Trẻ bị mụn nhọt ở đầu phải làm sao?

Khi trẻ bị mụn nhọt ở đầu, mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm ở cơ sở y tế; không tự ý cho trẻ uống thuốc hay bỏ thuốc, bớt liều; không sử dụng các biện pháp dân gian...

15.606

Nguyên nhân trẻ bị mụn nhọt ở đầu

Bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, cho biết rôm sảy xuất hiện trên người trẻ là do cơ thể phản ứng với nhiệt độ. Lúc này, các bậc cha mẹ chỉ cần vệ sinh da trẻ, cho trẻ nằm ở những nơi thoáng mát để không làm nhiễm trùng da.

Khác với rôm sảy, mụn, nhọt là do vi khuẩn gây ra. Từ những nốt rôm sảy không được vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn sẽ gây bệnh tạo thành mụn, nhọt. Nhọt trên đầu thường do tụ cầu khuẩn (hay gặp nhất là tụ cầu vàng), có thể xuất hiện một hoặc nhiều cái, mọc riêng lẻ hoặc từng chùm phụ thuộc vi khuẩn gây bệnh. Tùy theo tổn thương, mụn, nhọt sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau: to bằng hạt chanh, hạt bắp, trái chanh hoặc có thể bằng... trái táo xanh (áp-xe nguyên một khối cơ).

Khi cơ thể trẻ đề kháng tốt, những vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn, nhọt; nhưng nếu sức đề kháng không tốt, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao 39 - 40oC. Lúc này, nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc bùng phát, trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn.

Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...


Trẻ bị mụn nhọt ở đầu phải làm sao?

Bác sĩ Việt cho biết, sai lầm thường gặp của các bậc cha mẹ là khi thấy trẻ mọc mụn, nhọt thường nghĩ là do ăn nhiều đồ nóng hoặc thời tiết nóng nên phát ra chứ không biết là do vi khuẩn, vì thế ít khi đưa trẻ đi điều trị ngay. Trong trường hợp này, việc điều trị sớm rất đơn giản, chỉ cần uống thuốc kháng sinh; nhưng nếu điều trị trễ, trẻ có thể bị nhiễm trùng huyết, phải điều trị bằng kháng sinh liều cao theo đường tĩnh mạch.

Nên đọc

Bác sĩ Việt khuyên: “Khi thấy trẻ mọc mụn, nhọt, dù sốt hay không sốt, cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh biến chứng. Để phòng ngừa, trong mùa nóng, các bậc cha mẹ nên tắm rửa, vệ sinh da, mặc đồ thoáng mát cho trẻ”.

Có nên tắm lá, đắp lá khi trẻ bị mụn nhọt ở đầu?

Câu trả lời là: Không! Việc sử dụng những loại lá theo hình thức truyền miệng để tắm cho trẻ mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt có thể làm trẻ bị viêm da và khiến tình trạng của mụn nhọt tệ hơn. Bởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn.

Khi trẻ đang bị trầy xước, nếu dùng loại lá để tắm càng làm cho ngứa, mẩn đỏ tăng lên. Đó còn chưa kể đến, nhiều loại lá cây lại mọc ở bờ bụi, nếu không rửa kỹ, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn da rất cao.

Cũng có một số loại lá, quả theo đông y thực sự có tác dụng, có thể tắm cho trẻ như khổ qua (mướp đắng), lá chè xanh, chanh..., tuy nhiên còn tùy cơ địa của từng trẻ, không phải trẻ nào cũng có thể tắm được.

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]