Thời trang khăn quàng lụa - Độc đáo và phong cách

15.5995
Có lẽ nên nói rằng khăn lụa “phong cách” hơn là “thời trang”, tuy đẹp và thanh lịch thật, nhưng khó có thể gọi là trẻ trung thời đại.

Comme des Garcons giới thiệu một cách dùng khăn lụa khá độc đáo trong bộ sưu tập Thu Đông vừa qua. Người Nhật thu mua khăn vintage tại các cửa hàng đồ cũ, giặt là cẩn thận, rồi dùng may áo sơmi nam, làm lớp lót áo vest, hoặc xếp ly, xé vải, buộc nút tạo dáng cho các loại váy áo dành cho phái đẹp.



Khăn J’aime Mon Carré của Hermès

Vì là đồ vintage nên nhiều chiếc khăn đã hơi bạc màu, vải có vẻ mỏng đi, thậm chí có chỗ còn rách nhẹ là khác. Lụa 100% “kề vai” cùng vải pha ni lông, hàng hiệu lẫn với sản phẩm của các hãng không tên tuổi.

Cũ mới lẫn lộn, mẫu mã pha trộn một cách tùy ý. Nhà thiết kế dường như muốn nói rằng chất liệu hay chất lượng chưa phải là điều quan trọng nhất, trên tất cả là ý tưởng thú vị và sự hưởng thụ thời trang. Vì may bằng đồ “nhặt nhạnh,” không có chiếc áo nào giống nhau trong bộ sưu tập thời trang may sẵn (mà theo định nghĩa thì các sản phẩm sẽ lặp đi lặp lại).

Nếu bạn có thời gian đi lùng các cửa hàng vintage tại khu Marais, Montmartre, hoặc đi chợ trời đồ cũ ở Paris, tôi đoán chắc rằng bạn khó có thể bỏ qua những chiếc khăn lụa được bày bán tại đây.

Thực ra gọi là bày thì hơi quá, nhưng các loại khăn được phân loại khá kỹ càng theo mức độ cũ mới, đắt rẻ, chất đống trong hộp bìa carton, hoặc treo móc trên giá, giá chợ từ 2 euro trở lên, giá cửa hàng đắt nhất khoảng 10 euro.

Tôi thường nhìn viền khăn mà đoán chất lượng. Nếu trông có vẻ như được khâu tay thì chắc là chất liệu làm khăn và in ấn cũng sẽ chuẩn hơn. Tuy các mô típ ngựa, xe ngựa, khóa yên cương không phải là hiếm, nhưng có lẽ phải là người lạc quan lắm mới có thể nuôi hy vọng tìm thấy khăn lụa Hermès nổi tiếng tại đây.

Một năm một lần, người Paris có thể mua đồ Hermès vintage trong cuộc bán đấu giá đặc biệt do ban vintage của chính thương hiệu Pháp nổi tiếng này tổ chức.

Khoảng một tuần trước ngày đem ra “gõ búa,” tất cả các đồ dùng đều được giám định, đánh số, định giá, vào catalogue, trưng bày cho đông đảo công chúng ai muốn vào xem đều được.

Các nhân viên phòng trưng bày cũng sẵn sàng cho các khách hàng tương lai xem kỹ mặt trong, mặt ngoài của túi xách hoặc cung cấp thêm các thông tin cần thiết.

Tháng 11 vừa qua, một cuộc trưng bày bán đấu giá vừa được tổ chức tại Hôtel Marcel Dassault trên Champs Elysees. Phần lớn khăn lụa được chào bán với giá trên dưới 100 euro.

Tuy vậy, nhiều chiếc khăn tìm được người chủ mới chịu bỏ ra 400-500 euro, tức là cao hơn nhiều giá bán khăn mới hiện nay. Đắt nhất (1.530 euro) là chiếc khăn lụa in hình chim rẻ quạt không viền, mang tên “HUPPES”, do Xavier De Poret thiết kế năm 1950.

Có lẽ ai cũng biết rằng Hermès là đỉnh cao của khăn lụa và nhờ có các sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo của thương hiệu từ năm 1937 mà khăn lụa trở thành một trong những biểu hiện của thời trang thanh lịch.

Bắt đầu từ thập kỷ 1990, cứ hai lần trong năm, thương hiệu Pháp lại cho ra đời một bộ sưu tập khăn lụa mới thiết kế theo chủ đề hàng năm, cùng với một số thiết kế cũ được tái bản và các mẫu “limited edition”.

 Nổi tiếng nhất và bán được nhiều nhất có lẽ là mẫu khăn Brides de Gala do Hugo Grygkar thiết kế năm 1957 và sau đó liên tục được tái bản hàng năm với các màu mới. Công đoạn sản xuất khăn của Hermès có thể ví với quá trình “số hóa” hình ảnh.

Đầu tiên, các bản vẽ thiết kế được phân tích kỹ lưỡng để có thể chia nhỏ ra thành những mảnh màu riêng biệt. Các mảng tranh có cùng một màu được sao chép, tập hợp để lập nên một khuôn in. Tranh có bao nhiêu màu thì có từng đấy khuôn và công đoạn in theo kỹ thuật in sito cũng được thực hiện với số lần tương ứng.

Các nghệ nhân Hermès in tranh trên lụa trên một chiếc bàn dài khoảng 100m (tương đương với gần 100 chiếc khăn cỡ 90x90cm), đầu tiên với khuôn có tông màu nhạt nhất và mảng màu nhỏ nhất, kết thúc bằng khuôn với tông màu đậm nhất và lớn nhất.

Theo wikipedia, mẫu khăn Charity năm 2006 có 43 màu - nhiều nhất từ trước tới lúc bấy giờ (và vì thế mà phải thực hiện qua nhiều công đoạn nhất). Tấm lụa dài hơn 100m khi in xong được giặt, là phẳng, cắt thành khăn, kiểm tra kỹ lưỡng (sản phẩm lỗi được đốt ngay), rồi viền bằng tay.
 
 Có lẽ nên nói rằng khăn lụa “phong cách” hơn là “thời trang”, tuy đẹp và thanh lịch thật, nhưng khó có thể gọi là trẻ trung thời đại. Vì thế mà bạn ít gặp các cô gái trẻ sành điệu mà nhìn thấy các bà mẹ của họ quấn khăn lụa quanh cổ nhiều hơn.

Một trong những sự tái sinh thành công ít ỏi của khăn lụa trong thời trang thuộc về thương hiệu Ý Gucci với mô típ flora, một thời được chọn in khăn làm quà tặng riêng cho Grace Kelly.

Frida Giannini in mô típ này trên váy, áo lụa, túi xách, đặt tên cho dòng nước hoa mới và lăng xê flora trở thành hình ảnh nổi tiếng tượng trưng cho thương hiệu.

Hermès bắt đầu chiến dịch lăng xê khăn lụa trong giới trẻ cùng Colette với sự kiện “J’aime mon Carré” vào năm ngoái, dựng trang web thời trang đường phố với khăn lụa là nhân vật chính.

Cửa hàng thời trang nổi tiếng nhất tại Paris dành riêng cho thương hiệu một gian hàng nhỏ bày bán mẫu khăn Brides de Gala được “pop hóa” với mô típ chấm bi.

Dự án tiếp tục năm nay với Paris Mon Ami - một cuộc du ngoạn đến gần 40 thành phố lớn trên thế giới, từ châu Á, châu Úc, đến châu Mỹ Latinh. Người Pháp hình như không màng tới việc ca tụng sản phẩm của họ hoàn hảo và đáng giá như thế nào, vui là chính!



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]