Thuyền nhỏ làm sao ra bể lớn

Mờ nhạt về lối chơi, thiếu dấu ấn về kỹ thuật cá nhân, vắng bóng nhân tố mới, hiếm hoi những trận cầu đỉnh cao, vận hội lớn nhất của bóng đá Đông Nam Á lần này diễn ra trong nỗi thất vọng của nhiều người

0
Chỉ còn bốn đại diện tiếp tục ở lại sân chơi Tiger Cup 2004. Indonesia của HLV Peter Withe chuẩn bị chạm trán người láng giềng đầy duyên nợ Malaysia, Myanmar “quyết tử” với đội bóng đảo quốc sư tử Singapore trong hành trình tìm lại quá khứ oai hùng 30-40 năm trước. Dù ngôi quán quân khu vực Đông Nam Á chỉ được xác định vào ngày 15-1-2005, ngày diễn ra trận chung kết lượt về, song từ bây giờ, diện mạo không mấy sáng sủa của một làng bóng vốn được xem là “vùng trũng” trên bản đồ bóng đá thế giới dường như đã phơi bày. Những tráng sĩ ngã ngựa giữa chừng.- Những ai mong ngóng các trận thư hùng hấp dẫn của bóng đá hiện đại, chờ đợi những gương mặt mới từ 20 trận vòng bảng vừa qua hẳn đã thất vọng. Xuyên suốt 9 ngày diễn ra vòng đấu bảng là hầu hết những trận cầu nhạt nhòa, thiếu dấu ấn và không phát được tín hiệu lạc quan nào chuyển tải được những nỗ lực cách tân từ các đội hình. Tầm vóc, thể lực, kỹ thuật cá nhân, lối chơi đồng đội của các đại diện Đông Nam Á qua giải đấu này hãy còn cách biệt quá xa so với các đại biểu bóng đá ở Tây Á, Đông Bắc Á, chưa nói đến các khu vực tiên tiến khác. Đáng buồn hơn là sự đi xuống của những tên tuổi lớn từng giành nhiều vinh quang trên đấu trường khu vực.

. Thất bại: Có đến 7 HLV nước ngoài dẫn dắt các đội xung trận ở Tiger Cup lần này. Khu vực Đông Nam Á vẫn còn trông chờ quá nhiều vào chất xám bóng đá ngoại. Tuy vậy, mức độ thành công của họ cũng khác nhau. Nếu P. Withe suôn sẻ với Indonesia, Avramovic thành công với Singapore, Kolev làm khởi sắc một Myanmar trẻ trung thì Tavares (đội VN), S. Held (đội Thái Lan) lại xính vính với thất bại.

Sự tụt dốc đáng ngạc nhiên trong lối chơi của đội tuyển Thái Lan là một điển hình. Trên sân Bukit Jalil, không còn nhận ra bóng dáng đội 3 lần bước lên bục cao nhất trong 4 kỳ Tiger Cup trước đây và liên tục làm mưa làm gió ở sân chơi SEA Games. Những hậu duệ của Kiatisak, Dusit, Surachai... cũng vụng về lóng ngóng, thiếu hẳn độ vững vàng mà đàn anh họ nhiều năm liền phả vào sân cỏ khu vực. Khi họ rời Kuala Lumpur trở về Bangkok, những cái tên Sarayoot, Piyawat... trôi tuột trong trí nhớ khán giả. Đáng ngạc nhiên ở chỗ chính các tuyển thủ Thái cũng đã lường trước sự xuống cấp của mình. Thất bại của đội VN là nỗi ngạc nhiên thứ hai. Quyết liệt bước vào tiến trình trẻ hóa với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng bằng đợt tập trung lâu dài, tốn kém nhất từ trước đến nay, VN lại phải rời sân chơi trong thế cay đắng, đột ngột sau trận đại bại trước Indonesia. Điều an ủi duy nhất: Dường như đây không phải là thất bại về mặt đẳng cấp, thực lực mà chỉ là một tai nạn bắt nguồn từ những sai sót “chết người” của cơ quan điều hành, dẫn đến những bất thường trong tay nghề của người cầm chịch, sự chuệch choạc về điểm rơi phong độ cầu thủ. Đừng quên rằng, trước đó không lâu, VN đã có màn trình diễn khá ấn tượng tại LG Cup và vòng loại World Cup. Một tiến trình cải tổ toàn diện để bóng đá VN có những bước phát triển vững chắc đang được các cơ quan có trách nhiệm- đứng đầu là Ủy ban TDTT- xúc tiến với sự thúc ép quyết liệt, không buông tha từ phía công chúng. Nếu điều này trở thành hiện thực thì tai họa hôm nay lại là cái phúc cho ngày sau. Tiger Cup 2004 chính là cái mốc khởi đầu một trang mới cách tân của bóng đá VN? Sự sa sút phong độ của các đội bóng lớn trong khu vực còn xuất hiện ở Malaysia và Singapore, dù 2 đội này vào đến bán kết. Malaysia cũng bị khán giả nhà chỉ trích sau những màn trình diễn kém thuyết phục trước Đông Timor, Philippines, Myanmar. Lối chơi của họ vẫn thiếu vắng chất đột biến để tạo nên bất ngờ. Còn Singapore, dù áp dụng triệt để chính sách nhập khẩu tài năng thể thao với việc “Singapore hóa” 2 công dân Nigeria vào đội bóng nước mình, nhưng những gì họ giới thiệu cũng nghèo nàn và mỏng manh không kém. Mục tiêu vào vòng chung kết World Cup 2010 mà họ đặt ra có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Còn đó sự chênh lệch về đẳng cấp.- Trong bức tranh có phần ảm đạm của vòng bảng Tiger Cup 2004, may thay, xuất hiện hai gam màu tươi sáng do hai đội Indonesia và Myanmar cung cấp. Dưới bàn tay nhào nặn của “phù thủy” Peter Withe, Indonesia giới thiệu phần nào lối chơi nhanh, đa dạng, sử dụng tốc độ và sức trẻ của các nhân tố mới Alie Aiboy, B. Salossa, Kesuma... Còn đội hình Myanmar thì nổi bật sự khát khao chiến thắng, ý chí quật cường qua việc kết nối thuần thục hai thế hệ cũ và mới. Gương mặt “búng ra sữa” của chân sút 16 tuổi San Day Thien hẳn sẽ đọng lại dài lâu trong cảm hứng của người hâm mộ khi nhìn về một Myanmar khao khát vươn lên để tìm lại bóng dáng vàng son thuở trước. Một trong những nguyên nhân khiến Tiger Cup 2004 kém hấp dẫn là sự chênh lệch quá lớn về đẳng cấp giữa các đội. Campuchia, Philippines, Lào và thêm cả Đông Timor còn cách Thái Lan, VN, Indonesia... một chặng dài về trình độ, thực lực. Làm sao có thể vui được khi vẫn còn đó không ít những trận đấu kết thúc với tỉ số 9-0, 9-1, 8-0? Cũng đừng hy vọng tìm thấy trong những trận đấu diễn ra trong thế một chiều ấy tín hiệu lạc quan nào về sự cách tân trong kỹ thuật, lối chơi.

Các nhà điều hành bóng đá Đông Nam Á từng nhắm tới mục tiêu đưa con tàu bóng đá khu vực vượt khỏi chiếc ao nhà nhỏ bé, hướng ra bể lớn của bóng đá châu lục, tiếp cận dần với các đại dương mênh mông khác của bóng đá thế giới. Họ hẳn không vui nếu dùng sân chơi Tiger Cup lần này làm thước đo kiểm định. Chiếc thuyền bóng đá khu vực vẫn còn nhỏ bé, chưa đủ sức vóc đương cự với sóng gió bể khơi. Những chuyến ra khơi giàu khát vọng vẫn còn ở phía trước, rất xa...

Tường Phước - An Mỹ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]