Phỏng vấn: Có nên đứng yên cho thầy đánh?

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Thầy giáo trong clip còn quá trẻ và nên cho thầy cơ hội sửa sai.

15.6144
 
 


Nhân vụ việc thầy giáo tát học sinh trước lớp, Tiin.vn đã có cuộc phỏng vấn nhanh với thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục học Hà Nội. Chúng tôi hi vọng cuộc nói chuyện sẽ mang đến cho độc giả một góc nhìn khác của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giáo.

Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm của ngôi trường có biệt danh Đinh kinh hoàng

Đầu tiên, rất cảm ơn thầy đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Xin thầy cho biết thầy đã xem clip thầy giáo đánh học sinh ở Bình Định chưa?

Lúc đầu, tôi cũng không biết có chuyện này. Nhưng sau có nhiều người hỏi quá nên tôi đã vừa xem trong chiều nay.

Vậy ấn tượng đầu tiên của thầy về clip đó là gì thưa thầy?

Tôi thấy đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Thầy giáo đó còn trẻ quá, còn thiếu nhiều kĩ năng, kinh nghiệm. Nhưng nói gì thì nói, đây là hành động sai trái.

Theo thầy thì thầy giáo trong clip đã sai những điều gì?

Thầy giáo đó vi phạm 3 điều: Thứ nhất là vi phạm quy tắc ứng xử sư phạm, thứ hai là vi phạm đạo đức nhà giáo và thứ ba là vi  phạm pháp luật. Trong mọi trường hợp, dù học trò có sai trái thế nào cũng phải dùng lời lẽ để thuyết phục. Và thầy giáo lúc đó phải kìm chế được cơn giận. Tiếc thay là trong các trường sư phạm, chúng ta mới chỉ chú trọng đào tạo kiến thức hàn lâm mà chưa chú trọng đúng mức đến việc đào tạo về tâm lý học trò và cách ứng xử của các thầy cô giáo.

Đó là về phía thầy giáo, còn về phía học sinh, thầy đánh giá về hành động của các bạn ấy như thế nào?

Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng dù gì đi nữa thì việc trò đánh lại hay xúc phạm thầy giáo là sai. Tuy nhiên, ngành giáo dục của chúng ta không nên đào tạo những học sinh hiền đến mức đứng yên cho thầy đánh. Các em ấy trước hết phải biết bảo vệ bản thân. Sau đó các em có thể đối thoại với thầy hoặc với ban giám hiệu nhà trường. Thật đáng mừng là các bạn trong lớp đã can ngăn kịp thời để tình hình không trở nên phức tạp thêm.

Khi xem clip này, nhiều phụ huynh đã tỏ ra rất bức xúc và yêu cầu thầy giáo phải xin lỗi. Vậy, với tư cách là một phụ huynh, thầy sẽ phản ứng thế nào nếu con của thầy bị đánh?

Tôi sẽ hết sức chia sẻ và thông cảm với thầy giáo. Và tôi sẽ xem lại con tôi xem vì sao thầy không nói được con mình. Cả hai bên đều phải ngồi lại với nhau, làm rõ vấn đề và nhận ra cái sai của mình. Qua báo chí, tôi được biết thầy giáo đã xin lỗi phụ huynh của hai em và tôi rất đồng tình với việc đó.

Thưa thầy, nếu sự việc đó xảy ra tại ngôi trường của thầy thì thầy sẽ xử lý ra sao?

Tôi sẽ yêu cầu giáo đó làm rõ vấn đề, xin lỗi gia đình và kỉ luật thầy giáo đó. Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn để thầy giáo đó dạy học. Vì xét cho cùng, đó chỉ là một hành động bộc phát và mắc lỗi lần đầu. Chúng ta nên cho thầy giáo đó cơ hội để sửa sai, lấy đó làm gương cho người khác.

Trong quá trình dạy học, thầy đã bao giờ gặp trường hợp học sinh hỗn láo hay đánh lại thầy chưa?

Chuyện đó chưa bao giờ xảy ra ở trường Đinh Tiên Hoàng. Vì tôi luôn yêu quý học trò và học trò cũng yêu quý tôi. Khi cả thầy và trò cùng tôn trọng nhau thì sẽ không có chyện đó xảy ra. Mặt khác, cứ một năm hai lần tôi cho lấy ý kiến của các em. Hàng tháng, các lớp trưởng sẽ báo cáo nguyện vọng của các bạn để nhà trường xem xét. Ví dụ nếu các em học sinh kêu bóng đèn hỏng thì chúng tôi sẽ sửa bóng đèn, kêu nhà vệ sinh bẩn thì chúng tôi sẽ đốc thúc lao công để quét dọn liên tục. Mọi ý kiến đều phải được lắng nghe và giải quyết ngay, tránh để tồn đọng lớn dần và gây ra bức xúc.

Thầy chỉ vào dòng chữ nho có nghĩa là: Học không biết mỏi và Dạy không biết chán.

Từ kinh nghiệm của mình xin thầy cho biết, làm sao để phòng tránh những trường hợp như trên?

Điều này phải làm từ gốc. Trong các trường sư phạm, chúng ta phải dạy cho sinh viên về tâm lý học sinh và cách ứng xử của thầy cô giáo. Mỗi thầy cô phải biết cách để thuyết phục học trò khi các em không nghe lời. Mặt khác, các nhà trường cũng phải tạo môi trường sư phạm, làm sao cho thầy ra thầy, trò ra trò và thầy trò phải tôn trọng lẫn nhau.

Cám ơn thầy vì buổi nói chuyện này.

 
Xem thêm:

-

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]