Thiếu nữ có tâm hồn của đứa trẻ

(TT&VH) - Lần đó, cũng lâu lắm rồi, khi còn học trường chuyên ở thị xã, không nhớ rõ là dịp 1/6 hay Rằm Trung thu, chỉ nhớ đó là dịp được nghỉ học, lớp tôi, chủ yếu là đám học sinh nội trú, rủ nhau về nhà Hòa chơi.

0


Minh họa: Lê Trí Dũng

1. Sở dĩ tôi nhớ đó là dịp 1/6 hay Rằm Trung thu, vì tối hôm trước khi đi dạo quanh thị xã, Hòa hỏi tôi là muốn tìm một quầy lưu niệm nào mở khuya để kịp mua quà mang về nhà. Quà cho trẻ con, tôi hiểu ra ngay, vì ở trọ với Hòa hơn 2 năm, tôi thấy lần nào về thăm nhà, Hòa cũng sắm quà cho con nít, toàn những thứ xanh, đỏ lòe loẹt, nên tôi đoán là mua cho bé gái. Tôi cũng chỉ đoán vậy thôi, chứ không dám hỏi, mà Hòa cũng không kể, lại có vẻ giấu diếm...

Thực ra tôi hoàn toàn không nhớ đến món quà mà Hòa mua về hôm đó cho đến khi sau bữa cơm, em gái Hòa, một thiếu nữ chừng 15, 16 tuổi từ dưới nhà ngang chạy lên, léo nhéo đòi quà. Vì lúc ăn cơm, cô bé cứ e thẹn, cúi mặt, ăn một mạch rồi đứng dậy, chẳng nói câu nào, nên tôi không để ý lắm, đến lúc nghe cái giọng kim the thé như trẻ con, tôi mới giật mình quay lại nhìn. Em gái Hòa, giống y hệt nó, trắng như trứng gà bóc, mái tóc dài, miệng cười thơ ngây như trẻ con. Nhưng chỉ một thoáng thôi, khuôn mặt ấy, cái giọng ấy, tôi nhận ngay ra cái vẻ dài dại. Rồi khi thấy cô bé dẫm chân bành bạch, lục tung túi quần áo của anh để tìm quà, và nhất là khi cô rú lên vì vui sướng, ôm lấy nựng nịu món quà là một con búp bê quấn vải xanh xanh đỏ đỏ lòe loẹt thì tất cả chúng tôi đều đã hiểu ra sự tình: Cô gái có vấn đề về thần kinh.

Chờ cho cô bé chạy xuống nhà, mẹ Hòa mới buồn buồn bảo, con bé này, lẽ ra cũng được như người ta, nhưng vì khi mang thai, cô bị bệnh thủy đậu, nên nó hơi chậm phát triển trí não. Nhưng nó ngoan lắm, quý anh lắm...

Rồi mẹ Hòa bắt đầu kể lể dài dòng. Tôi liếc sang Hòa, thấy nó không hẳn là tỏ ý ngượng ngùng, cũng không hẳn là khó chịu, nó dọn dẹp mâm cơm rồi lảng ra ngoài... Mẹ Hòa nói rằng, Hòa yêu em gái lắm, cái gì cũng nhường cho em. Em đến tuổi thiếu nữ rồi mà vẫn như đứa bé 5, 6 tuổi, chơi toàn những đồ chơi của trẻ mẫu giáo, lại thích diêm dúa. Vì bên trong nó vẫn là đứa trẻ mà... Hòa càng thương em, càng chăm sóc em nhiều hơn, đi đâu thấy thứ gì hợp với em là lùng mua bằng được, lại tết cả những thứ đồ chơi bằng hoa lá, tre nứa theo sở thích của em.

Trong đám bạn hôm đó, có tôi với cái Mai lớp trưởng là xúc động nhất, có lẽ vì chúng tôi khá thân với Hòa. Và cái Mai cũng thích Hòa nữa. Khi đi xuống nhà ngang và ra ngoài vườn nhà Hòa thăm thú, cả tôi và cái Mai đều nhìn thấy những con búp bê bằng nhựa, quấn giẻ rách, thậm chí cả thằng bù nhìn rơm, hay những thứ chổi cùn, rế rách khác được treo khắp nơi. Ngồi ở quán nước đầu ngõ, tôi giả vờ hỏi thăm về cô bé em gái Hòa, ai cũng bảo, con bé ấy bị rồ. “Thủy đậu đâu mà thủy đậu, nhà ấy từ đời xưa đến giờ, đời nào cũng có vài người “chập cheng”, chẳng phải bị ảnh hưởng gì đâu, nó là cái gen đấy. Khổ!”. 

Tôi áy náy với Hòa một thời gian, rồi chúng tôi bị cuốn vào mùa thi, đến khi cái Mai lớp trưởng, nhờ tôi gửi “món quà cho em gái Hòa” tôi mới sực nhớ ra rằng, nhiều tuần gần đây, Hòa về quê mà không hề mua quà như mọi khi. Nó cũng có vẻ lặng lẽ hơn, ít về hơn. Khi tôi đem món quà của Mai đưa cho Hòa, nó sửng sốt, rồi cau mày tỏ ý rất khó chịu. Nó vẫn nhận, nhưng lúc về phòng tôi thấy nó vứt ra một góc giường. Nó không hề mang món quà đó về nhà. Mấy ngày sau tôi thấy ngoài thùng rác. Tôi cũng không kể với Mai. 

2. Mãi gần đây, tôi mới có dịp tạt qua nhà Hòa, tôi không mua món quà gì cả, tôi chỉ muốn gặp lại người thiếu nữ có tâm hồn một đứa trẻ, mà chắc lúc này đã thành cô gái 25, 26 tuổi rồi. Tôi vẫn thấy những món đồ chơi “trẻ con” treo khắp nhà, có vẻ còn luộm thuộm, rách nát hơn. Không thấy em gái Hòa đâu, tôi cũng lịch sự không hỏi thăm, chỉ có mẹ Hòa tiếp tôi. Bà bảo Hòa đi suốt, ít khi về nhà, mà nó cũng không có điều kiện chăm sóc em nó như thuở trước nữa. Mà em nó thì vẫn thế, lúc nào cũng nhõng nhẽo đòi quà. “Gia đình không được như mọi người, nó lớn rồi, nó chán là phải” - như đọc được những suy nghĩ của tôi, bà buồn buồn nói khi tiễn tôi ra cổng.

Lại một cái Tết Thiếu nhi sắp tới. Tôi bỗng có suy nghĩ là không phải Hòa, mà chính tôi, cùng Mai và tất cả những đứa nội trú lớp tôi năm ấy đã nợ em gái Hòa rất nhiều món quà. Chính chúng tôi đã tước đoạt mất những món quà mà lẽ ra em sẽ được nhận suốt đời từ người anh trai vốn rất thương em...

Thiếu Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]