Thương cho mẹ dại nhồi con thành béo phì

15.5999

(Đời sống) - Mỗi khi thấy con không ăn nổi bát cháo là chị lại xót xa than vãn và tìm đủ mọi cách để cho bé ăn. Sau nhiều năm nhồi nhét, cuối cùng con gái chị cũng cán đích cối xay.



Hầu hết, các giờ nghỉ trưa ở cơ quan có những bà mẹ đang nuôi con nhỏ người ta đều kháo nhau về chuyện cân nặng của con mình và cách chăm sóc con như thế nào để con mình luôn trở thành siêu nhân. Có không ít bà mẹ thấy con đã nặng còn muốn nặng hơn mà không biết cân nặng thế nào là đủ.

Báo VNE loan tin về tình trạng béo phìtrẻ nhỏ đang gia tăng. Theo khảo sát của các chuyên gia dinh dưỡng ở 2 trường mầm non TP.HCM cho thấy có đến 47% học sinh nội thành và 20% bé ngoại thành bị thừa cân béo phì. So 10 năm trước, tỷ lệ này tăng 11 lần.

Theo các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có 198 học sinh thuộc hai trường mầm non, một ở Phú Nhuận (nội thành), một ở Bình Chánh (ngoại thành) làm đối tượng của cuộc nghiên cứu. Kết quả cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì là đáng báo động.

Cụ thể, đối với trường mầm non nội thành, có đến 47% số em bị thừa cân béo phì, trong đó có 20% trường hợp béo phì. Trường mầm non ngoại thành cũng có 22,2% trẻ thừa cân béo phì và lượng trẻ béo phì chiếm phân nửa. Ở cả hai trường, tỷ lệ béo phì trẻ nam cao hơn nữ. Trường nội thành, tình trạng thừa cân béo phì tăng dần từ 3 đến 6 tuổi.

Hầu hết cha mẹ đều muốn con mình nặng cân hơn con người khác nên ép con ăn bằng mọi giá


Đọc thông tin trên người viết cảm thấy run tay xót xa cho sức khỏe của thế hệ trẻ Việt Nam. Biết rằng trẻ nhỏ bị béo phì các em sẽ phải cõng thêm nhiều nguy cơ mang bệnh lý khác như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, sỏi thận... trẻ còn đối diện với nhiều nguy cơ bệnh khác. Gần đây nhất các chuyên gia ở Trung tâm y khoa thuộc ĐH Columbia Mỹ (CUMC) trẻ béo phì có nguy cơ bị điếc 1 bên tai cao gấp 3 lần so với nhóm có trọng lượng bình thường. Nhưng có một điều thật lạ dù biết béo phì là nguy hiểm nhưng tâm lý của các bà mẹ Việt luôn mong muốn con mình cán đích thừa cân so với những trẻ em khác. Nếu ở thời điểm 10 năm trước, việc nhồi nhét cho con ăn chỉ xảy ra ở một vài gia đình thì đến nay 9/10 gia đình cho con ăn kiểu ăn lấy được.

Đọc số liệu trên, người bình thường nhất cũng biết rằng nguyên nhân dẫn đến béo phì của trẻ là do cách chăm sóc của cha mẹ nuôi con theo kiểu "gà công nghiệp". Ví những đứa trẻ như gà công nghiệp bởi thực tế những con gà này vẫn bị ép ăn, dù không ăn chúng cũng cố phải nhặt ăn để nhanh béo. Chuyện trẻ em ép ăn chẳng khác nào gà bị nhồi bánh đúc trước khi lên cân chuyển chủ. Cho con uống nhiều sữa ngoại có khoáng chất A, B, C, D hay choline gì đó cũng chẳng khác gì nhà chăn nuôi thêm choline, vitamin vào thức ăn để gia súc tăng trọng tốt nhất.

Gia đình nào cũng lớn giọng khoe nhà tôi nuôi con khoa học nhưng thực chất các cách nuôi trẻ đều rất thô cứng theo một barem có sẵn khiến trẻ con thời nay cứ nghĩ đến ăn là sợ. Càng sợ chúng càng bị ép ăn.

Hàng xóm của nhà tôi có điều kiện kinh tế rất tốt. Vì thương con lười ăn, chị xin nghỉ không lương để ở nhà làm nhiệm vụ nhồi nhét con. Mỗi lần con chị ăn no quá nôn ra chị lại cố nhét cho con ăn lấy được vì sợ con đói. Mỗi tuần chị đặt con lên cân mà không tăng lạng nào thì vợ chồng chị tìm mọi cách cho con ăn thật nhiều những chất giàu protein. Chị muốn con mình phải mỡ, phải béo hơn, nặng cân hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Không chỉ ăn những thức ăn thông thường, chị không tiếc tiền mua yến sào, vi cá mập, men vi sinh đặt riêng do bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa chế biến có giá hàng chục triệu đồng cho con. Chỉ tội nghiệp đứa trẻ, gần 2 tuổi bé nặng 17 kg nhưng bé vẫn không thể biết đi sõi như những đứa trẻ 12, 13 cân có cùng tháng tuổi. Có lần bạn chị từ Pháp về chơi đã giật mình với kiểu nhồi nhét con của chị vì ở trời Tây người ta chẳng bao giờ ép con ăn.

Có một thực tế đáng buồn ở các bà mẹ Việt là chúng ta không biết con no hay đói. Các bà mẹ chủ yếu cho rằng trẻ ăn nhiều hay ít, no hay đói là do người mẹ cảm nhận mà quên rằng mình phải biết nghe đến cảm giác no -đói của con. Khổ nhất vẫn là trẻ con chúng không được lựa chọn quyền ăn hay không ăn. Ngay cả việc nhỏ nhoi đó chúng cũng bị tước đi mất. Có lẽ, đã đến lúc những bà mẹ nên lắng nghe con nhiều hơn và hãy cho con một khoảng trống trong bụng để con thở.

  • Khánh Lâm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]