Sự sụp đổ thần tượng: Chánh Tín không ý thức về vai trò người nổi tiếng

GiadinhNet - Về vụ scandan liên quan đến nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín vỡ nợ, mất nhà và sự sụp đổ thần tượng trong lòng khán giả hâm mộ, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng một phần lỗi là do Chánh Tín không ý thức được vai trò, vị trí của người nổi tiếng. Một phần lỗi lớn là do giáo dục, lòng tự trọng không được vun đắp, hình thành...

15.5981
 
-  Chánh Tín từ lâu đã là hình tượng đẹp trong lòng người hâm mộ, lại ở lứa tuổi đã đi gần trọn cuộc đời. Thế nhưng anh đã có cách ứng xử gây phản cảm, tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận tuần qua. Theo bà, nguyên nhân do đâu? 
 
Ai cũng biết lý do khiến Chánh Tín từ hình ảnh một tài tử điện ảnh hào hoa phong nhã trở nên bệ rạc và mất hình ảnh như bây giờ là do anh vỡ nợ. Tuy nhiên đó là nguyên nhân khách quan. Quan trọng là do từ bản thân con người anh. Cách ứng xử của Chánh Tín thể hiện 3 điểm sau:
 
1.  Lúng túng trước thất bại, vấp ngã.

2.   Do lòng tham, không muốn mất cái gì.

3.   Thiếu suy nghĩ, chín chắn và kém hiểu biết.
 
Khi anh làm phim anh phải xác định nó như một cuộc chơi, một ván bài. Đã là một cuộc chơi thì nhất định có thắng, có thua và anh phải chấp nhận cả hai khả năng đó. Trước khi chơi anh phải lường trước mọi sự được - mất. Nếu được thì ta không bàn đến, nhưng nếu mất thì mình cũng vui vẻ chấp nhận.
 
Bởi khi anh biết chấp nhận thất bại thì anh sẽ không rên la, kêu nghèo kể khổ và có thái độ bất chấp cả lòng tự trọng miễn là có tiền. Khi anh biết chấp nhận thất bại anh sẽ đón nhận mọi sự đến với mình. Cụ thể ở đây là chấp nhận mất nhà, đi mua một căn chung cư hoặc cùng lắm là đi thuê nhà để ở. Cuộc đời có khi được, có khi mất, có khi thăng, khi trầm, khi vui, khi buồn…và như vậy mới là cuộc đời.
 
 
Thế nhưng Chánh Tín không muốn mất cái gì mà anh nghĩ nó đã thuộc về anh. Mà thực tế thì danh vọng tiền bạc là thứ phù du, nó đến rồi đi là lẽ thường nhưng Chánh Tín đã không chấp nhận được điều đó. 
 
Cách hành xử của Chánh Tín cho thấy cuộc đời anh dường như chỉ có tiến lên, chỉ có thành công. Vì thế khi gặp thất bại, anh đã lúng túng. Vì lúng túng nên anh đã ứng xử như một người kém tự trọng nhất.
 
Tâm lý thông thường của bất kỳ người nào cũng vậy, không ai muốn ai đó lấy mất đi ngôi nhà thân yêu của mình. Nó không đơn thuần là giá trị tiền bạc mà còn là giá trị về tinh thần, về tình cảm gắn bó cả cuộc đời mỗi người. Đó có phải là lý do khiến Chánh Tín từ chối mọi sự giúp đỡ về chỗ ở, chỉ mong mỏi làm sao giữ lại được căn nhà? 
 
Đành rằng ngôi nhà là cả cuộc đời gắn bó nên không ai muốn mất nó. Nhưng việc Chánh Tín muốn giữ lại ngôi nhà của mình không chỉ đơn thuần là vì tình cảm với ngôi nhà mà còn là vì lý do kinh tế. Ngôi nhà là tình yêu gắn bó nhưng cũng là thành quả làm lụng, chắt chiu cả cuộc đời mới có được. Giữ lại tòa nhà là để khẳng định thành tựu đó.
 
Cũng có thể vì Chánh Tín đã già, anh nghĩ rằng mình chẳng cần gì nữa, có mỗi cái nhà thì phải quyết giữ bằng được.
 
Ai cũng biết ngôi nhà của Chánh Tín có giá trị kinh tế khủng lên đến hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền đó lớn nhưng lại không hề lớn so với danh tiếng của Chánh Tín. Việc Chánh Tin "sẵn sàng quỳ lạy đại gia" để giữ lại bằng được ngôi nhà khiến người ta nghĩ rằng: trong suy nghĩ của anh, ngôi nhà là thứ có giá trị nhất. Hành vi của Chánh Tín là một cách bán danh dự của mình, bán đi những giá trị tinh thần mà anh đã có để đổi lấy 10 tỷ.
 
Điều này cho thấy Chánh Tín không coi trọng danh dự của mình, không coi trọng giá trị tinh thần mà anh có được trong lòng người hâm mộ. Phải chăng thần tượng ngôi sao điện ảnh Chánh Tín chỉ là ảo, không có giá trị thực tế?
 
Thần tượng về ngôi sao điện ảnh Chánh Tín là có thật. Chánh Tín đã có một vai diễn để đời, đã hóa thân và nhập vai vào nhân vật đại tá Nguyễn Thành Luân quá xuất sắc. Khi nhân vật mà anh nhập vai trở thành hình tượng khắc sâu vào lòng người xem, có nghĩa là anh đã thành công. Người ta thần tượng nhân vật và đồng hóa luôn thần tượng ngoài đời.
 
 
Có ý kiến cho rằng người hâm mộ đã thần tượng sai khi đồng hóa nhân vật trong phim và con người thật ngoài đời của diễn viên. Thần tượng về ngôi sao điện ảnh Chánh Tín do họ xây dựng nên chứ không phải do bản thân Chánh Tín có được. Đó là lý do dẫn đến sự sụp đổ thần tượng về Chánh Tín hiện nay?
 
Đúng là có sự nhầm lẫn này. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là Chánh Tín không có công gì trong việc tạo dựng thần tượng trong lòng khán giả.
 
Cuộc đời người nghệ sĩ luôn tồn tại hai cuộc đời song song. Đó là một cuộc đời trên sân khấu và một cuộc đời ngoài đời thực. Nhiều người cho rằng cuộc đời sân khấu và cuộc đời thật hoàn toàn khác nhau. Điều này có phần đúng, có phần không đúng. 
 
Đúng là bởi, khi anh bước ra cuộc đời thực, anh sẽ bỏ lại hào quang sân khấu để sống đúng là mình. Không đúng là bởi, có những vai diễn trở thành nỗi ám ảnh và chi phối đến cách sống, lối sống và quan điểm của người diễn viên. Khi anh thành công trong vai diễn, anh hóa thân vào nhân vật và nhập vai tốt là anh đã học được những lý tưởng mà tác giả gửi gắm vào nhân vật. Những vai diễn đó dù ít hay nhiều đều chi phối đến diễn viên trong cuộc đời.
 
Tôi nói thần tượng Nguyễn Chánh Tín là có thật bởi vai diễn đó quá đẹp, quá xuất sắc, quá xuất thần. Chỉ tiếc cho Chánh Tín là những vai diễn như vậy quá ít. Dường như cả cuộc đời anh, chỉ có mỗi một vai diễn đó là đáng kể. Từ bấy đến nay đã gần nửa thập kỷ nhưng chưa có bộ phim nào xây dựng được nhân vật xứng đáng với sức diễn của Chánh Tín. 
 
Quan điểm, lối sống phải được bồi đắp thường xuyên. Thế nhưng từ bấy đến nay điện ảnh Việt Nam đã không có những vai diễn đáng kể, những số phận nhân vật đáng kể để Chánh Tín được diễn, được hóa thân và được sống một cuộc đời cao thượng như cuộc đời sân khấu của anh.  
 
Những thần tượng âm nhạc, điện ảnh thường có tác động rất lớn đến xã hội, con người đặc biệt là giới trẻ. Vì thế cách sống, lối sống của họ có sự ảnh hưởng rất lớn đến lối sống xã hội. Thế nhưng chuyện Chánh Tín vỡ nợ và lối hành xử không có lòng tự trọng của anh cho thấy điều gì?
 
Ứng xử của một thần tượng điện ảnh như vậy cho thấy một phần lỗi lớn từ giáo dục, lòng tự trọng không được vun đắp, hình thành. Một phần lỗi là do nạn tham nhũng, do quá đề cao giá trị đồng tiền.
 
Nhiều người cho rằng làm người nổi tiếng chẳng sung sướng gì vì dư luận thường khắt khe hơn với họ. Trong vụ Chánh Tín vỡ nợ, có ý kiến cho rằng truyền thông và dư luận quá độc ác với anh. Bà có ý kiến gì?
 
Làm người nổi tiếng hay là thần tượng cũng như một cái nghiệp. Ánh hào quang ảnh hưởng rất nhiều từ xã hội, cả về tinh thần và vật chất. Anh được nhiều thì yêu cầu anh phải có trách nhiệm với xã hội. Chính vì anh được hưởng nhiều, chính vì anh là người nổi tiếng nên xã hội vì thế cũng sẽ đòi hỏi ở anh nhiều hơn, khắt khe hơn. Đó là điều hết sức bình thường.
 
Do vậy đã là người nổi tiếng, là ngôi sao, là thần tượng thì anh phải có ý thức về vai trò vị trí của anh trong xã hội. Là thần tượng, anh phải biết đặt mình vào vị trí người hâm mộ để hiểu họ nghĩ gì, mong muốn ở anh điều gì. Khi anh biết đặt mình vào vị trí của người hâm mộ, anh sẽ có lối hành xử đúng mực.
 
Hào quang của Chánh Tín một phần do tài năng nhưng một phần là do may mắn. May mắn lớn nhất là anh sở hữu được ngoại hình tuyệt đẹp. Lý giải theo nguyên lý nhân quả của nhà Phật thì những gì Chánh Tín đã có trong bao nhiêu  năm là anh được hưởng phúc của những kiếp trước. Khi có phúc, nếu mình chỉ "hưởng" mà không lo "tạo" thì phúc đó cũng hết nhanh, không đủ cho một kiếp người.
 
Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này!

Mạc Vi (thực hiện) 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]