Công nhân Cty thoát nước đô thị thường xuyên phải ngâm mình trong nước ô nhiễm. Ảnh: Việt Lâm

Bài 1: Sống chung với nóng, lạnh, khí độc

Gần trưa, chúng tôi đến khu vực mương Định Công, ở Q.Hoàng Mai (TP.Hà Nội). Hàng chục CN mặc quần áo liền ủng và găng tay bằng caosu đang ngâm mình dưới dòng nước đen kịt, nạo vét bùn. Mùi bùn hôi, tanh xộc lên khiến chúng tôi phải bịt mũi, nhưng nhóm CN vẫn đùa “chúng tôi... ngửi mãi quen rồi”.

Vừa làm vừa hít khí độc

Nhóm CN trên thuộc Xí nghiệp thoát nước số 4, Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội. Nhiệm vụ hôm nay của họ là nạo vét bùn dưới lòng mương, đưa lên xe chuyển ra bãi tập kết.

Chị Nguyễn Thị Chung - người đã có 20 năm nạo vét bùn trên mương - tâm sự: “Trộn lẫn trong bùn là đủ thứ sắt, thép, thủy tinh, kim tiêm... Môi trường ô nhiễm trầm trọng, vừa làm vừa hít phải khí độc, nên chúng tôi luôn phải bịt kín từ mặt đến chân, chỉ hở 2 con mắt”.

Anh Nguyễn Văn Hùng -tổ trưởng tổ mương 1- bổ sung: “Nhiều CN từng bị thủy tinh, sắt thép đâm vào chân, may đã được Cty tiêm phòng vaccine định kỳ nên chưa chuốc họa”.

Còn tại một địa điểm trên đường Kim Đồng (P.Giáp Bát, Q.Hoàng Mai) một số CN Xí nghiệp thoát nước số 3 đang mở nắp hố ga, chờ bay bớt khí độc trước khi chui xuống cống nạo vét bùn. Anh Nguyễn Hoài Minh - một CN - nói: “Khi thấy khó thở lúc chui sâu trong lòng cống, phải trèo lên mặt đất ngay. Chúng tôi... quen rồi”.

Tại KCN Đông Bắc Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), có 10/14 Cty sản xuất đồ gỗ và dăm gỗ xuất khẩu, với môi trường làm việc nhiều bụi, mùi sơn, hóa chất tẩy trắng... Đến Cty Tân Bình Phú, chúng tôi chứng kiến nhiều CN dùng máy chà bóng gỗ trong không gian đậm đặc bụi gỗ. Nhiều CN không đeo khẩu trang khi phun sơn. Anh Trương Văn Hùng vừa sơn gỗ, cho hay “công đoạn này có nhiều mùi khó chịu lắm. Nhưng đành chấp nhận!”.

Đến các Cty sản xuất phân đạm, phân lân, NPK (Bắc Giang), Văn Điển (Hà Nội), Lâm Thao (Phú Thọ)... chỉ  bước vào khu SX đã nồng nặc mùi hóa chất. Chị P.T.T - CN đứng máy ở dây chuyền SX urê ở một DN sản xuất phân đạm - cho biết, nhiều hôm bị chóng mặt, nhức đầu, nhưng vì mưu sinh nên đành phải chịu đựng.

Đứng liên tục 8-12 giờ/ngày

Do tính chất đặc thù nên CN ngành chế biến thủy, hải sản thường xuyên phải làm việc trong môi trường lạnh, ẩm ướt.

Chị T.T.Mai - Cty chế biến thủy hải sản Đ.N, Q.Gò Vấp, TPHCM - cho biết, chị làm ở khâu phân loại, sơ chế, thường xuyên  tiếp xúc với nước lạnh 4-80C,  nhiệt độ trong xưởng  luôn dưới 200C, độ ẩm từ 92-98%. Vất vả nhất là những khi Cty nhập nguyên liệu về, phải sơ chế nhanh để sản phẩm không bị ảnh hưởng. CN phải đứng liên tục từ 12-14 giờ trong nhiệt độ thấp, nước lạnh.

Tại Cty cổ phần Foodtech – chi nhánh Phú Yên - hầu hết nữ CN phải đứng suốt 8 giờ (nghỉ ăn trưa nửa tiếng) để sơ chế cá trong không gian ẩm ướt để  hưởng mức lương 75.000 - 100.000 đồng/ngày. CN làm việc ở kho lạnh, nhiệt độ luôn âm vài chục độ C.

“Mỗi lần ra vào kho, chênh lệch nhiệt độ quá lớn khiến CN rất mệt. Các đầu ngón tay, ngón chân bị tê cứng” - Anh Tuấn - một nhân viên kho lạnh - cho biết.

Đối mặt với nhiều nguy cơ


Trong một lần thăm xưởng sản xuất dây điện của Cty F, KCX Tân Thuận (TPHCM), chúng tôi được “xông hơi miễn phí”, mồ hôi túa ra như tắm vì quá nóng. Xưởng có khá nhiều loại máy nên lượng nhiệt tỏa ra  lớn. CN làm việc người lúc nào cũng đầy mồ hôi.

Anh T - một CN - cho biết: “Lúc mới vào Cty, tôi nghĩ mình không chịu nổi nhưng rồi cũng quen”.

Với CN ngành khai thác khoáng sản, họ phải làm việc trong môi trường ẩn chứa nguy cơ mất ATLĐ cao. Hiện một số đơn vị trong ngành than đang khai thác xuống sâu tới -300 mét. Vì thế, nguy cơ các vụ tai nạn do bục nước, khí mêtan, sập lò, cháy nổ... càng cao.

Anh N.V.T -  CN Cty than Khe Chàm (Quảng Ninh) - tâm sự, kết thúc ca làm việc, CN mệt nhoài bởi phải làm việc ở độ sâu lớn, thiếu không khí và độ ẩm quá cao. Ngoài ra, CN thường xuyên hít phải khí độc, đối mặt với nguy cơ bục nước hay cháy nổ khí mêtan. Từ đầu năm đến nay, riêng Tập đoàn Than - Khoáng sản VN đã có gần 20 CN tử vong vì tai nạn LĐ.

(Còn nữa)