Nơm nớp nỗi lo sạt lở

Hiện nay, ĐBSCL đang vào mùa mưa lũ. Nhiều tuyến đê biển xung yếu trong vùng đang trong tình trạng xuống cấp và bị sạt lở trầm trọng

0
Chú Hai Hiệp, một người dân sống ở đê biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải - Trà Vinh, lo lắng: “Người dân sống ven đê hiện nay lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Nếu chính quyền địa phương chậm sửa chữa, gia cố đê, chỉ cần một cơn bão hoặc triều cường là toàn bộ khu vực này sẽ chìm trong biển nước”. Đê biển bị tàn phá Công tác bảo vệ hệ thống đê biển, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão, đang là vấn đề bức thiết ở ĐBSCL. Tuyến đê phòng hộ biển Tây đi qua tỉnh Cà Mau dài trên 92 km (từ rạch Chèo, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đến xã Khánh Tiến, huyện U Minh, giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang) đang bị sạt lở trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của người dân sống ven đê. Hiện mặt đê đang bị xói mòn, với khoảng 12 điểm sạt lở kéo dài gần 3 km trên địa bàn 3 huyện Trần Văn Thời, U Minh và Phú Tân. Cao trình của tuyến đê chỉ còn từ 1,7 m -2 m (cao trình kỹ thuật đòi hỏi cao 2,5 m), làm giảm hiệu quả trong việc chắn sóng. Bên cạnh tình trạng sạt lở do thiên nhiên, đê biển Tây còn xuống cấp trầm trọng xuất phát từ tình trạng dân cư sinh sống quanh khu vực bảo vệ đê ngày càng đông đúc. Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, trên tuyến đê biển Tây có 2.775 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu đang sinh sống. Tại Hiệp Thạnh, Duyên Hải - Trà Vinh, tuyến đê đang bị sóng biển tàn phá ngày càng dữ dội. Hàng rọ đá gia cố chân thân đê đã bị sóng biển vỗ xé rách toạc. Những hàng dương nằm ven đê cũng bị cuốn bật gốc nằm trơ trọi. Những người dân sống lâu năm xung quanh khu vực đê cho biết trước năm 1997, ở đây ngoài thân đê còn có rừng dương và các động cát rộng khoảng 0,5 km để che chắn đê biển, nhưng hiện đã bị sóng cuốn trôi gần hết. Khó về kinh phí Ông Lê Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, lo lắng: “Trong khoảng thời gian 3 năm, từ 2005 - 2007, trước tình hình sạt lở ngày một nhiều, tỉnh Trà Vinh đã hai lần cho khắc phục, gia cố đê bằng rọ đá bảo vệ phía ngoài. Đến nay, sóng biển đã phá vỡ các rọ đá, gây xói lở thân đê. Hiện tình hình sạt lở đê biển Hiệp Thạnh diễn ra nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Người dân địa phương rất lo lắng, không dám đầu tư làm ăn, sản xuất quy mô lớn”. Tại Cà Mau, theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, toàn bộ hệ thống đê chủ yếu nằm trên nền đất yếu, trong khi đó rừng phòng hộ lại quá mỏng. Vì thế mỗi khi mùa mưa bão đến, mức độ nguy hiểm càng gia tăng. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương di dời những hộ dân sinh sống quanh khu vực đê vào các khu tái định cư, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ và hạn chế tình trạng xâm hại đê biển Tây. Đến nay, tỉnh Cà Mau đã lập dự án xây dựng 9 khu dân cư tại các huyện U Minh, Phú Tân và Trần Văn Thời, mỗi huyện 3 khu. Về lâu dài, phương án được các ngành chức năng đưa ra là phải đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố tuyến đê biển Tây; đồng thời kiên quyết thực hiện kế hoạch di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này, địa phương phải cần ít nhất khoảng 300 tỉ đồng- một bài toán kinh phí nan giải.
Hàng ngàn hộ dân bị đe dọa

Theo thống kê sơ bộ, tại ĐBSCL hiện có hàng chục ngàn hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, chủ yếu tập trung ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang... Mùa mưa lũ đã đến nhưng các địa phương này vẫn chưa tìm được biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở. Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện có khoảng 15 km nằm cặp các cửa sông, cửa biển thuộc huyện Phước Long, Giá Rai và Đông Hải đang có nguy cơ sạt lở cao. Ở TP Cần Thơ cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở đang ở mức báo động, như: cồn Cái Khế, rạch Cái Cui, rạch Cái Sâu... Trong 6 tháng đầu năm 2008, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành đầu tư và lập kế hoạch thực hiện các công trình kè chống xói lở với kinh phí lên đến gần 250 tỉ đồng. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng đã tiến hành đầu tư các cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư cho những hộ dân vùng sạt lở với kinh phí gần 50 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ vận động và hỗ trợ 560 hộ dân di dời đến nơi an toàn.

Bài và ảnh: ĐỨC KHÁNH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]