Quái gở cảnh dùng "năng lượng hồn ma"... chữa bệnh

Nghe đồn tại thị xã Sông Công (Thái Nguyên) có mẹ con “cô” Phú, “cậu” Cò sở hữu biệt tài chữa nhiều bệnh từ nhẹ đến nan y bằng phương pháp “truyền năng lượng siêu cao” (trong đó nghe nói “cô” Phú còn tự nhận mình là “Nhà ngoại cảm tác động năng lượng”). Tôi rủ thêm mấy anh bạn tìm đến nơi “hành nghề” của “thần y” này. Trước là để thử vận may, sau là để “mục sở thị” xem thực, hư thế nào...

0


“Cơ sở truyền năng lượng siêu cao” ở Thái Nguyên

Đã được hẹn trước qua điện thoại, đầu giờ chiều ngày 17/1/2012 (tức 24 Tết Nhâm Thìn), chúng tôi có mặt tại thị xã Sông Công. Sau khi vượt qua một cây cầu treo dài gần trăm mét bắc qua sông Công, đến Km số 01 (địa phận xã Vinh Sơn), theo hướng dẫn của người gác cầu, chúng tôi nhanh chóng tìm thấy “cơ sở truyền năng lượng siêu cao” nằm trên triền của khu đồi nhỏ.

Nơi chữa bệnh của bà Phú.

Chính diện là căn nhà tạm, được bài trí khá màu mè, hai bên cửa cánh gà có những bức màn màu đỏ, luôn lay động qua từng cơn gió. Phía trong vừa huyền bí, vừa như quán café đang giờ nghỉ. Phía tay phải là một căn nhà nhỏ xây vững chãi.

Một phụ nữ trạc tuổi 40 đang làm việc vặt trước khuôn viên cất tiếng hỏi: “Các bác cần gặp ai?”. Anh bạn tôi lên tiếng: “Chúng tôi đi chữa bệnh và đã được “cô” Phú hẹn trước rồi...”. Từ căn nhà ngang, một cô gái béo, lùn đẩy cửa bước ra, vẻ nghiêm trọng: “Các bác nói khẽ thôi, mẹ cháu đang nghỉ trưa, 4h chiều mới làm việc”. Nói đoạn, cô ta lui vào kéo sập cánh cửa lại.

Bàn thờ có hình “cậu” Cò và hình con một vị quan nào đó chết trẻ.

Lúc này mới 14h30, còn phải chờ đến tiếng rưỡi nữa thật là lâu, thời tiết thì lạnh giá vô cùng. Có tý hơi men ngày cận Tết, anh bạn tôi nói năng hơi quá “công suất” nên bị người phụ nữ và cô gái nêu trên đẩy cửa bước ra nhắc nhở rất nghiêm khắc.

Hơn 15h, nhiều người đã lục tục kéo đến, tôi tranh thủ tìm hiểu thêm một số thông tin về cơ sở “truyền năng lượng” này. Từ đám đông, mỗi người một ý tỏ vẻ bán tín, bán nghi, nhưng họ cũng như chúng tôi đều có ý định đến để cầu may, hết bệnh thì tốt, mà không hết thì đi tìm nơi khác bởi “có bệnh thì vái tứ phương” mà! Chúng tôi gợi chuyện với một ông lão đã 70 tuổi để hiểu thêm về “gốc gác” của bà “cô” tên Phú và ông “cậu” tên Cò.

Ông lão tự giới thiệu mình là bố đẻ của bà Phạm Thị Phú (tức “cô” Phú) kiêm ông ngoại của thằng Cò (tức “cậu” Cò, con “cô” Phú). Theo lời ông lão thì xưa kia “cô” Phú sanh được đứa con trai tên là thằng Cò, nhưng bị chết yểu. Sau này Cò “nhập” vào “cô” Phú để “truyền năng lượng”, rồi “cô” Phú truyền lại năng lượng cho bệnh nhân. Và vì vậy, bà Phạm Thị Phú trở thành “cô” Phú (dương trần) kết hợp với “cậu” thằng Cò (cõi âm). Cũng vì lý do này, trong bài viết này chúng tôi xin gọi tắt “Nhà ngoại cảm tác động năng lượng Phạm Thị Phú” là “Phú - Cò”.

Giới thiệu xong, ông lão tếu táo rằng: “Chẳng biết chữa có hết bệnh không nhưng chắc chắn các vị sẽ làm “mồi” nuôi béo cho đàn muỗi nhà nó. Thằng này (ý chỉ Cò) nó toàn canh vào buổi tối nó mới chữa bệnh, vì vậy, đàn muỗi góa chồng “nhà nó” con nào con nấy to như con... gà mái”.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi thấy một số người bệnh đã lặng lẽ đem lễ vật gồm bánh trái, hoa quả và... phong bì vào đặt, xì xụp khấn vái trước bàn thờ Cò.

16h20, “cô” Phú uy nghi xuất hiện trong bộ đồ đỏ rực, mọi người líu ríu theo “cô” vào trong nhà. Theo người dân địa phương, gặp phải hôm nào trời nóng, việc chữa bệnh sẽ được thực hiện ngoài sân có mái che, còn hôm nào rét như hôm nay thì việc chữa bệnh diễn ra trong nhà “cô”.
 
Hoang đường và ma quái

Gian giữa của căn phòng kê một bàn thờ, hai bên tường treo hai bức họa là hình hai người con trai còn rất trẻ, đầu đội mũ cánh chuồn.

Một ông già giải thích: Một hình là con của một vị “quan” (không nhớ tên) chết trẻ, rất linh thiêng; hình còn lại là hình “cậu” Cò, con “cô” Phú cũng chết trẻ và cũng rất linh thiêng. Sở dĩ Cò được tôn vinh là “cậu” vì Cò nhập vào “cô” Phú (là mẹ Cò) để chữa bệnh cho bá tánh!?

“Cô” Phú cởi chiếc áo khoác màu đỏ, đưa cho một đệ tử đỡ lấy đem đi nơi khác. “Cô” không vào vấn đề chữa bệnh ngay mà nói lan man sang các chuyện trời, trăng, mây gió, chẳng hạn: “Thời tiết năm nay rét nhỉ, mọi năm đâu có rét như năm nay; năm nay buôn bán khó khăn, giá các mặt hàng đều tăng; hôm nay đúng ra “Cò” đã nghỉ Tết rồi nhưng thương người bệnh, lại có cả người từ miền Nam ra nên “Cò” cố gắng thôi, thực ra “Cò” cũng “mệt” lắm rồi...”. Sau khi “tự bạch” một hồi, cuối cùng “cô” kết luận: “Thôi ta bắt đầu nhé”.


Trăm người, trăm bệnh, chữa... một kiểu?

Ba phụ nữ ngồi ghế băng đối diện lần lượt được “Phú - Cò” nhập vong và “trao đổi” những điều gì mà chỉ có “Phú - Cò” và người đối diện biết. Có lúc cao hứng, “Phú - Cò” gắt lên: “Người ta tốt, người ta cho tiền thì nhận đi, nghèo còn... sĩ...”. Lần lượt 5 phụ nữ được “Phú - Cò” phán xong, có người vui ra mặt nhưng có người thì tỏ rõ sự lo lắng, buồn phiền. Cứ “soi” xong một người, “cô” Phú lại chắp hai bàn tay vào nhau rồi vuốt lên mặt mình, rồi sau đó “soi” tiếp cho người khác. Động tác ma quái này cứ thế diễn ra cho đến lúc “cô” Phú tỏ ra thấm mệt và tuyên bố: “Thôi không “soi” nữa, chữa bệnh nhé!”.

Hai trong số các hoạt cảnh...

“Cô” vừa dứt lời, tức thì khoảng hơn 30 bệnh nhân cả nam lẫn nữ được đội ngũ người giúp việc của “Phú - Cò” hô tập hợp thành hai hàng ngang. Sau đó, việc đầu tiên là các bệnh nhân chạy đều, khoảng 1 phút sau thì đứng lại, rồi họ lại hô: “Bên trái... quay!”, người sau vỗ vào lưng người trước và ngược lại, cuối cùng là hít, thở nhẹ. Phần tiếp theo là hàng đằng sau ngồi xếp bằng, vẫn mặc nguyên quần áo; hàng đằng trước ngồi xuống nhưng phải cởi hết quần áo dài, chỉ còn quần lót và áo ngực. May thay trong phòng được đặt 3 chiếc quạt nhiệt phả hơi nóng, nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra với các bệnh nhân trong tiết trời rét buốt này?

“Truyền năng lượng siêu cao” của “Phú - Cò”.

Màn “khởi động chữa bệnh” đã xong, công việc “chữa bệnh” chính thức được bắt đầu. Các bệnh nhân hàng trên ngồi tư thế quỳ, để hai tay lên gối, trước mặt trải một chiếc khăn tắm (mua tại cơ sở của “Phú - Cò” giá trên 20.000 đồng/chiếc). Tất thảy bệnh nhân đều nằm ngửa xuôi tay, người giúp việc của “Phú - Cò” xách một ấm nhôm đựng đầy nước rồi yêu cầu mọi người há miệng ra, rót vào miệng mỗi người một ly nước nhỏ. Lạ một điều là không ai biết đó là nước gì, nhưng ai nấy cũng đều... nuốt chửng.

Tiếp đến, “Phú - Cò” mới “ra chiêu”. “Cô” Phú dùng một cái ống thổi to bằng cây bút máy lần lượt banh hai mắt từng bệnh nhân ra rồi phùng mang trợn má, thổi phù phù vào mắt họ, mỗi mắt một phát. Hết lượt, “Phú - Cò” lại yêu cầu mọi người nằm úp, rồi nằm ngửa, nằm nghiêng...

Chưa hết lạ lùng, sau khi “hà hơi thổi mắt”, “Phú - Cò” dùng mũi bàn chân, gót chân giậm lên ngực, lên bụng, lên đùi các bệnh nhân. Như để “truyền năng lượng siêu cao” một cách triệt để, “Phú - Cò” còn yêu cầu mọi người nằm úp mặt xuống đất, chổng mông lên trời rồi leo lên lưng họ để giẫm, đạp khắp vùng, thậm chí đặt bàn chân lên trán, đứng lên đỉnh đầu người bệnh!

Quá trình quan sát “Phú - Cò” “chữa bệnh”, phóng viên còn thấy người đàn bà này dùng mũi bàn chân luồn vào quần lót, vào áo ngực của người bệnh để... truyền năng lượng, dùng bàn tay xoa vào nhau cho nóng rồi áp chặt vào các vùng mà “Phú - Cò” nghi có bệnh...

Khi “Phú - Cò” đạp lên lưng, lên sườn, lên đùi non và lên các bộ phận khác trên cơ thể, hầu hết các bệnh nhân có đau hay có nhột cũng phải ráng nằm im thin thít như cá ngất trên thớt chứ không dám hé miệng kêu rên. Trong tâm thức của những người tin vào “Phú - Cò”, các động tác kỳ dị do “thần y kiêm nhà ngoại cảm” thực hiện lên cơ thể họ không có mục đích nào khác là “truyền năng lượng” làm tiêu tan bệnh tật.

“Cơ sở chữa bệnh” sặc mùi vụ lợi

Trong khi vừa “vận công” vừa “truyền năng lượng”, “Phú - Cò” không quên lia lại chỉ tay và bai bải miệng giới thiệu: “Đây là một thanh niên đã mất ngủ mấy năm, “Cò” mới chữa hai lần, nay mỗi đêm đã ngủ được 1 tiếng”, “đây là bệnh nhân liệt toàn thân, chữa khắp nơi không khỏi, qua “Cò” chữa, nay đã tập đi, đá bóng được”, “đây bệnh nhân ung thư...”, “đây bệnh nhân viêm gan từ cõi chết trở về nhưng “Cò” đã chữa khỏi 50%...”, “đề nghị các bác cho một tràng pháo tay...”.

Khi thấy bệnh nhân có vết mổ ở bụng, “Phú - Cò” liền phán: “Bác bị mổ ruột thừa”. Thấy vết mổ ở lưng, phán: “Bác bị thoát vị đĩa đệm” hoặc “bác bị viêm phế quản tắc nghẽn”..., “chỉ vài hôm là bác thấy khỏi ngay”...

Khôi hài nhất là khi “cô” Phú đang “truyền năng lượng” cho một bệnh nhân thì bất ngờ một người giúp việc la to: “Đây, nói chuyện với “Cò” này!”. Sau đó, một chiếc điện thoại di động được chuyền sang tay bà Phú để bà ta nói chuyện với người từ đầu dây bên kia rất vô tư, lúc này nhìn chẳng giống “Cò” tý nào.
Một lát sau, một nam giới trạc 40 tuổi nhảy thẳng vào chỗ “Phú - Cò” đang hành nghề để trao đổi về vấn đề... mật ong rừng.

“Phú - Cò” hỏi: “Mật lần này có đúng mật ong rừng không? Giá một lít bao nhiêu?”. Sau khi thống nhất giá cả, “Phú - Cò” hất hàm nói với một nữ bệnh nhân “mối”: “Chị ứng cho “Cò” mượn 3 triệu rưỡi trả cho anh này, rồi “Cò” trả lại chị sau”. “Mật ong rừng rất tốt, bác nào có nhu cầu thì liên hệ với chị đấy nhé” - “Cò” nói tiếp.

Tiếp đến, “Phú - Cò” còn hỏi thăm về một số giá cả mặt hàng ngoài thị trường. Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên quá mà không dám cười. Khi tôi giơ chiếc điện thoại di động lên kiếm “pô” hình thì bị một người giúp việc của “Phú - Cò” ngăn cản (!?)

Cuối cùng, “Phú - Cò” hồ hởi: “Các bác thấy không? Có bác sỹ nào một ngày khám chữa cho hàng nghìn bệnh nhân như “Cò” không? Mới hơn một tiếng đồng hồ mà “Cò” đã “súc miệng” gần năm chục bệnh nhân, không cần tiêm, không cần thuốc uống mà bệnh vẫn khỏi, hỏi có lạ không? Xin các bác tràng pháo tay! Nhân đây, chúng tôi xin biếu các bác mấy đĩa CD ghi lại việc cứu nhân độ thế của “Cò”. Ồ, rất tiếc, chỉ còn có mỗi một đĩa, cháu xin tặng các bác ở miền Nam ra, thôi chia tay và chúc các bác năm mới may mắn”.

Khi phóng viên đã bước ra cửa, “Phú - Cò” còn gọi với theo: “Bác miền Nam ơi, xin được bắt tay tạm biệt bác...”.

Rời cơ sở “truyền năng lượng để chữa bệnh” của “Phú - Cò”, chúng tôi nhận thấy rõ ràng đây là một điểm chữa bệnh không có cơ sở khoa học và rất ma quái, hoang đường, âm, dương lẫn lộn... Được biết, cơ sở chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đấy khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Có hay không sự bao che, dung túng, “giơ tay đánh khẽ” của chính quyền chức năng thị xã Sông Công cũng như các ban ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên?

Gần chục năm nay, tổ 9 phường Mỏ Chè (thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) trở thành điểm đến của hàng nghìn người bệnh từ các tỉnh vì đây là nơi cư ngụ và “hành nghề” của một “thần y làng” mang tên Phạm Thị Phú. Theo đồn đại, bà Phú còn được gọi là “siêu nhân Phú”, “cô” Phú, “cậu” Phú và người đàn bà này có “biệt tài” chữa bách bệnh bằng cách hấp thu “năng lượng” từ hồn ma của con trai bà Phú tên là Cò, sau đó truyền “năng lượng” này sang người bệnh giúp họ bệnh tật tiêu tan. “Cơ sở chữa bệnh” này dù hoạt động một cách ma quái, mê tín dị đoan nhưng qua thời gian, nó vẫn ngang nhiên tồn tại như thể thị xã Sông Công và tỉnh Thái Nguyên không có chính quyền đoàn thể, không có ban ngành chức năng.

Tuấn Sơn - PLVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]