Sự khác biệt từ gốc

Trong khi người dân ở huyện Bình Minh ồ ạt cho người nước ngoài thuê đất trồng khoai thì ở huyện Bình Tân láng giềng, ông Võ Văn Theo – Trưởng phòng NNPTNT - khẳng định: “Không có chuyện người Trung Quốc đến thuê đất trồng khoai ở địa phương.

15.6033

Thậm chí, nhiều hộ dân có nhu cầu mở rộng quy mô trồng khoai đã đi thuê đất ở các địa phương lân cận”. PV Báo Lao Động đã có cuộc tìm hiểu xoay quanh vấn đề này.

Nhờ đất tốt, tay nghề cao

Trồng khoai ở Bình Tân là nghề “cha truyền con nối”, người dân tích lũy kiến thức, kinh nghiệm canh tác lâu đời. Cộng thêm sự ưu đãi của thiên nhiên, đất đai ở đây rất thích hợp với việc trồng khoai. Cả huyện có trên 93.000 dân thì hơn một nửa sống dựa vào nghề trồng khoai, chủ yếu là khoai lang tím Nhật Bản. Diện tích trồng khoai ở Bình Tân chiếm khoảng 5.500ha/năm, đạt năng suất bình quân 40 tạ/công, cho sản lượng từ 300 - 400 ngàn tấn. Sau khi trừ chi phí, người trồng khoai có thể thu lãi từ 10-15 triệu đồng/công/vụ. Hằng năm, người dân trồng khoai theo mô hình luân canh (1 vụ lúa, 1 vụ khoai). Gần đây, do lợi nhuận của khoai lang tím Nhật Bản ngày càng cao nên đa số đã chuyển sang trồng khoai quanh năm.


Thu hoạch khoai lang ở huyện Bình Tân. Ảnh: T.L

Là thành viên trong một gia đình nhiều đời gắn bó với nghề trồng khoai, ông Ngô Văn Phò - ở ấp Thành Thọ, xã Thành Lợi - cho biết: “Trước đây, một số bà con ở huyện Bình Minh thấy nghề trồng khoai ở huyện Bình Tân khấm khá nên chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai. Thế nhưng, họ ít có kinh nghiệm và hiểu biết về nghề trồng khoai nên không ít trường hợp thua lỗ và cảm thấy ngán ngại. Do vậy, khi có người nước ngoài đến hỏi thuê đất với giá cao hơn so với lợi nhuận từ việc trồng lúa, mặt khác họ lại được thuê mướn làm công với giá cao nên sẵn sàng cho thuê đất nhà. Riêng ở huyện Bình Tân, do đất ở đây tốt, người dân lại có tay nghề cao nên dù bỏ ra chi phí cao cho việc trồng khoai (7 triệu/công nếu là đất nhà; 12 triệu đồng/công nếu là đất mướn), nhưng họ không ngán ngại. Hiện nay, nhiều bà con đang đi thuê đất ở xã Thuận An, huyện Bình Minh để mở rộng quy mô sản xuất. Những khi được mùa trúng giá, bà con có thể thu lãi tới 15 triệu đồng/công”.
Ông Nguyễn Văn Sáu - ở ấp Thành Khương, xã Thành Đông - cũng nói: “Do yếu tay nghề và kinh nghiệm thực tiễn, lại phải bỏ ra chi phí khá cao nên nghề trồng khoai đối với người dân huyện Bình Minh có quá nhiều may rủi. Nếu đem đất cho thuê, họ lại được lợi nhuận nhiều hơn nên dễ dàng đồng ý. Ngược lại, những người nước ngoài đến hỏi thuê đất trồng khoai ở Bình Tân chỉ nhận được những cái lắc đầu”.
Không chỉ người Trung Quốc thuê đất
Tiếp xúc với PV Báo Lao Động, bà Ngô Thị Gẩm - ngụ ấp Thành An, xã Thành Đông, huyện Bình Tân - hồ hởi khoe: “Con rể của tôi tên Nguyễn Văn Phong đang thuê 20 công đất ở xã Thành An, huyện Bình Minh để trồng khoai. Dù lợi nhuận có ít hơn (chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/công do phải bỏ ra chi phí thuê đất), nhưng vẫn chấp nhận được và có thể mở rộng quy mô canh tác”.
Nhiều bà con ở huyện Bình Tân còn cho biết, tuy không cho người Trung Quốc thuê đất trồng khoai, nhưng không ít người chấp nhận làm thuê cho người Trung Quốc tại huyện Bình Minh để trồng khoai và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ khác nhờ có tay nghề cao. Đặc biệt, ông Ngô Văn Phò - ở ấp Thành Thọ, xã Thành Lợi - thổ lộ, con rể của ông tên là Phạm Thanh Thảo hiện đang hùn vốn với người Trung Quốc thuê 20ha đất trồng khoai ở huyện Bình Minh. Sau mỗi vụ khoai, lợi nhuận chia cho các bên tùy vào khả năng góp vốn. “Người Trung Quốc sang đây thuê đất trồng khoai, nhưng ít có tay nghề nên phải nhờ đến dân mình” – ông Phò nói.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Bình Minh, xã Thuận An, đã có 302 hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai với diện tích 163ha, trong đó hơn 50% đều do người dân từ các xã: Thành Đông, Thành Lợi, Tân Quới của huyện Bình Tân đến thuê. Hiện nay, bà con Bình Tân đang có xu hướng mở rộng quy mô trồng khoai, sang cả TP.Cần Thơ dò hỏi để thuê đất ở khu vực Nông trường Sông Hậu, sân bay Trà Nóc...
Xem ra, giải pháp cho vấn đề người Trung Quốc thuê đất trồng khoai ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là các ngành chức năng hỗ trợ nông dân địa phương xây dựng mô hình trồng khoai lang cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tự khắc bà con sẽ chọn cách lắc đầu trước ý định thuê đất của người nước ngoài giống như nông dân huyện Bình Tân lân cận.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]