Phụ nữ hiện đại dễ mắc chứng trầm cảm sau sinh

15.5995

Phụ nữ hiện đại dễ mắc chứng trầm cảm sau sinh, dẫn tới mất ngủ, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, dễ tủi thân, khóc lóc, buồn chán, oán trách người thân. Một số ít còn ghét cả đứa con mới sinh. Làm cách nào để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Vì đâu nên nỗi?

Sau khi sinh con, rất nhiều bà mẹ trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm bởi quá sức, mệt mỏi, mất ngủ, phiền muộn với đứa con mới sinh. Các cữ bú liên tục và việc bé cần chăm sóc cẩn trọng, kỹ lưỡng đã làm mẹ căng thẳng hơn nhiều so với trước đây.

Nhiều bà mẹ rất dễ bị kích động, dễ cáu giận, hay khóc, không làm chủ được bản thân. Về mặt sinh học, nhiều giả thiết cho rằng trầm cảm sau sinh là do sự thay đổi lượng nội tiết tố sinh dục trong máu. Về mặt tâm lý, sinh con là một sự thay đổi lớn. Người phụ nữ mang thai đang là trung tâm quan tâm của chồng và gia đình, nay con ra đời đã “chiếm” mất vị trí trung tâm đó. Từ chỗ được mọi người quan tâm chăm sóc, nay trở thành người phải chăm sóc đứa trẻ sơ sinh, cộng với nhịp sống của người phụ nữ sau sinh bị thay đổi theo nhịp sống của đứa trẻ mới sinh (có trẻ ngủ ngày, thức đêm) đã làm cho bà mẹ mất ngủ, mệt mỏi, uể oải, dễ cáu gắt. Nhiều bà mẹ ít hoặc không có kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh cũng bị lúng túng, lo lắng. Lỡ trẻ ốm, mối lo lắng càng tăng lên.


Việc bà mẹ trẻ là công nhân viên chức, được nghỉ làm 4 tháng sau sinh cũng là một thay đổi lớn. Đang có nhiều bạn bè, đồng nghiệp để chia sẻ, trò chuyện, nay bà mẹ trẻ phải ở nhà một mình, không thể chia sẻ, tâm sự cùng ai, những bức xúc của người phụ nữ sau sinh vì thế mà không được giải tỏa. Cơ thể người phụ nữ cũng có sự thay đổi sau khi sinh con. Những đường cong biến dạng, thân hình sồ sề, kém hấp dẫn làm chị em tự ti.

Nguyên nhân không thể bỏ qua nữa của chứng trầm cảm sau sinh là sự thiếu quan tâm chăm sóc của những thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng, sẽ làm tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ. Người vợ thường không hài lòng còn người chồng thì lúng túng với hàng núi việc nhà, việc xã hội, lại luôn phải đối mặt với cảnh con quấy khóc, vợ cằn nhằn. Đáng sợ hơn, chứng trầm cảm sau sinh còn dẫn đến sự lãnh cảm, không duy trì được đời sống chăn gối của hai vợ chồng.

Lên kế hoạch đối phó

Khi có con, cả người mẹ và người cha đều có cảm giác mình bị bỏ rơi. Bởi vậy, những cử chỉ, lời nói thể hiện sự chăm sóc từ cả hai phía đều rất quan trọng. Những “lời có cánh” không nên bị lãng quên trong giai đoạn “nhạy cảm” này.

Giải pháp tốt nhất để phòng chứng trầm cảm sau sinh là ngay từ thời kỳ mang thai cả người mẹ và người cha tương lai cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Việc này sẽ giúp họ không gặp khó khăn khi chăm sóc trẻ và tạo điều kiện để đứa trẻ được khỏe mạnh. Mặt khác, việc này còn giúp người chồng thể hiện sự quan tâm của mình đối với vợ con. Cả hai vợ chồng đều cần thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ công việc gia đình với nhau.

Với những trẻ thức ban đêm, ngủ ban ngày người mẹ nên tranh thủ ngủ khi con ngủ để không bị kiệt sức vì thức đêm. Người trong gia đình nên thay phiên nhau trông bé để không đổ hết gánh nặng lên đầu bà mẹ mới sinh.

Khi trẻ quấy khóc, lười ăn là có vấn đề về sức khỏe. Trẻ cần được đưa đi khám và chữa bệnh sớm để bệnh không bị tăng nặng. Phụ nữ sau sinh cũng nên quan tâm đến chính bản thân mình như ăn uống đủ chất dinh dưỡng; ngủ đủ giờ; ăn mặc vừa hợp vệ sinh, vừa tiện cho con bú vừa gọn gàng, đẹp mắt… Nên tập luyện nhẹ nhàng để cơ thể sớm có lại vóc dáng bình thường. Có thể tập một số động tác thể dục đặc thù theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp cho những bộ phận trong quá trình mang thai và sinh con đã bị giãn sớm trở về kích thước bình thường. Điều này sẽ giúp cho cuộc sống tình dục của người phụ nữ không bị ảnh hưởng do sinh con. Việc tập luyện cũng giúp cho tinh thần của người phụ nữ phấn chấn hơn, giấc ngủ được sâu hơn.

Chứng trầm cảm sau sinh thường tự khỏi sau một thời gian. Nhưng nếu không thấy chứng này thuyên giảm, thậm chí còn nặng lên thì bà mẹ trẻ cần đi khám ở chuyên khoa tâm thần để bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. 80% các ca trầm cảm sau sinh điều trị thành công nếu bà mẹ trẻ trò chuyện với bác sĩ tâm lý nhằm giải tỏa xung đột nội tâm, thư giãn để tìm lại được sự cân bằng cuộc sống. Các bà mẹ trẻ cũng nên chia sẻ suy nghĩ và công việc với những người thân để tự giải tỏa gánh nặng cho mình.

Ths. BS. Phan Bích Thủy
(Cố vấn cao cấp về Đào tạo và Dịch vụ SKSS Tổ chức Concept Foundation)

BACSI.com (Theo GĐXH)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]