10 cách để bạn có thể thành công giống tỷ phú Richard Branson

(NDH) Doanh nhân tỷ phú đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy Richard Branson được coi biểu tượng thành công trong mắt nhiều người. Những lời khuyên của ông chính là bài học quý giá giúp các chủ doanh nghiệp lèo lái con thuyền khởi nghiệp của mình.

0

Richard Branson, Chủ tịch tập đoàn Virgin

Dưới đây là 10 điều bạn có thể học từ Branson để xây dựng sự nghiệp thành công:

1. Hãy can đảm và làm theo bản năng

Khởi động một công ty đòi hỏi bạn phải chấp nhận mạo hiểm và đổi mới những thứ mà người khác không làm được. Tiền bạc, danh tiếng và các mối quan hệ cá nhân thường mập mờ, nhưng các doanh nhân phải biết khi nào nắm bắt các cơ hội và khi nào không.

Khi Branson khai trương hãng hàng không Virgin Atlantic năm 1984 và công ty Virgin Australia năm 2000, các thành viên trong hội đồng quản trị đã hoài nghi về cơ hội thành công. Nhưng Branson nhận ra cơ hội và quyết tâm theo đuổi. Cuối cùng, những nỗ lực của ông đã được đền đáp. Virgin Atlantic vận chuyển hơn 5 triệu hành khách mỗi năm và Virgin Australia đã trở thành hãng hàng không lớn thứ hai quốc gia.

2. Đừng để các rào cản cá nhân cản bước bạn

Bị chẩn đoán mắc chứng khó đọc, Branson rời trường học năm 16 tuổi vì không thể theo được chương trình. Nhưng ông đã biến bất lợi đó trở thành lợi thế của một doanh nhân.

Khi xem xét các chương trình quảng cáo và tiếp thị của Virgin, các đồng nghiệp của Branson đọc to mọi thứ lên. Điều đó giúp ông hiểu được khái niệm chung và loại bỏ những thuật ngữ chuyên ngành đồng thời thay thế chúng bằng ngôn ngữ thông thường.

"Bất cứ khi nào có việc gì đó không ổn hoặc bạn thấy mình ở thế bất lợi, cách xử lý tốt nhất là biến sự tiêu cực thành tích cực", Branson nói.

3. Xây dựng một mạng lưới vững chắc

Một ý tưởng kinh doanh có thể coi là đáng giá nếu không ai biết đến nó và bạn cũng không biết bất cứ người có ảnh hưởng nào có thể giúp nó cất cánh? Một doanh nhân thành công sẽ bắt đầu xây dựng mạng lưới từ sớm và tiếp tục xây dựng mạng lưới trong quá trình phát triển công ty.

Khi Branson bắt đầu xây dựng mạng lưới cho Virgin Music trong những năm 1970, ông đã rất nghiêm túc ngay từ đầu khi gặp gỡ các đại lý, thuyết phục các nhạc sỹ ký hợp đồng và tìm kiếm các nhà phân phối. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tham dự các sự kiện ngành, tham gia các hiệp hội kinh doanh trong khu vực và tích cực hoạt động trên các mạng xã hội như Facebook và LinkedIn.

4. Cở mở với những thay đổi

Với nền kinh tế đang dịch chuyển và công nghệ phát triển với tốc độ cực nhanh thì sự thay đổi sẽ xảy ra dù bạn có muốn hay không.

Với Virgin Records, Branson là một bậc thầy trong việc điều hướng thay đổi. Từ việc chuyển từ đĩa than sang băng cassette rồi tới đĩa CD, và từ các cửa hàng nhỏ tới các cửa hàng lớn, Branson đã chuyển đổi mô hình kinh doanh nhiều lần trước khi bán công ty cho EMI năm 1992.

5. Biết khi nào cần yêu cầu giúp đỡ và đề nghị giúp đỡ

Cho dù ở lứa tuổi nào thì các doanh nhân vẫn nghĩ họ biết hết mọi thứ và có thể làm tất cả. Nhưng doanh nhân cũng chỉ là người, với những hạn chế của con người. Đôi khi tốt nhất là bạn nên tìm những người hiểu mình và những người bạn tin tưởng để được tư vấn và trợ giúp.

Ở tuổi 19, Branson đã mở công ty thu âm nhận đơn hàng qua thư nhưng chưa bao giờ xin lời khuyên của bất cứ ai về cách lập kế hoạch kinh doanh. Sau đó ông đã đưa ra một quyết định rất tệ là bán lậu các bản thu âm không qua cơ quan hải quan để tránh thuế. Ông bị cán bộ hải quan Anh bắt và được mẹ bảo lãnh khỏi phải ngồi tù. Sau này bà trở thành một trong những người cố vấn kinh doanh đáng tin cậy nhất của Branson.

"Nghĩ lại năm 1969, lời khuyên của mẹ chính là điều tôi cần nghe", Branson chia sẻ.

6. Lắng nghe khách hàng của bạn

Cho dùlà khai thác mạng xã hội hay sử dụng các phương pháp truyền thống như gọi điện thoại, thì việc kết nối với các khách hàng vẫn rất quan trọng. Hãy để họ biết rằng bạn đang lắng nghe và quan tâm tới việc đáp ứng các nhu cầu của họ.

Branson đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để có được cái nhìn thực tế về cách công ty có thể cải thiện. "Thông qua ý kiến của khách hàng, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu về các vấn đề với sản phẩm và dịch vụ của mình nhanh hơn bao giờ hết. Đáp lại, chúng tôi đã xây dựng hệ thống để khách hàng có câu hỏi hoặc vấn đề có thể nhận được câu trả lời nhanh nhất từ đội ngũ của chúng tôi. Tôi cố gắng mỗi ngày trả lời một vài câu hỏi từ những người theo dõi trên mạng xã hội", Branson nói.

7. Duy trì sự tập trung khi phát triển doanh nghiệp

Ngay cả một doanh nhân bắt đầu với một ý tưởng tuyệt vời, niềm đam mê hoặc sự tập trung sắc bén, thì họ vẫn có thể bị sao lãng. Bạn có thể muốn tạo ra những thay đổi không phải lúc nào cũng có ý nghĩa đối với các mục tiêu chung của bạn. Branson khuyên bạn nên biết rõ sứ mệnh của mình, đảm bảo hiểu đúng cơ cấu cơ bản, phân công đúng đội ngũ và chú ý tới từng chi tiết.

Chẳng hạn như tại Virgin America, CEO của Branson tham dự chương trình tập huấn hàng năm để "duy trì sự nhiệt tình đã đem đến sự phát triển sớm của chúng tôi". Theo ông, "điều quan trọng là để đội ngũ của chúng tôi duy trì sự cập nhật và kết nối, ngăn cản họ trở nên tự mãn hoặc dậm chân tại chỗ."

8. Luôn tích cực

Để trở thành doanh nhân, bạn phải có một cá tính mạnh. Nhưng đôi khi, các chủ doanh nghiệp có thể cảm thấy muốn công kích hay thậm chí nổi giận với các khách hàng, đối thủ cạnh tranh và chính đội ngũ của mình.

Không ai muốn làm việc với một người độc tài hoặc kẻ chuyên bắt nạt. Các doanh nhân thành công tìm được sự cân bằng giữa việc 'hiếu chiến' trong kinh doanh và đối xử với những người làm việc với hoặc cho họ bằng sự tôn trọng và biết ơn. Nếu các công ty hoặc các cá nhân đang làm việc với bạn không phản hồi theo hướng tích cực, thì họ có thể không phải là đối tượng thích hợp để hợp tác kinh doanh.

Branson cho biết: "Tôi hi vọng chúng tôi thành công với Virgin vì chúng tôi gắn kết với mọi người theo cách tích cực hơn là hung hăng, hiếu chiến hoặc tiêu cực."

9. Khuyến khích làm việc theo nhóm và vui vẻ

Là người sáng lập công ty, bạn có thể là người nói với thế giới về sản phẩm mới tuyệt vời của mình và giới thiệu nó trong các sự kiện. Nhưng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu các đối tác và đội ngũ nhân sự đang miệt mài làm việc ở phía sau. Một tập thể luôn vui vẻ và làm việc tốt cùng nhau có thể đạt được những điều tuyệt vời.

Lấy ví dụ về trường hợp của Virgin Group. Họ đã chào mừng Thế vận hội mùa hè này bằng cách tham gia các cuộc đua thú vị. Branson cho rằng: "Các sự kiện như thế có thể giúp phá vỡ các rào cản giữa các phòng ban và nuôi dưỡng tinh thần đồng đội tốt hơn khi các nhân viên được tìm hiểu lẫn nhau trong một bối cảnh thân mật. Điều này cho các nhân viên hiểu rằng hoàn toàn có thể trở nên vui vẻ tạo nơi làm việc. "

10. Đừng sợ lối thoát

Khó có thể biết được khi nào nên bán công ty vì là một người sáng lập và doanh nhân, bạn trở nên gắn bó với doanh nghiệp và đội ngũ của mình. Để đưa ra quyết định, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ những cố vấn vấn tin cậy về việc liệu việc bán đi có tốt cho tình hình chung của công ty không.

Trong những năm qua, Branson đã bán đi một số công ty của tập đoàn Virgin. Đáng chú ý nhất có lẽ là vụ bán công ty thu âm Virgin Records cho EMI. "Đó là một ngày đầy cảm xúc đối với tôi. Tại thời điểm đó, tôi đã khóc. Nhìn lại, rõ ràng là chúng tôi đã bán đi đúng thời điểm, và quyết định đó có ý nghĩa với toàn bộ tập đoàn Virgin. Điều đó đảm bảo cho tương lai của tập đoàn và tạo điều kiện cho chúng tôi đầu tư vào các vụ kinh doanh mới."

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]