Ngay chiều hôm đó, tôi nhận được phản hồi của một số người yêu nhạc Trịnh - theo cách viết thì có lẽ tuổi đời các bạn không còn trẻ. Phản hồi nhẹ nhàng, đại ý bảo sao lại đem nhạc “sang” của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… so sánh với nhạc “sến” của Trúc Phương? Theo tôi, tác phẩm nghệ thuật đích thực có hai cách đi vào lòng người thưởng ngoạn là truyền cảmgợi cảm. Từ thi ca, hội họa, âm nhạc… đến cả nghệ thuật thứ bảy là điện ảnh cũng đi đến trái tim người xem, người nghe bằng một trong hai con đường ấy.

Xin nêu một vài ví dụ. Một bức tranh tả chân khá nổi tiếng của họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ một người phụ nữ mặc yếm ngồi một mình bên cây đèn bão trong đêm tối, bất cứ ai xem cũng đều có cảm nhận gần giống nhau về nét đẹp cổ điển và buồn của thiếu phụ trong cảnh vắng lặng tịch liêu vì nó truyền thẳng cảm nhận cho người xem. Nhưng một bức tranh trừu tượng của họa sĩ Hồ Hữu Thủ thì không phải ai xem cũng hiểu và cảm được, mà đầu óc cần có chút tưởng tượng để góp phần sáng tạo với tác giả mới thấy được cái đẹp của tranh.

Thơ cũng vậy. Không cần nói đến những bài thơ siêu thực, tượng trưng, chỉ cần đọc lên mấy câu lục bát của thi sĩ Bùi Giáng: “Bến hồng ai giục nhau sang/ Triều lên giữa ngọn trăng vàng xuống khe/ Bước chân chầm chậm đi về/ Nối quan ải nối biển thề dặm xa…” thì có lẽ ai cũng đồng ý ấy là những câu lục bát tuyệt hay của thơ Việt đương đại. Thế nhưng hỏi mấy câu ấy hay ở chỗ nào thì không phải ai cũng trả lời được ngay mà phải nhẩm đọc đi đọc lại rồi tưởng tượng ra mới cảm nhận hết cái hay của bài thơ! Thi sĩ chỉ vẽ ra, gợi lên những hình tượng nên người đọc cần góp phần sáng tạo với tác giả. Và hãy đọc tiếp, cũng là mấy câu lục bát của nhà thơ nổi tiếng từ thời tiền chiến Nguyễn Bính: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người/ Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…”. Đó là những câu thơ hay mà bất cứ ai cũng hiểu được ý bài thơ, vì nó truyền thẳng tình cảm của nhà thơ đến người đọc. Đến âm nhạc thì càng rõ ràng hơn. Những ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn nhiều khi như “đánh đố”và chỉ khơi gợi cho người nghe tha hồ tưởng tượng ra những ý nghĩa của lời ca để cảm thấy bài hát hay, như những câu: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu/ Trên ngày đi mọc cành lá mù/ Những tim đời đập lời hoang phế/ Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê…” - Cỏ xót xa đưa. Nghe không hiểu nhưng vẫn cảm thấy hay vì nó gợi cho người nghe cảm nhận một điều gì đó mơ hồ… Không như những câu hát của Trúc Phương, nó truyền thẳng cảm xúc cho người nghe:“…Tôi đến nơi hẹn hò đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ/ Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay luống sông hồ…/ Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở/ Thương này thương cho bõ lúc đợi chờ” - Bóng nhỏ đường chiều. Chính những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương đã đưa tên tuổi cô ca sĩ có tiếng hát liêu trai Thanh Thúy lên tột đỉnh danh vọng đầu những năm 1960, kể cả ông cũng đã “đo ni đóng giày” viết riêng cho Thanh Thúy nhiều ca khúc. Điều thú vị là chính Thanh Thúy lại là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết ca khúc đầu tay Ướt mi gửi tặng cô và Thanh Thúy đã hát nó; và đó là ca khúc đầu tiên của ông được trình diễn trên sân khấu. Ca khúc thứ hai Thương một người được Trịnh Công Sơn viết tặng Thanh Thúy sau khi ông được cô ca sĩ đồng hương mời đến thăm nhà.

PHẠM CHU SA


Video đang được xem nhiều