Hai đứa trẻ, một đứa con trai 4 năm trước còn sống trong cảnh địa ngục, nhờ tình thương và sự trợ giúp của xã hội giờ vừa bước qua tuổi vị thành niên, vài tháng đã tiêu hết 200 triệu đồng vào những chuyện vô bổ. Đỉnh điểm là việc đuổi bố, mẹ mình ra khỏi ngôi nhà của nó có được do lòng từ thiện của các cá nhân và tổ chức quyên góp. Một đứa con gái 16 tuổi, mẹ nuôi nó bằng sự đầy đủ của vật chất, thế mà nó đàn đúm với mấy đứa bạn, trói mẹ nó lại, lấy băng keo dán miệng để lục lọi tìm tài sản.

Tạm cho đấy là chuyện của mấy đứa “ăn chưa no, lo chưa tới”, hoặc “đủ đầy quá, rửng mỡ”. Nhưng xã hội lại có sự phân hoá trong việc đánh giá về chúng và quy lỗi không phải cho chúng. Đâu là chuẩn mực?

Cả hai đứa trẻ đều chưa hiểu mồ hôi, nước mắt ẩn sau đồng tiền và giá trị thật của đồng tiền. Chúng không hiểu cả đằng sau đồng tiền mà chúng tiêu xài hoang phí là lòng từ thiện của cả xã hội, hoặc từng giọt mồ hôi, từng chút tình thương yêu, từng bó nhịn nhục của mẹ nó chắt ra. Chúng chỉ cần thoả mãn cho chính mình. Nhân cách chúng bị thiếu hụt đến trầm trọng.

Thằng bé đi ở từ tấm bé và cuộc sống mở mắt là đối diện với bạo lực và bất công. Nó có hai cách để phát triển nhân cách. Một là, như đã xảy ra ở trên: Vài tháng tiêu hết 200 triệu đồng vào những chuyện vô bổ; đuổi bố, mẹ mình ra khỏi ngôi nhà. Hai là nó trân trọng cuộc sống, tình người, đồng tiền... và trước hết là bố mẹ nó. Con bé, mất cân bằng tình cảm, được mẹ chăm bẵm vật chất cũng có hai cách phát triển nhân cách tương tự. Chúng đã theo hướng xấu!

Sự ích kỷ của chúng, sự phát triển nhân cách theo hướng xấu tại sao lại xảy ra và tại ai? Bố, mẹ chúng hoặc là bỏ bê, hoặc chăm bẵm quá mức nhưng lại không hề để tâm đến giáo dục nhân cách cho con mình. Đó là nguyên nhân không nhỏ. Nhưng chuẩn mực xã hội phải tác động đến nhân cách chúng như thế nào? Ai có trách nhiệm xây dựng chuẩn mực nhân cách và cơ chế nào để giáo dục nhân cách cho những đứa trẻ đang sống trong những gia đình còn nhiều điều còn thiếu vắng?