Phải làm gì khi tinh thần ngã bệnh?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, loài người đã trải qua “thời đại bệnh thể xác” và ở thế kỷ XXI, nhân loại phải đối mặt với“thời đại bệnh tinh thần”.

0
Quả thật, ngày nay các loại bệnh tâm lý đã trở thành nỗi lo lắng thường trực của con người.
 
Bệnh dễ nhiễm
 
Cuộc sống ngày càng có nhiều cơ hội thăng tiến, làm giàu, nhưng đi kèm với nó là hàng loạt áp lực mà con người phải gánh chịu. Trong một cơ quan, khi mà cơ hội thăng tiến đòi hỏi học hàm, học vị, bè phái… các cá nhân dễ rơi vào tình thế “đâm lao, theo lao”.
 
Ảnh minh họa
 
Sự mỏi mệt, căng thẳng khiến nhu cầu được nghỉ ngơi giúp “tươi mát” tinh thần bị nhấn nút “delete” một cách thô bạo. Nếu những áp lực này diễn ra trong thời gian ngắn, và nếu đương sự vững tinh thần thì “vượt qua chính mình” không khó. Song trên thực tế, nhiều người “mắc cạn” bởi chính những mục tiêu mình đặt ra.
 
Trong một gia đình nhỏ khi cha mẹ “đầu tư” hầu hết thời gian và sức lực cho danh vọng, tiền tài thì con trẻ lại cảm thấy cô độc với “cuộc chiến” bài vở, quan hệ bạn bè, thầy cô, bạo lực học đường... để rồi tâm thần bất an.
 
Thời xưa, nhờ cuộc sống tam đại đồng đường nên sau khi vượt cạn, người phụ nữ được sự giúp đỡ nhiều từ những người mẹ, người dì giàu kinh nghiệm.
 
Ngày nay, với mô hình gia đình hai trái tim vàng, sống trong chung cư cao cấp, khi sinh con, người phụ nữ thường rơi vào thế biệt lập. Ở nhà chỉ có một mẹ, một con, trẻ thơ lại dùng tiếng khóc “thay lời muốn nói” nên người mẹ luôn bị căng thẳng thần kinh, lo lắng đủ điều… Càng lo nghĩ càng mệt mỏi, vì thế mà bệnh trầm cảm sau sinh có cơ hội bành trướng.

Người cao tuổi ngày nay cũng có nguy cơ cao bị bệnh về tinh thần vì buộc phải sống xa con cháu. Người kinh tế khá giả phát bệnh vì quanh đi quẩn lại “chỉ có ta với ta”. Người kinh tế eo hẹp bên cạnh nỗi cô đơn còn phải đối mặt với sự thiếu trước, hụt sau…

GS-BS Dương Quang Trung - Viện Nghiên cứu và phát triển Sức khỏe cộng đồng TPHCM cho biết: theo kết quả điều tra quốc gia, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến của người VN là 15% (khoảng 12 triệu người). Tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh tiểu học là 20% và tỷ lệ này ở các bà mẹ cho con bú (6 - 18 tháng) là 20%.
 
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên còn có những nguyên nhân gây bệnh khác cho tinh thần như: rượu, tai nạn giao thông, tự dằn vặt, dùng sai thuốc, ám ảnh, viêm xương khớp, sống trong bạo lực.
 
Những người ở vị trí lãnh đạo, do áp lực nhiều nên nguy cơ “nhiễm” bệnh cũng không thấp. Cụ thể, kết quả khảo sát đối với hơn 7.400 lãnh đạo doanh nghiệp tại 36 quốc gia của công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton, Việt Nam đứng thứ ba về tỷ lệ doanh nhân bị stress cao, với con số 72% (xếp sau Trung quốc 76%, Mexico 74%).
 
Đây là thực trạng đáng báo động, bởi căn bệnh tinh thần cũng lây lan không kém gì bệnh thể chất. Khi buộc phải sống chung, làm việc chung với người có bệnh về tinh thần thì chất lượng công việc và đời sống những người khác cũng bị ảnh hưởng.
 
Điều đáng lo ngại hơn nữa là trong khi bệnh thể chất ngày càng được điều trị hiệu quả thì bệnh tinh thần đang bị “bỏ rơi”, bởi số bác sĩ tâm lý rất ít ỏi.

Phòng bệnh từ xa

Công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện nay chủ yếu do các bác sĩ tâm thần đảm nhiệm, nhưng ở Việt Nam, tính trung bình một triệu dân chỉ có tám bác sĩ chuyên ngành này. Vì thế người bệnh ít khi có thói quen đi khám và các bác sĩ thường can thiệp khi bệnh đã nặng. Đợi đến khi bệnh nhân mất khả năng làm việc, buộc phải điều trị, xem ra quá trễ.
 
Để phòng bệnh tinh thần, TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM cho rằng, nên sống thật với cảm xúc của mình. Nếu cảm thấy buồn thì cứ thừa nhận là buồn.
 
Nếu chúng ta vui thì hãy cứ cho mọi người biết là chúng ta vui… Sự che đậy, giấu diếm thường làm nặng thêm căn bệnh tinh thần và khiến người bệnh có những quyết định không sáng suốt.

Trong cuộc sống, ai cũng có những mối lo; ban đầu, chúng gặm nhấm và làm suy kiệt tinh thần, sau đó sẽ đến sức khỏe. Khi tinh thần bị “đánh bại” cũng là lúc đương sự đêm quên ngủ, ngày quên ăn và hàng loạt những “kẻ cơ hội” như: vi trùng, virus… sẽ tấn công hệ miễn dịch, làm cho đương sự ngã bệnh.
 
Người mắc bệnh như rơi vào vòng xoáy, bệnh từ tâm sẽ dẫn đến thể chất rồi lại từ thể chất trở lại tâm nhưng nặng hơn, khiến con người ngã quỵ. Do đó, muốn sống khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần, phải biết quên những buồn lo. Chẳng hạn, nếu là người đang bị công kích, cần biết quên “đối thủ” để tâm hồn không bị đầu độc bởi những suy nghĩ tiêu cực, cơ thể không bị căng như dây đàn vì lúc nào cũng trong thế sẵn sàng chiến đấu.
 
Làm sao quên? Có nhiều cách để quên, chẳng hạn như: có bạn tri âm để tâm sự và có lời khuyên chân tình, có bạn đời để chia sẻ… Trong trường hợp không có bạn đời và bạn tri âm, hãy tìm đến nguồn vui sách vở, tập một môn thể thao yêu thích, một lớp học về nghệ thuật, nghe nhạc, xem phim, mua sắm…
 
Trong trường hợp thấy rằng những thú vui này quá đơn điệu, tốn kém mà vẫn không hết cô đơn, hãy tìm đến các trại trẻ mồ côi, đọc truyện cho trẻ em, thăm người già ở các viện dưỡng lão, tham gia các hoạt động từ thiện…

Tự đánh giá bản thân, xem lại mục tiêu. Nếu mục tiêu đặt ra là sự nghiệp lẫy lừng thiên hạ thì cần đặt thêm một câu hỏi nữa: sự nghiệp thành đạt để làm gì? Có phải để gia đình hạnh phúc hơn, sung túc hơn? Nếu vậy, thì cần làm những điều không hại đến hạnh phúc gia đình, dành thời gian cho gia đình.

Để đứa con chào đời là niềm hạnh phúc, là sợi dây gắn kết hai vợ chồng, cần có kế hoạch cụ thể trước khi mang thai như: rèn luyện thể lực, chuẩn bị tài chính... Khi đã mang thai, người vợ cần “dụ” chồng đi học các lớp chăm sóc trẻ sơ sinh để không bị động khi nuôi trẻ, dễ dàng vượt qua những khó khăn do thiếu kinh nghiệm.

Một tinh thần tràn trề sức khỏe sẽ biểu hiện bên ngoài bằng sự lạc quan, tích cực, khi làm việc luôn có ý tưởng mới, với gia đình luôn tạo ra những thú vui mới…

Theo Vũ Âu - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]