Sán xơ mít: Một người nhiễm cả nhà lây

15.5953

Nhiều người không bao giờ nghĩ mình bị sán xơ mít nhưng loại sán này đang đầy rẫy ở những môi trường không ngờ đến, chờ dịp xông vào miệng, chui vào ruột từng người. Anh Lê Đức (trú tại đường Nguyễn Thị Sóc, Hóc Môn, TPHCM), chủ một tiệm vải ở quận Tân Phú, trở mình thức dậy như thường lệ vào 6h sáng. Chợt anh nghe nhột nhạt dưới đũng quần bèn vội vàng vào nhà vệ sinh kiểm tra. Đức bước ra khỏi nhà vệ sinh, cầm trên tay một vật trăng trắng, dài khoảng 2 lóng tay, bề ngang cùng cỡ ngón tay trỏ đưa cho vợ xem thử. Cả hai vợ chồng anh Đức đều lạ lẫm nhìn ngắm nhưng chưa thể phân định nó là gì.  

“Vật lạ” chỉ gây sự chú ý của vợ chồng anh Đức trong buổi sáng, sau đó thì họ quên bẵng. Bản thân anh Đức cũng không thấy cơ thể có biểu hiện gì khác lạ. Vậy nhưng khoảng 2 tuần sau, vật lạ có màu trăng trắng lại xuất hiện. Anh Đức xanh mặt nói với vợ: “Em ơi, anh đi tiêu lại như hôm trước, hình như đó là một con sán em ạ, nó dài gần 2m, ghê quá”. Chị Hoàng, vợ anh Đức cũng hốt hoảng hỏi dồn: “Anh có thấy nó ra cái đầu chưa, nếu chưa ra là nó còn sống nữa đó”. Anh Đức đoán chắc: “Ra rồi, ra rồi. Em yên tâm. Vậy là hết rồi”. Hai vợ chồng anh Đức thở phào, đinh ninh rằng chuyện con sán kia tới đó là kết thúc.  

Nhưng sự thực chuyện không hề đơn giản như thế. 

Một đốt sán xơ mít chứa hơn 1 triệu trứng (Ảnh chụp mẫu vật tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM).


Người giàu nhiễm sán xơ mít

Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, điều đáng lo là trung bình có tới 7-8 ca/tháng đến viện điều trị vì nhiễm sán sơ mít. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ phản ánh 1/10 số người nhiễm trong cộng đồng. 

Một điểm lạ là đa số các ca nhiễm sán xơ mít gần đây đều là người giàu có, khá giả. “Nhiều người thực sự sốc khi chúng tôi thông báo họ bị nhiễm sán xơ mít. Họ cho rằng luôn ăn uống hợp vệ sinh và chỉ đi ăn ở những nơi sang trọng, đắt tiền thì khó có thể nhiễm sán. Nhưng thực tế họ vẫn bị nhiễm và phải điều trị”-TS.BS Mạnh Siêu nói.  

Trong một khảo sát trước đây của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho thấy, có đến 3/4 dân số Việt Nam nhiễm các loại giun sán (tương đương 60 triệu người tại thời điểm khảo sát), trong đó có sán xơ mít. Theo TS Đặng Thị Cẩm Trạch thuộc Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, trong vòng 4 năm đơn vị này đã tiếp nhận 700 trường hợp nhiễm sán dải heo (một dạng sán xơ mít), trong đó có đến 84% bị tổn thương não, tạo ra các triệu chứng động kinh, mù mắt, liệt, tăng áp lực nội sọ và nhiều trường hợp tử vong do tụt não.  

Tại TPHCM, theo TS.BS Mạnh Siêu, những ca nhiễm sán xơ mít gần đây chủ yếu là sán dải heo và sán dải bò. “Nhiễm sán dải cá là trường hợp hiếm ở TPHCM. Ăn thịt bò tái, thịt heo tái và rau sống là những nguyên nhân nhiễm sán xơ mít cơ bản tại TPHCM”. 

Thói quen ăn gỏi cá rất dễ bị nhiễm sán xơ mít. (Ảnh minh họa KT)

Khả năng lây nhiễm cao

Đó chính là điều TS.BS Mạnh Siêu quan ngại. “Sán xơ mít có rất nhiều đốt vì chúng rất dài, có con sống trong đường ruột dài 5m-7m. Những đốt già (đốt chín) ở gần hậu môn sẽ rụng khỏi thân sán. Những đốt rụng này còn nhu động (cử động được) nên sẽ chủ động chui ra khỏi hậu môn trong lúc người nhiễm ngủ. 

“Đa phần người trưởng thành đều ăn đầy đủ dưỡng chất nên ít thấy triệu chứng biểu hiện cụ thể. Mặt khác, cấu trúc protein sán xơ mít qua hàng triệu năm tiến hóa đã trở nên gần tương đồng với người, nói cách khác sán xơ mít trở nên “thân thiện” với người vì chúng không gây dị ứng mạnh mẽ. Do đó, thử phân là cách tốt nhất để khẳng định một người có bị nhiễm sán xơ mít hay không!”-TS.BS Mạnh Siêu nói.

Đó là lý do tại sao người nhiễm sán xơ mít thỉnh thoảng lại phát hiện trong đũng quần hay trong chăn, nệm những vật lạ màu trăng trắng. Những đốt sán xơ mít sau khi chui ra khỏi cơ thể người nhiễm sẽ khô dần và vỡ tung. Từ đó, hàng triệu trứng (trong một đốt sán chứa hơn 1 triệu trứng) sán sẽ bay tung tóe và bám khắp nhà chờ cơ hội sinh sôi nảy nở. Một người chưa nhiễm chỉ cần bước vào nhà, tình cờ chạm một bề mặt nào đó có trứng sán, chúng sẽ bám vào người, vào tay và chờ dịp xông vào miệng. Vậy là cả nhà bị nhiễm vì tất cả quần áo, vật dụng, thức ăn để trong nhà đều có nguy cơ nhiễm trứng sán”-TS.BS Mạnh Siêu lý giải.  

Đối với người đã bị nhiễm sán xơ mít như anh Đức ở Hóc Môn, việc sán tự động ra khỏi cơ thể qua đường đi tiêu, kể cả ra luôn đầu sán cũng không có nghĩa là anh Đức đã hết nhiễm sán. TS.BS Mạnh Siêu giải thích thêm: “Vòng đời sán xơ mít thông thường vào khoảng 2 tháng. Đến thời điểm sán xơ mít chết, chúng sẽ tự trôi ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, trứng sán xơ mít vẫn còn đầy rẫy trong ruột người nhiễm và chúng lại sinh sôi nảy nở. Trước đây trong dân gian thường có phương pháp trục sán xơ mít bằng nước sắc hạt cau (hạt cau dùng ăn trầu). Phương pháp này cũng hiệu quả bước đầu vì trong cau có một hoạt chất khiến sán xơ mít không chịu được. Tuy nhiên, trứng sán vẫn còn và một thời gian sau lại tái nhiễm”. 

Phương thức lây lan trứng sán phát tán khiến nhiều người không ngờ mình bị nhiễm sán xơ mít. Trên thực tế, sán xơ mít không từ bất kì người nào. Tuy nhiên, nếu như những triệu chứng ở trẻ em như bụng to, xanh xao, ăn nhiều và gầy ốm rất dễ phát hiện thì ở người lớn không dễ chút nào.   Gian nan diệt sán xơ mít

“Điều trị sán xơ mít cho người nhiễm khỏi bệnh thì không khó nhưng muốn diệt tận gốc các nguy cơ tái nhiễm thì gian nan và cần phải quyết tâm lắm”-TS.BS Mạnh Siêu khẳng định. Theo TS.BS Mạnh Siêu, để loại sán xơ mít khỏi cơ thể người nhiễm, kể cả trứng sán sơ mít, phải dùng đến thuốc điều trị đặc hiệu sán dải Praziquantel. Tất cả các loại thuốc xổ giun thông thường như Fugacar (hay Menbendazon) đều không tác dụng với sán xơ mít. Riêng vấn đề diệt trứng sán xơ mít tại nhà để tránh nguy cơ tái nhiễm mới là chuyện “đau đầu”. “Cho đến nay vẫn chưa có loại hóa nhất nào diệt được trứng sán xơ mít bên ngoài môi trường, dù trứng nhỏ li ti mắt thường không nhìn thấy nhưng chúng có khả năng chịu đựng rất cao. 

Cách duy nhất diệt chúng là trụng nước sôi 10 phút. Do vậy, muốn tận diệt nguy cơ tái nhiễm sán xơ mít thì cả gia đình người nhiễm bệnh phải trụng nước sôi tất cả đồi dùng sinh hoạt như quần áo, ly tách, chén bát… sau khi giặt, rửa thật sạch. Đây là một việc khó khăn chứ không hề đơn giản. Đồng thời, trước khi ăn uống, mọi người phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng, hạn chế ăn thức ăn tái hay rau sống (loại rau tưới nước phân chuồng nhiễm rất nhiều trứng sán xơ mít)”- TS.BS Mạnh Siêu cho biết.

Sán xơ mít (vì sán giống xơ trái mít) là tên dân gian thường gọi của 3 loại sán: Sán dải bò (Taenia Saginata, sinh sống và lây lan từ bò), sán dải heo (Taenia Solium, sinh sống và lây lan từ heo) và sán dải cá (Diphyllobothrium Latum, sinh sống và lây lan từ cá).
Tuy mỗi loại lớn nhỏ khác nhau nhưng sống trong ruột người, chúng thường dài đến 5m-7m và tranh chấp mãnh liệt thức ăn với người. Nhiễm sán xơ mít nhẹ thì thiếu máu và vitamin B6, B12… dẫn đến suy nhược cơ thể, nặng có thể bị động kinh, liệt, mất trí nhớ, tăng áp lực nội sọ, não úng thuỷ, giảm thị lực, mù mắt, bệnh tim…

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]