Nỗi niềm sinh con muộn

Ảnh hưởng của lối sống phương Tây, áp lực công việc... là những lý giải cho tình trạng lập gia đình muộn. Nhưng mang thai khi lớn tuổi có nhiều rủi ro cho mẹ và bé.

15.6126
Trong một lần đến khám thai tại BV Từ Dũ - TPHCM, tôi tình cờ ngồi kế chị. Hỏi ra mới biết chị và tôi học chung ở trường cấp 3 của tỉnh. Sau một hồi trò chuyện, chị tâm sự: "Chị muốn bỏ nhưng thai lớn quá, không biết có được không?".
 
Bác sĩ khám cho phụ nữ mang thai. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ảnh: ANH THƯ

Quá ham mê công việc

Chị tên L., 39 tuổi, hiện đang làm trưởng phòng cho một công ty bảo hiểm nước ngoài đóng tại TPHCM. Mới đây, được công ty cử đi tu nghiệp 1 năm ở nước ngoài, chị cân nhắc và muốn bỏ thai. Tôi khuyên: "Bỏ thai nguy hiểm lắm. Mà chị đâu còn trẻ nữa". Chị trả lời: "Biết vậy, nhưng cơ hội nghề nghiệp thì không thể trở lại".

Chị Linh, giám đốc một công ty "săn đầu người" tại TPHCM, cũng đã bước vào tuổi 40. Vợ chồng chị đã tốn hàng trăm triệu đồng cho các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bất thành. Gặp chị trong hội nghị khách hàng của công ty tuần trước, chị than thở: "Hồi còn trẻ thì cứ cắm đầu cắm cổ làm kiếm tiền, bây giờ đủ ăn đủ mặc rồi, muốn kiếm con lại không có. Đôi lúc thấy cuộc sống thật vô nghĩa".

Theo các bác sĩ sản khoa, lứa tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có học thức, có vị trí trong xã hội, ở thành thị đang có xu hướng lập gia đình và sinh con muộn. Cuộc sống hiện đại đã giúp nhiều phụ nữ tham gia công tác xã hội, giữ nhiệm vụ quan trọng trong xã hội ngày càng nhiều. Không ít phụ nữ vì áp lực công việc, tận dụng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, mải lo kiếm tiền… đã "nhịn" sinh con, tạm quên đi thiên chức làm mẹ.

Không tốt cho mẹ và con

Chị bạn tôi là bác sĩ sản khoa ở BV Phụ sản Hùng Vương kể trường hợp chị B.A mang thai lần đầu ở tuổi 39. Gia cảnh khó khăn nên có người yêu từ năm 22 tuổi nhưng 10 năm sau chị B.A mới cưới. Sau đám cưới, 2 vợ chồng chưa muốn có con vội vì muốn ổn định sự nghiệp, nhà cửa. Mãi đến gần đây mới chịu có thai. Tuy nhiên, qua siêu âm cho thấy bé có nguy cơ bị Down nên 2 vợ chồng đang lo lắng không biết nên giữ hay bỏ!

Một trường hợp khác là chị B., sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm khi đã ngoài 40 tuổi. Năm nay thằng bé đã bắt đầu đi mẫu giáo. Trước đây, chị cũng là người xông xáo với công việc mà quên việc có con. Khi nhìn lại, thấy tuổi đã cao, chị mới giật mình chạy chữa, thuốc thang.
 
Nghe bác sĩ nào hay, chùa chiền nào linh thiêng chị cũng đến nhưng bụng chị vẫn phẳng lì. Chị tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bác sĩ cảnh báo tuổi chị quá lớn để sinh con. Dù vậy, chị vẫn khao khát có được đứa con do mình sinh ra. Sau bao lần thất bại, tin vui đã đến với chị. Nhưng đứa con của chị càng lớn càng có nhiều dấu hiệu bất thường. Thằng bé không thể nói năng, muốn gì thì cứ đập đầu vào tường rồi la hét. Bác sĩ kết luận bé có dấu hiệu của bệnh tự kỷ...
 

Theo BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng Khoa Khám A BV Phụ sản Hùng Vương, tỉ lệ của người mẹ 20-25 tuổi mang thai có bất thường về nhiễm sắc thể chiếm 1/1.000, nhưng ở người mẹ 35 tuổi, tỉ lệ này là 1/400 và 40 tuổi là 1/100.

AloBacsi.vn
Theo Người lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]