Thực phẩm sạch - Cứ gắn mác... là sạch?!

SKĐS - Nhằm đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho bữa ăn, các bà nội trợ đang ráo riết tìm mua nguồn thực phẩm “sạch” nhưng không phải ai cũng biết phân biệt và có nguồn sản phẩm “quý hiếm” này.

15.6019

Nhằm đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho bữa ăn, các bà nội trợ đang ráo riết tìm mua nguồn thực phẩm “sạch” nhưng không phải ai cũng biết phân biệt và có nguồn sản phẩm “quý hiếm” này.

Các cửa hàng kinh doanh cũng đua nhau gắn mác sạch vào sản phẩm để chiều lòng khách. Từ gạo, rau, thịt, trứng,... đều gắn vào chữ sạch; thậm chí cà phê, sữa, nước mía vỉa hè cũng phải có từ “sạch”, thậm chí “siêu sạch” đi kèm để câu khách hàng và lợi dụng tâm lý khách hàng. Đương nhiên, chỉ cần được gắn mác “sạch” là mặt hàng đó có giá cao hơn 30-40%, thậm chí gấp đôi, gấp ba, so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu, các cửa hàng thực phẩm sạch ồ ạt mở ra bán hàng theo phương thức cả “online” (trên mạng) lẫn “offline” (cửa hàng). Đáng chú ý, nhiều cá nhân cũng tự đứng ra thu mua thực phẩm, nông sản từ các vùng lân cận Thủ đô để về bán cho anh em, bạn bè, cửa hàng. Điểm chung của những cửa hàng này là gắn theo mác “sạch”, do đó giá cũng cao hơn hẳn bình thường. Trước mắt, họ gây dựng dựa vào niềm tin của các mối quan hệ hiện có chứ chẳng có bất cứ gì để chứng minh cho nguồn gốc sản phẩm là sạch cả.

Do nhiều cá nhân nhập hàng tự phát, các cửa hàng “sạch” lại đang thiếu sự quản lý, giám sát... điều này làm nảy sinh một số hệ lụy. Theo nhận xét của các chuyên gia nông nghiệp, thực phẩm, mô hình trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình còn phổ biến, chúng ta chưa phát triển và mở rộng được mô hình trang trại rộng lớn có khả năng cung cấp nguồn hàng hóa ổn định nên chưa xây dựng được một hệ thống sản xuất và tiêu dùng thực phẩm mang tính khoa học, hiện đại.

Cung ít, cầu nhiều, nên việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay doanh nghiệp tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra.

Thêm nữa, ngay cả các tiêu chuẩn thế nào là sạch cũng có nhiều loại, như Vietgap, Globalgap hay Organic... Đây là các tiêu chuẩn cho rau sạch khác nhau và chất lượng cũng theo đó mà khác nhau. Nhưng người tiêu dùng không hề phân biệt được các tiêu chuẩn này, họ chỉ biết mỗi chữ “sạch” cộng với niềm tin vào nhà cung cấp. Có một điều ít người biết là những nông sản sạch, như rau củ quả, hay cả thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, gà, ngan, vịt... thường có hình thức “xấu” hơn so với sản phẩm sử dụng “công nghệ” hóa học, thời gian bảo quản cũng thấp hơn và khắt khe hơn.

Và trong cơn “khát” thực phẩm sạch, lo sợ bệnh tật từ việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng đã tìm đến các quảng cáo của các nhà cung cấp này như một lẽ đương nhiên. Nhưng người tiêu dùng có tận mắt chứng kiến những nơi này sản xuất, sơ chế rau, thực phẩm đâu mà lại tin họ khẳng định là “sạch”. Đặc biệt, những nơi đó có được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, thực phẩm an toàn hay không? Trong quá trình sản xuất, chế biến có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hay không? Hàng loạt câu hỏi đang bỏ ngỏ, nhưng người tiêu dùng vẫn mua dựa trên niềm tin với người bán.

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần đưa ra những tiêu chí chung và có biện pháp “gắn mác” lại cho chính những nhà cung cấp nhỏ lẻ. Để chữ “sạch” được đảm bảo một cách sạch sẽ.    

   Bình An

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]