Trăn trở tại làng nghề “mài sắt thành vàng”

Làng Đại Phu thuộc xã An Đổ (huyện Bình Lục, Hà Nam) lâu nay vốn nổi tiếng bởi có nghề làm dũa và được xem là nghề “mài sắt thành vàng”

15.6018

Làng Đại Phu thuộc xã An Đổ (huyện Bình Lục, Hà Nam) lâu nay vốn nổi tiếng bởi có nghề làm dũa và được xem là nghề “mài sắt thành vàng” do đặc thù của làng nghề cũng như giá trị và lợi ích kinh tế nhưng do thời gian cùng cơn bão suy thoái kinh tế nên trong những năm gần đây, làng nghề từng hưng thịnh một thời này đã gặp không ít khó khăn và thách thức.

Một thời hưng thịnh

Theo người dân nơi đây, vào những năm của thập niên 60 - 70, nghề làm dũa ở Đại Phu đã tạo được niềm tin và chất lượng đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ việc mang lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 1982, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Đại Phu được thành lập và được trang bị máy dập răng, xưởng cơ khí với hơn 200 công nhân, mỗi năm làm ra hơn 400.000 sản phẩm. Dũa của Đại Phu đã xuất sang các nước Đông Âu như Ba Lan, Áo rồi một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia... thu được nguồn lợi đáng kể và làm rạng danh cho không chỉ xã An Đổ mà còn của cả tỉnh Hà Nam.

Gần 50 năm qua, nghề làm dũa ở An Đổ được xem là nghề “mài sắt thành vàng” bởi giá trị và lợi ích kinh tế mà nó đem lại.

Một thợ làm dũa lâu năm ở đây cho biết, nguyên liệu làm dũa có 2 nguồn: một là thép cây đặc chủng, hai là các loại vòng bi đã hết hạn sử dụng của các nhà máy sản xuất vòng bi. Dụng cụ để làm dũa khá đơn giản gồm: đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn, đôi càng nạo, axít và xút để tẩy rửa. Và để làm ra một chiếc dũa tốt, đạt yêu cầu thì đầu tiên là phải dùng lò rèn để xẻ nguyên liệu, tạo phôi bằng khuôn. Sau khi tạo phôi xong phải mài mặt phẳng, mài xong đến công đoạn băm răng dũa. Công đoạn này có thể làm bằng máy nhưng theo kinh nghiệm của những thợ làm dũa lành nghề thì nếu băm răng dũa bằng tay thì gai sắc và gợn hơn băm bằng máy.

Khâu cuối cùng trong sản xuất dũa là tôi luyện tạo độ cứng của dũa. Đây thực sự là bí quyết nghề nghiệp. Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng sự từng trải, kinh nghiệm thông qua con mắt nhà nghề khi nhìn dũa chuyển màu để biết tôi luyện thế nào cho dũa cứng đủ độ, không non quá mà cũng không già quá. Công đoạn này cần hết sức cẩn thận bởi nếu tạo độ cứng non quá thì dũa không đạt yêu cầu, kém chất lượng, không dũa được lâu còn nếu già quá thì dũa lại hay sứt, gãy.

Theo thời gian và nhu cầu thực tế nên nghề làm dũa ở đây đã đi vào chuyên môn hóa theo 6 khâu cơ bản: tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hóa và đóng gói. Đồng thời, mỗi gia đình làm dũa ở đây đều tự chuyên sâu vào một công đoạn sản xuất, nhờ vậy sản phẩm làm ra chất lượng tốt hơn. Các loại dũa được làm ra rất đa dạng theo yêu cầu của khách hàng cũng như công dụng của chúng trong những lĩnh vực khác nhau với đủ hình thù, kích cỡ như dũa tam giác, dũa bán nguyệt, dũa vuông, dũa tròn, dũa chữ nhật, dũa dẹt... và hàng trăm chủng loại từ cỡ 1 - 350mm. Những hộ làm dũa ở đây còn nhận làm dũa mỹ nghệ cho các công ty chuyên trạm khắc gỗ, kỹ nghệ vàng bạc.

Hiện nay, cả làng làm dũa Đại Phu có hơn chục doanh nghiệp sản xuất dũa, còn lại làm nhỏ lẻ, theo kinh tế hộ gia đình. Với uy tín và chất lượng đã tạo được trong lòng người tiêu dùng, dũa An Đổ đã đăng ký chất lượng 17.493 và 3 lần đoạt Huy chương Vàng hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp vào các năm 1980 - 1981 và 1982.

Cái khó của làng nghề

Tuy là làng nghề khá phát triển, thu hút hàng trăm lao động địa phương và các nơi khác đổ về nhưng đời sống của người dân Đại Phu vẫn ở mức trung bình. Bình quân, một nhân công làm dũa có mức thu nhập mỗi tháng là 900.000 đồng. Với mức thu nhập như vậy nên nhiều thanh niên trong làng đã rời bỏ nghề, tìm đến nơi khác làm việc.

Do nghề làm dũa phải sử dụng một nguồn điện lớn nên việc cung cấp điện cho người dân nơi đây luôn ở trong tình trạng quá tải. Vào những giờ cao điểm, điện yếu, hệ thống nước thải axít tẩy dũa đã làm ô nhiễm một khoảng cánh đồng của làng và đang trở thành vấn đề gây nhức nhối. Hiện nay, làng Đại Phu đang kiến nghị với tỉnh Hà Nam về hai vấn đề: nâng cấp trạm biến áp điện và xử lý tình trạng ô nhiễm ở cánh đồng làng do nước tẩy axit gây ra nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Anh Trần Tiến, một người gắn bó nhiều năm với nghề làm dũa ở Đại Phu trăn trở: “Mặc dù không có nhiều nơi cạnh tranh làm dũa với Đại Phu nhưng sản phẩm của chúng tôi thường xuyên bị ép giá. Hầu hết, người làm dũa chưa trực tiếp tìm được đầu ra cho sản phẩm, vẫn phải thông qua nhiều doanh nghiệp thu mua khác. Lời lãi ngày càng ít, trong khi giá cả đầu vào các loại mặt hàng tăng cao”.

Ngoài những yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến làng nghề thì cũng có không ít những yếu tố khách quan khác tác động đến nghề làm dũa nơi đây như giá thành nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm... Cách đây vài năm, giá thép mà làng nghề Đại Phu nhập vào chỉ có 7.000 đồng/1kg, còn hiện nay đã tăng lên tới 15.000 đồng/1kg. Thêm vào đó, giá điện, than, xăng dầu ngày càng tăng lên trong khi giá bán dũa vẫn không thay đổi. Đó là những thách thức đối với nghề làm dũa ở Đại Phu trong cơn “bão giá” như hiện nay. Chính vì vậy, đòi hỏi chính quyền các cấp và người làm dũa nơi đây phải trăn trở suy tính, nhằm có những bước cải tiến phù hợp, giữ vững vị thế dũa Đại Phu trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.      

Hồng Trần - Hữu Sơn


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]