Thắng cảnh bản Mòng giúp chữa bệnh

Nằm cách trung tâm thành phố Sơn La 6km về phía Tây Nam, bản Mòng, xã Hua La được mệnh danh là nơi có cảnh quan hùng vĩ với dãy núi nhấp nhô hòa quyện vào nhau như thân rồng uốn lượn quanh bản.

0

Thắng cảnh bản Mòng giúp chữa bệnh

 
Không biết tự bao giờ, người dân nơi đây phát hiện ra hai giếng nước "âm - dương" nằm cách nhau khoảng hơn 10m. Đó là một giếng nước nóng và một giếng nước lạnh, nếu giếng nóng tăng nhiệt độ bao nhiêu thì giếng lạnh lại giảm nhiệt độ bấy nhiêu.

Trải qua bao đời, người dân tộc Thái nơi đây nhận ra rằng: Ngoài phục vụ sinh hoạt, hai suối nước tự nhiên này có có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch...

Giếng "mắt rồng"

Đường đến bản Mòng, TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) không xa nhưng ngoằn ngoèo bởi những dãy núi bao quanh. Hỏi các cụ cao niên trong bản, không ai nhớ dòng suối khoáng bản Mòng có từ bao giờ, họ chỉ biết rằng, từ ngày thành lập bản Mòng, người dân nơi đây đã biết sử dụng nguồn nước này trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cụ Lò Văn Nam (78 tuổi) kể với chúng tôi, trước đây là một bản nhỏ lại nghèo nàn heo hút nên hầu như không có ai qua lại. Bản Mòng còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang tính chất thần bí liêu trai nhưng vì không có sách nào ghi chép lại nên có nhiều dị bản trong dân gian. Người ta cho rằng, bản Mòng là phần đầu của con rồng mà minh chứng rõ nét nhất là hai cái giếng nằm cạnh nhau, một bên nóng và một bên lạnh. Qua bao thăng trầm, hai cái giếng này vẫn nằm ở giữa bản Mòng, chứ không bị vùi lấp.

"Vì đó là vùng đất thiêng nên từ xưa cũng tồn tại những chuyện lạ đời. Người ta nói rằng, ma quỷ không bao giờ dám bén mảng đến bản Mòng vì sợ rồng bắt. Chỉ những người có trái tim trong sạch, có tâm hồn thanh khiết mới tồn tại được ở nơi này. Biết được bản Mòng phát ra nguồn năng lượng lạ, là long mạch của vùng Tây Bắc hùng vĩ nên đã nhiều lần, thầy địa lý nổi tiếng của Trung Quốc là Cao Biền đã cưỡi mây đạp gió tìm đầu rồng nhằm triệt hạ long mạch nhưng không thành", cụ Nam nói.

Giếng nước nóng tại bản Mòng được ví như “mắt rồng” Tây Bắc

Người dân nơi đây gọi giếng nước nóng lạnh này bằng cái tên là "giếng mắt rồng". Họ kể, ngày trước, một người dân trong bản đi vào rừng, khi đi qua giếng nước thấy có luồng "khói" bốc lên ngùn ngụt nên sờ tay xuống. Lạ thay, nguồn nước ở giếng là nước nóng, khác hẳn với nguồn nước ở nhiều nơi trong bản. Khi sờ tay sang cột nước đang phun lên bên cạnh lại là nguồn nước lạnh. Từ trước đến nay, "giếng mắt rồng" cũng chưa bao giờ cạn nước. Khi nhiệt độ ở giếng nước nóng tăng lên bao nhiêu thì nhiệt độ ở giếng lạnh lại giảm đi chừng ấy.

Trải qua bao đời, những câu chuyện truyền thuyết ấy dần đi vào quên lãng, không ai còn nhắc hay đoái hoài đến. Khi khí hậu biến đổi, nguồn nước ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt dần thì dân bản Mòng bắt đầu biết chú ý, quan tâm đến vấn đề sức khỏe của mình. Thiếu nước, họ bắt đầu tìm đến nguồn nước sạch ở "giếng mắt rồng".

Ông Lò Văn Đôi, chủ tịch UBND xã Hua La cho chúng tôi biết, từ trước đến nay, bản Mòng đã đón rất nhiều đoàn chuyên gia, nghiên cứu khoa học về đây để khảo sát và đo nhiệt độ nước nhưng đến nay địa phương vẫn chưa nhận được một báo cáo cụ thể nào về chất lượng, công dụng nguồn nước. Đoán chắc nguồn nước ở giếng này rất quý nên ông Đôi đã tuyên truyền mọi người phải biết gìn giữ vào bảo quản tốt. Những mùa thiếu nước, dân bản Mòng lại tập trung  đến đây để lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt.

Mùa đông, nước giếng ấm như nước đã được đun nóng, dân bản thường ra giếng lấy nước về tắm. Trẻ con cũng được tắm nước nóng lấy từ giếng. Nhiều người bảo, khi tắm nước ở giếng nóng, lạnh này người ta sẽ hết các bệnh ngoài da, người già ngâm người, chân, tay sẽ chữa được bệnh đau nhức, xương khớp.

Vẻ đẹp tự nhiên của bản Mòng

Giờ đây, đường vào bản Mòng đã được rải nhựa phẳng lì, dù là đường dốc nhưng dễ đi. Gọi là bản Mòng nhưng chẳng khác gì những khu phố sầm uất ở TP.Sơn La. Nhà cao tầng còn nguyên màu sơn mọc san sát nhau. Cuộc sống bản Mòng đổi sắc thay da những năm gần đây. Nhiều hộ dân sống "phất" lên nhờ nguồn giếng nước được thiên nhiên ban tặng.


Suối nước nóng ở bản Mòng

 
Lần theo từng đường ống dẫn nước bằng nhựa lộ trên mặt đất, chúng tôi có dịp mục sở thị giếng nóng, lạnh. Đứng từ xa, đã nghe thấy tiếng máy bơm kêu phành phạch, chi chít những ống nhựa tập trung thọc sâu, cắm vào trong duy nhất một ống kim loại để hút nước. Được biết, do nhu cầu của khách du lịch lớn nên mới đây, các nhà nghiên cứu đã cho khoan sâu và đóng một chiếc ống kim loại tại giếng này.

Đến đây, du khách còn được thưởng thức món thịt hun khói, lòng khô, lòng nướng đậm đà cũng được ướp từ các loại gia vị đặc trưng của người Thái, làm từ thịt hoặc lòng phèo của trâu, bò hoặc lợn; rồi món rau rừng đồ, hoa ban xào măng chua, măng lay, canh bon đặc mùi mắc khén rừng cùng chút ngầy ngậy của da bò, đuôi bò hòa trong bát canh. Cùng những món ăn đặc trưng trên, du khách còn được thưởng thức vị thơm dẻo của món cơm lam nướng trên than hồng hay món cơm nếp đồ được đựng trong những chiếc thố chỉ người Thái mới có...

Bà Lò Thị Mai, chủ một hộ kinh doanh tắm suối nước nóng hồ hởi: "Phòng tắm ở đây hầu hết được thiết kế rộng rãi trên cơ sở khoa học, hệ thống bồn tắm rất đa dạng, có bồn tắm dành cho cá nhân, có bồn tắm dành cho gia đình. Khi ngâm mình trong nước, ai cũng thấy thư giãn và thoải mái. Ngoài dịch vụ tắm nước nóng, du khách tới đây có thể câu cá thư giãn, trải nghiệm cuộc sống đời thường cùng những người dân địa phương hoặc tận hưởng những món ăn truyền thống đặc trưng của dân tộc".

 Nhiều người cho rằng, điều thú vị nhất khi về đây tắm suối nước nóng chính vì nơi đây đã lồng ghép được những nét đẹp văn hóa dân tộc cùng phong cách phục vụ du khách tận tình, đậm chất vùng cao Tây Bắc cùng những âm hưởng hòa quyện của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chim rừng thánh thót, xen lẫn những điệu múa truyền thống với vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái Thái.

Giữa trưa hè nóng bức, dừng lại bên dòng nước "âm - dương" bản Mòng, nghe âm hưởng của đất trời, thưởng thức những món ăn dân tộc truyền thống cùng nghe các làn điệu dân ca, những âm hưởng hòa quyện những điệu xòe, múa cánh bướm, múa piêu…, bên cạnh vẻ đẹp mộc mạc của các cô gái Thái chắc chắn sẽ để lại cho du khách nhiều cảm giác bâng khuâng, lưu luyến. Ai từng đến bản Mòng một lần, sẽ thấy nhớ nhung xen lẫn với âm điệu của lời hát: "Inh lả ơi, sao noọng ời; khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời; mùa xuân đến ngàn hoa hé cười; Inh lả ơi, sao noọng ơi...".  
                                      
Hướng tới sự khai thác hợp lý

Với sự khai thác hợp lý theo quy định của thành phố, khu vực này đã trở thành một điểm đến thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài. Trải dài hai bên con đường nhựa tại khu vực suối khoáng đã có 16 hộ kinh doanh dịch vụ tắm suối khoáng.

Những ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc của dân tộc Thái vùng Tây Bắc cùng những phòng tắm được thiết kế, trang trí hợp lý của các hộ kinh doanh dịch vụ nơi đây luôn thu hút đông đảo du khách lui tới. Tại đây, họ còn được tham quan, thưởng thức những nét văn hóa Thái, mua sắm những đồ dệt thổ cẩm của người Thái vùng Tây Bắc hay được thưởng thức điệu múa của các cô gái Thái trong bộ trang phục áo cóm, khăn piêu, cùng tiếng xà tích kêu leng keng...  


Người Đưa Tin
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]