7 điều cần chú ý khi đưa trẻ đi tiêm vaccine

Gần đây nhiều người hoang mang vì các thông tin như tử vong sau tiêm, bị ăn bớt vaccine, bị tiêm loại quá date… Nhưng tẩy chay tiêm chủng chắc chắn là cách giải quyết không hay.

15.5878
Bởi vậy để đảm bảo được chủng ngừa tốt nhất, khi đến phòng tiêm chủng, bạn nên lưu ý.

Hãy nói về tình trạng sức khỏe với bác sĩ

Thông thường, trong một số trường hợp sức khỏe không ổn định thì việc tiêm vaccine sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc vaccine bị giảm tác dụng.

BS Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Phòng chống dịch - tư vấn - tiêm chủng vaccine, BV Nhiệt đới Trung ương cho biết: Các đối tượng sau thì không được tiêm chủng một số loại vaccine: sốt cao, đang trong tình trạng dị ứng, thiếu hụt miễn dịch, đang dùng thuốc đàn áp miễn dịch, mắc bệnh ác tính…

Bởi vậy trước khi tiêm vaccine, hãy nói với bác sỹ về tình trạng sức khỏe của mình để bác sỹ tư vấn có nên tiêm lúc đó hay không.

Đưa trẻ đi chủng ngừa, chớ cho ăn no

Trẻ nhỏ thường sợ hãi khi đi tiêm nên có thể quấy khóc, giãy giụa. Tình trạng đó, kết hợp với việc ăn no sẽ có thể gây nôn chớ, bất lợi cho việc chủng ngừa, đặc biệt nếu chủng ngừa dưới dạng đường uống. Bởi vậy không cho trẻ ăn/bú quá nhiều, no trước một vài giờ tiêm chủng.

Đừng quên sổ tiêm chủng

Sổ tiêm chủng cá nhân để khai thác các yếu tố như tiền sử thai sản, tình trạng hiện tại của trẻ, tình trạng dinh dưỡng, tiền sử bệnh tật. Các bậc cha mẹ nên lưu giữ hồ sơ tiêm chủng cho trẻ cho đến khi trưởng thành, tránh các trường hợp bị nhàu nát hay làm mất.

Quan sát người tiêm

Thông thường cha mẹ thường chỉ quan tâm giữ con, để con không giẫy đạp, khỏi khóc mà không để ý thái độ của người tiêm. Gần đây vụ việc ăn bớt vaccine ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã khiến nhiều người giật mình.

Vì người cha của trẻ đã quan sát kỹ bác sĩ nên mới phát hiện rằng con anh ta đã không được tiêm đủ liều. Bởi thế, để tránh rơi vào tình huống xấu này, bạn nên chú ý bác sĩ, xem họ có làm đúng quy trình: lắc đều lọ đựng thuốc, rút hết vaccine vào xi lanh, sau đó tiêm đúng chỗ.

Nếu thấy nhân viên y tế đã hút sẵn vaccine vào xi lanh hoặc đậy nắp xi lanh sau tiêm, lưu kim tiêm ở nắp lọ vaccine, bạn nên yêu cầu họ giải thích, vì đó là những hành động bất thường. Nếu họ giải thích không thỏa đáng, bạn nên báo với cấp quản lý cao hơn của đơn vị tiêm chủng.

Nhớ lấy vỏ của vaccine

Gần đây đã có nhiều thông tin về việc phòng tiêm chủng dùng vaccine quá hạn sử dụng. Bởi vậy, khi đi tiêm chủng, hoặc cho con đi tiêm chủng, bạn nên lấy lại vỏ vaccine (ở một số địa điểm, bác sĩ không chủ động đưa lại vỏ vaccine cho bạn, bạn hãy tự đề nghị).

BS Trang lưu bạn nên xem nhãn của vaccine, bao gồm: tên vaccine, nước sản xuất, tác dụng phòng bệnh và tác dụng phụ. Nên quan sát vỏ hộp để xem hạn sử dụng của vaccine, loại vaccine có bơm tiêm đóng sẵn hay loại dung dịch + bột riêng.

Trên lọ vaccine cũng có ghi rõ liều lượng(ml) với người lớn/trẻ em. Đọc nhãn sẽ giúp bạn phản ánh ngay tình trạng sai sót để kịp khác phục.

Bạn cũng chú ý, theo quy định của Bộ Y tế, trong quy trình tiêm chủng, người đi tiêm có quyền yêu cầu nhân viên y tế cho xem bao bì vaccine trước khi tiêm. Bởi thế, nếu tỏ ra nghi ngờ, bạn nên đề nghị họ cho xem nhãn trước khi rút thuốc vào xi lanh.

Đọc chỉ thị màu trên nhãn

Hiện nay, rất nhiều gia đình dùng dịch vụ tiêm vaccine tại nhà. Điều đó đặt ra câu hỏi là liệu vaccine mang đến nhà có đảm bảo chất lượng, có được bảo quản lạnh đúng cách không. Thậm chí vaccine tại nhiều cơ sở tiêm chủng, nhất là ở nơi xa trung tâm cũng có thể xảy ra hiện tượng không được bảo quản đúng cách.

Theo quy định vaccine chỉ được bảo quản tối đa ở cơ sở là 3 tháng, còn lại giữ tại kho lạnh Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vaccine không được bảo quản ở nhiệt độ nhất định, không được nóng hơn và cũng không được để lạnh hơn. Nhìn vào vỏ đựng vaccine sẽ giúp bạn nhận biết chúng có được bảo quản lạnh đúng cách không.

Nhưng thực tế, rất ít người nắm bắt được không tin này, và hầu như không có ai kiểm tra chất lượng bảo quản lạnh của vaccine khi đi tiêm. Trên nhãn của mỗi loại vaccine sẽ có một biểu tượng hình tròn màu để chỉ thị nhiệt độ. Nếu không được bảo quản đúng nhiệt độ, chỉ thị màu sẽ chuyển màu rất sẫm, dễ nhận biết.

Hãy ở lại phòng tiêm chủng 30 phút

Thông thường, nhiều người chỉ chờ đợi đến lượt được tiêm, rồi tiêm xong là vội vã ra về. Nhưng theo đúng quy trình tiêm chủng, mỗi người sau tiêm nên ở lại phòng đợi 30 phút. Bởi về nguyên tắc không có vaccine nào đạt an toàn 100%. Sẽ có một số ít trường hợp gặp phản ứng nguy hiểm ngay sau tiêm như sốc phản vệ, dị ứng.

Bởi vậy khi đi tiêm hoặc đưa trẻ đi tiêm, bạn nên ở lại phòng đợi sau 30 phút để theo dõi các phản ứng. Nếu có những biểu hiện bất thường (mệt, khó thở, mẩn đỏ, co giật, chân tay lạnh…) cần báo ngay với nhân viên y tế tại chỗ.

Theo Sức khỏe gia đình
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]