Thư pháp - Nghệ thuật cho và nhận

Khi cành khô uốn mình nảy lộc, vươn xa đón những làn mưa bụi phảng phất cũng là lúc người đi trên phố muốn về với gia đình, là lúc người xa xứ muốn tìm lại hơi ấm bếp lửa nơi quê nhà, cũng là thời điểm “Phố chữ” rục rịch bàn ghế, nghiên mực, giấy bút.

15.6042

Khi cành khô uốn mình nảy lộc, vươn xa đón những làn mưa bụi phảng phất cũng là lúc người đi trên phố muốn về với gia đình, là lúc người xa xứ muốn tìm lại hơi ấm bếp lửa nơi quê nhà, cũng là thời điểm “Phố chữ” rục rịch bàn ghế, nghiên mực, giấy bút. Có lẽ chỉ Hà Nội mới có nhiều “đặc sản” mà người ta muốn thưởng thức và trải nghiệm, đặc biệt là thú vui cho chữ mỗi dịp xuân về.

“Phố chữ”

Nhắc đến thư pháp, người ta sẽ nghĩ ngay đến thú chơi tao nhã của những người sành chữ và đam mê nghệ thuật. Nhưng thật ra, hiện nay, sức lan tỏa của thư pháp cực kỳ rộng lớn. Thư pháp giống như cây cầu nối giữa các thế hệ, không kén lứa tuổi, ai cũng yêu thư pháp. Người hiểu chữ Hán thì tâm đắc với câu chữ, trẻ nhỏ chưa biết chữ Hán cũng thích thú những nét mực bay bổng đầy nghệ thuật. Để thư pháp đến gần hơn với cuộc sống, hoạt động của “Phố chữ” đã góp sức đáng kể. Vài năm trở lại đây, các ông đồ tập trung nhiều tại khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám dịp đầu năm mới trở thành một nét văn hóa đẹp.
 Xin chữ ngày xuân.
Đúng 7 giờ ngày mùng 1 Tết, bất kể trời hửng nắng hay mưa phùn, “Phố chữ” vẫn hoạt động nhộn nhịp, khách đến thăm vô cùng háo hức. “Phố chữ” được phủ kín bởi màu đỏ của những câu đối được sắp xếp ngay ngắn trên bờ tường của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bên những nghiên, những bút, câu chuyện chữ, chuyện nghĩa giữa người viết, người nhận diễn ra sôi nổi. Không chỉ những ông đồ già tóc bạc cau mày tập trung cho chữ, mà điều đặc biệt thú vị là những “ông đồ trẻ” cũng say sưa phóng bút, có phần “lấn át” ông đồ già. Hỏi ra mới biết, họ vốn làm đủ thứ ngành nghề. Chủ quán kinh doanh có, bán ôtô có, làm công tác văn hóa có, thậm chí cả những sinh viên học chuyên ngành Hán Nôm cũng ra đây viết chữ... Điểm chung của họ là yêu mến vốn văn hóa dân tộc, mong muốn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được nối dài.

Cái hay của thư pháp không chỉ thể hiện ở những nét chữ mà nghệ thuật lại chính là chất liệu truyền thống được các ông đồ nâng niu gìn giữ như một thứ bảo bối. Chất liệu để viết chữ cũng đa dạng: lụa, giấy dó… phục vụ nhu cầu khác nhau của khách hàng. Nghệ thuật thư pháp ngày nay không còn chỉ đóng khung trong “mực Tàu, giấy đỏ” mà đã mở ra những gỗ, đá, trúc, tre, lụa, gấm. Rồi không phải cứ áo the, khăn xếp, râu tóc bạc phơ mới là ông đồ. Quá nửa “ông đồ” ngày nay là sinh viên khoa Hán – Nôm hay các trường nghệ thuật. Cũng vì thế mà nhiều người ví rằng, “Phố chữ” đang trên đường trở thành một di sản văn hóa của người Hà thành.

Cả một con phố dài chưa đầy 1km, những “ông đồ già”, “ông đồ trẻ” mải miết với những trang phục xưa, áo the khăn xếp đưa những đường bút thăng hoa với lời chúc: “phúc”, “lộc”, “thọ”, “an”… Người xin chữ ngày nay cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”; nam thanh, nữ tú xin chữ “Yêu”, chữ “Hiếu”, chữ “Trung”; người có lòng trắc ẩn, hiếu lễ xin chữ “Cha”, chữ “Mẹ”… Người đi thi xin chữ “Đăng khoa”. Người ít tuổi xin chữ “Trí tuệ, Chí hướng”. Những em nhỏ sẽ được cho chữ “Minh”. Mừng bố mẹ sẽ là chữ “An khang”, chữ “Hiếu”. Mừng các cụ không thể thiếu chữ “Thọ”. Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm tâm tư thầm kín, một trạng thái tinh thần hoặc một ý niệm tự răn mình. Bên cạnh những nét thư pháp tiếng Việt, để đáp ứng nhu cầu của các du khách ngoại quốc, một số “ông đồ” còn sáng tạo ra những nét thư pháp bằng tiếng nước ngoài.

Cho và nhận - Nét đẹp nghệ thuật

Mỗi dịp xuân về, cho dù cả năm qua “bội thu” hay “hao hụt” thì lòng người vẫn vui phơi phới, họ gặp gỡ nhau mà muốn được sẻ chia những niềm vui, những món quà ý nghĩa. Khi mà con người mệt mỏi và ái ngại với những thứ quà tặng vật chất thì việc “biếu chữ” lại trở nên vô cùng đặc biệt. Không những thế, mừng tuổi bằng chữ sẽ thay cho lời chúc tốt đẹp nhất đối với người già, trẻ nhỏ.
 Nghệ thuật thư pháp là một nét văn hóa Việt.
Nếu có ai còn băn khoăn rằng những hoạt động trên “Phố chữ” có phải đơn thuần là một nét văn hóa hay còn đặt nặng vấn đề thương mại thì xin thưa: Không phải như vậy! Chữ cho đắt hay không là do bạn muốn chọn loại giấy nào. Với mỗi chất liệu giấy có mức giá ả khác nhau. Giấy bình thường thì chỉ khoảng 100 ngàn còn với những loại giấy đẹp thì có thể bạn phải trả mức giá từ 150 ngàn cho đến 200 ngàn đồng cho một tờ giấy. Còn chữ thì không tính tiền. Đã nói cho chữ mà còn lấy tiền sao được. Giá cả này không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức nào và đôi khi còn tùy tâm người xin chữ. Người cho chữ đều có cảm nhận chung: Cho chữ cầu bình an cho mọi người mới là điều hạnh phúc nhất.

Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thành đức mới sáng: Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may. Hiểu được như vậy, người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi... Có được như vậy thì việc cho và nhận chữ mới thực sự ý nghĩa, mới được gọi là nghệ thuật!

Diên Vĩ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]