Nước rửa bát không nhãn - mối nguy cho sức khỏe

Không chỉ làm hại da tay như bong da, khô da, dị ứng, các hóa chất trong nước rửa bát không thương hiệu đang bán nhiều tại TP HCM còn có thể gây ngộ độc mãn tính và nhiều bệnh về đường tiêu hóa.

0

Nước rửa bát không nhãn bán công khai ở các hiệu tạp hóa. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Nước rửa bát (miền Nam gọi là nước rửa chén) loại 2.000-3.000 đồng/lít được pha từ nhiều loại hóa chất mua từ chợ Kim Biên. Các hóa chất này rất rẻ và cách làm cũng đơn giản nên hiện có rất nhiều người làm. Anh Vinh ở phường Phước Bình, quận 9, TP HCM là một “nhà sản xuất” mặt hàng này. Đồ nghề của anh là xô, chậu, can nhựa và những bao hóa chất.

“Thật ra, làm hàng này thì mỗi người mỗi kiểu, không ai giống ai” - anh Vinh nói. Theo anh, cách làm nước rửa chén rất đơn giản: Đầu tiên là mua “nguyên liệu”, tùy theo lượng hàng bán mỗi ngày mà mình mua bao nhiêu phần một lần. Một phần gồm 3 kg LAS, 1 kg SODA, 300 g chất tạo đặc HEC, một ít hương chanh và màu, giá tổng cộng là 105.000 đồng. Chỗ hóa chất này có thể làm được 80-90 lít nước rửa chén. Mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 1.000-2.000 lít với giá 2.000-2.500 đồng/lít.

Còn anh Thành ở phường 22, quận Bình Thạnh, lại điều chế nước rửa chén từ LAS, xút, Natri sulfat, chất tẩy Triply, Amon Clorua, chất tạo đặc HEC, màu công nghiệp và hương liệu. Mỗi tháng anh “xuất xưởng” 2.000-3.000 lít.

Chị Phương ở quận 4 lại “công thức” lại đơn giản hơn rất nhiều: 1 kg bột tạo bọt, 1 kg muối, 100 g mùi (nước có mùi chanh) và 50 g màu. Một phần như vậy giá 51.000đồng, pha chế được 20-25 lít nước rửa chén.

Anh Vinh cho biết, khi nước rửa chén được làm xong, anh đem nhập cho các cửa hàng tạp hóa, chợ và quán ăn. Ở những nơi này, giá cũng chỉ 2.000-3.000 đồng/lít vì các tiểu thương đã pha loãng thêm trước khi bán cho người tiêu dùng. Chị Ngân, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho biết dù không có thương hiệu, chất lượng kém và làm hại da tay nhưng do giá “mềm” nên mặt hàng này rất dễ bán. Mỗi tháng, chị bán được 1.000 lít, chủ yếu cho nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê.

Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái như thế đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, cho biết: Các hóa chất được sử dụng để điều chế nước rửa chén dỏm như LAS, sút, muối Natri sunfat, Tripoly, màu công nghiệp… có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Các chất trên không chỉ làm hại da tay mà còn có thể gây thủng ruột hoặc ngộ độc mãn tính cho những người thường xuyên bị “nhiễm” qua đường ăn uống. Ngoài ra, khi xâm nhập cơ thể, chúng có thể làm tổn hại đến gan, thận và các bệnh đường ruột về lâu dài.

(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)

 

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]