Trải nghiệm cảm xúc với Bên trong - Bên ngoài

(TT&VH Online) - 45 phút trình diễn sắp đặt Bên trong - Bên ngoài với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh và hình thể, ba nhạc công (Nguyễn Thanh Thủy, Stefan Ostersjo và The Six Tones) đã mang đến cho khán giả có mặt tại nhà hát Kim Mã, Hà Nội, những xúc cảm đa chiều khi được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật rất mới mẻ này.

15.5939

Bước vào phòng trình diễn, hình ảnh ba nhạc công bất động trong ba chiếc tủ kính, khoác trên mình trang phục của hoàng cung xưa đã tạo hiệu quả thị giác mạnh tới người xem.

Nhạc công Stefan Ostersjo (người Thụy Điển) đã tham gia dự án âm nhạc trong chuyển động từ nhiều năm trước. Anh bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc truyền thống Việt Nam và chơi đàn tì bà từ năm 2005.

Sự kết hợp âm thanh của những nhạc cụ truyền thống: Đàn tì bà, đàn bầu, đàn tranh và âm thanh của nhạc điện tử hiện đại tạo thành những tầng âm thanh cuốn hút người nghe. Trong 45 phút trình diễn, có những phút cả ba nghệ sỹ bất động với những tư thế đang chơi đàn, có cảm giác như họ đã bị hóa thạch trong khoảnh khắc thăng hoa của âm nhạc.

Ở bên mỗi tủ kính đều gắn một chiếc tai nghe. Qua tai nghe, thính giả sẽ được thưởng thức riêng những âm thanh của những nhạc cụ truyền thống. Từ đó sẽ thấy được sự khác biệt của những đơn âm bên trong và những hỗn âm bên ngoài.


Nghệ sỹ Nguyễn Thanh Thủy đang thực hiện những điệu múa với cây đàn của mình

“Xem các nhạc công trình diễn có cảm tưởng như đang ở bảo tàng xem lại hình ảnh những nhạc công thời xưa chơi đàn. Với Bên trong – Bên ngoài, nhiều người sẽ ngộ ra rằng có những cái mình thấy được nhưng chưa chắc đã nghe được và có những cái nghe được nhưng chưa hẳn đã là điều mình nhìn thấy” – chia sẻ của nữ nhạc sỹ trẻ Lương Huệ Trinh sau buổi trình diễn. Chị cũng là một trong những nhạc sỹ trẻ có những trải nghiệm sáng tạo trong dòng nhạc điện tử hiện đại Việt Nam.

Thông thường khi chơi nhạc, các nhạc công chỉ chú ý đến việc mình đang đánh phím nào mà lãng đi thân thể mình chuyển động ra sao. Buổi trình diễn này lại hoàn toàn khác. Nhạc công ngoài việc tập trung vào những phím đàn họ đã rất chú ý đến hình thể của mình. Biên đạo múa Marie Fahlin (người Thụy Sỹ) từ việc phân tích những điệu bộ trong biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện nay đã sáng tạo ra những điệu múa phức tạp nhằm diễn tả được nội tâm của những người nhạc công khi hòa mình vào những nốt nhạc.



Nghệ sỹ biểu diễn đàn bầu ngồi bất động

“Chưa đầy một thế kỷ trước, hầu như chỉ có đàn ông chơi nhạc cụ dân tộc. Khi âm nhạc chuyển từ những không gian nhỏ riêng biệt sang những chương trình lớn cho công chúng, phụ nữ dần dần chiếm vị trí trong trình diễn. Điều gì quan trọng trong sự thay đổi này? Có sự ảnh hưởng nào của giới trong trình diễn nhạc dân tộc hiện nay? Đâu là bên trong và đâu là bên ngoài khi trải nghiệm vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc?". Đó là băn khoăn của nghệ sỹ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy cũng là ý tưởng để chị xây dựng nên chương trình biểu diễn sắp đặt này. Chị cũng tỏ sự lo lắng trước đây ba loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu giống như những ông hoàng bà chúa trong âm nhạc dân tộc, nhưng hiện nay dường như người ta chỉ còn thấy chúng trong tủ kính bảo tàng, trong những buổi diễn nhằm mục đích bảo tồn.

Thông qua chương trình này, Nguyễn Thanh Thủy hy vọng rằng công chúng sẽ quan tâm hơn tới âm nhạc truyền thống và tạo được đất sống thật sự cho âm nhạc dân tộc chứ không phải biểu diễn một lần và lại cho vào tủ kính bảo tàng.



Các nhạc công trình diễn trong những tủ kính cách âm với bên ngoài

Buổi trình diễn sắp đặt Bên trong - Bên ngoài cũng là một phần của dự án nghiên cứu quốc tế về âm nhạc “Music in Movement” (âm nhạc trong chuyển động) do Hội Nghiên Cứu Thụy Điển tài trợ. Chương trình không bán vé, khán giả vào cửa tự do tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội. Các buổi diễn vào 2 ngày thứ 5, 8/11 (từ 11h – 11h45, 14h – 14h45) và thứ 6, 9/11 (từ 11h – 11h25, 14h – 14h45).

Thanh Lê

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]