'Trường tốt vẫn có rủi ro'

Bình luận về sự cố xô đổ cổng trường khi phụ huynh chen chân mua đơn cho con thi vào lớp 1 sáng 12/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, ông Đào Trọng Thi cho rằng: Trường tốt vẫn có rủi ro. Còn

15.6004

đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An gợi ý, các trường công lập khác nên xem xét lại cách dạy của mình, ngành giáo dục cũng nên đánh giá chất lượng của Trường Thực Nghiệm, nếu tốt thì nên nhân rộng mô hình.


TIN BÀI LIÊN QUAN:








Ông Đào Trọng Thi: "Các phụ huynh, đặc biệt ở thành phố, quá kỳ vọng vào các trường tốt, thành thử mới xảy ra chuyện cạnh tranh như vậy"

Trường tốt vẫn có rủi ro

Ông Đào Trọng Thi cho hay, bản thân ông rất khâm phục sự quan tâm của các phụ huynh, chịu mọi khó khăn để lo cho con học, tuy điều này hơi thái quá. Về trường tiểu học công lập, thành phố đảm bảo đủ cho các cháu theo chương trình phổ cấp bắt buộc. Nhưng ở đâu cũng vậy, có trường tốt hơn, có trường không tốt bằng. Các phụ huynh, đặc biệt ở thành phố, quá kỳ vọng vào các trường tốt, thành thử mới xảy ra chuyện cạnh tranh như vậy.

- Nhiều ý kiến cho rằng nếu có nhiều hơn một cơ sở thực nghiệm như vậy, sẽ không có tình trạng phụ huynh đổ xô về một chỗ. Ông có đồng ý với số đông?

Tôi muốn lưu ý rằng một chương trình thực nghiệm, dù tốt đến đâu vẫn có mức độ rủi ro nhất định, nếu không nó đã được đánh giá, công nhận chính thức và nhân rộng. Khi chưa được nhân rộng, dù rất nhiều ưu điểm, chương trình này vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo 100%.

Đã thí điểm thì cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, người tham gia được hưởng những ưu điểm, cũng phải chấp nhận những rủi ro nếu xảy ra. Nếu mở rộng đại trà rồi về sau phát hiện những khiếm khuyết thì lúc ấy chắc phụ huynh lại kêu rằng "con chúng tôi bị đem ra thí điểm, thí nghiệm".

Các phụ huynh có thể qua các nguồn thông tin khác nhau, đánh giá và quyết định chọn lựa, đó là quyền của họ, điều đó đáng tôn trọng.

- Lý do phụ huynh phát cuồng vì thực nghiệm vì muốn con được vừa học vừa chơi, không phải căng thẳng và có thể hưởng thụ tuổi thơ. Vì sao các mô hình khác lại không hút phụ huynh?

Đã là mô hình thực nghiệm thì tuy quy mô hạn chế, nó vẫn có sự đầu tư của nhà nước nên cơ sở vật chất có thể tốt hơn các trường khác. Nhưng theo tôi, chuyện các cháu phải học quá tải ở các trường cũng chỉ là một phần nguyên nhân.

Bản thân nhiều vị phụ huynh, ngoài học ở trường còn bắt con học thêm đủ thứ, với mong muốn con mình thành thần đồng, chuyên gia. Có thể một số phụ huynh muốn con vào trường thực nghiệm để học thảnh thơi nhưng lại trở thành chuyên gia như GS. Ngô Bảo Châu. Tuy vậy, họ cũng đâu có vi phạm gì để mà bị phê phán.

- Ông có thể bình luận như thế nào về sự cố xô đổ cổng trường này?

Giá như ngay từ đầu trường dự kiến tình huống như vậy, chuẩn bị đầy đủ và thông báo để phụ huynh bình tĩnh, yên tâm rằng ai cũng mua được một bộ hồ sơ. Mua hồ sơ chỉ là bước đầu, sau đó các cháu còn phải qua thi tuyển, đánh giá mới đảm bảo việc vào học trong trường.

Nếu thông báo rõ như vậy thì chắc các phụ huynh không cần xếp hàng từ đêm chờ đợi. Có thể do năm nay số lượng xin học tăng đột biến nên nhà trường không lường trước, để xảy ra sự cố.

Cách dạy ở trường thực nghiệm đáng xem xét

Theo ĐBQH Bùi Thị An, người từng đi giám sát nhiều cơ sở giáo dục ở Hà Nội trong thời kỳ công tác ở HĐND, thì nhận định việc có nhiều gia đình muốn con vào học trường thực nghiệm là bằng chứng cho thấy "xã hội đánh giá giáo dục ở trường thực nghiệm thời gian qua là tốt, sản phẩm họ cho ra đời là có ích".

Bà An nhận xét: Cách dạy ở trường thực nghiệm tương đối thoải mái, các cháu vừa có giờ học, vừa có giờ chơi, không quá nặng nề, căng thẳng. Bên cạnh đó, các cháu còn được dạy tư duy tự tin, tự lập.

"Tôi biết những học sinh thế hệ đầu của trường, năm nay đã ngoài 30 tuổi, nhìn chung họ đều trưởng thành vững vàng", bà An nói.

ĐBQH Bùi Thị An cho rằng qua đó, các trường công lập khác nên xem xét lại cách dạy của mình, ngành giáo dục cũng nên đánh giá chất lượng của Trường Thực nghiệm, nếu tốt thì nên nhân rộng mô hình.


  • Chung Hoàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]