng nghề.
 

CÁC NGỌC
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]