Việc chế biến tiết canh lợn được thực hiện tại chỗ và mất vệ sinh đến đáng sợ. Ảnh: B.M 

Ăn vì khoái, và để... lấy may!

Theo một chủ quán ăn trên phố Dịch Vọng, nhu cầu ăn tiết canh thường đông hơn vào những dịp hè, thời tiết oi nóng. Mùa hè, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 20-30 bát tiết canh. “Bệnh tật gì, hàng nhà tôi làm lâu năm rồi, có ai ăn mà xảy ra chuyện gì đâu” - vị chủ hàng chủ quan cho hay.

Tuy nhiên, cũng có không ít chủ hàng tỏ ra thận trọng. Chị Nguyễn Thị Hạnh - bán hàng tại phố Hạ Đình (Thanh Xuân) - cho biết: Trước đây, ngoài bán lòng mề, chị cũng bán tiết canh lợn, nhưng sau khi được các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, chị đã bỏ bán mặt hàng này. “Lời lãi cũng không được bao nhiêu, chẳng may xảy ra việc gì, mình lại mang tội” - chị Hạnh cho biết.

Ghi nhận tại một chợ cóc nằm sâu trong phố Hạ Đình, chúng tôi không khỏi giật mình trước cảnh người đàn ông dùng tay trần để trộn, pha chế tiết canh. Điều đáng nói, trước đó, người này đã thực hiện pha chế thịt sống và không vệ sinh trước khi chuyển sang pha chế tiết canh.

Chính bản thân thực khách cũng coi thường tính mạng khi cho rằng, liên cầu khuẩn chỉ xuất hiện ở lợn bệnh tật, còn lợn khỏe thì không lo nhiễm khuẩn. “Quán này làm ăn rất đàng hoàng, sản phẩm từ lợn được bán tại đây đều tươi, đảm bảo nên không việc gì phải lo” - một thực khách còn tỏ ra “sành sỏi”.

Lợn khỏe vẫn mang mầm bệnh

Theo các chuyên gia y tế, không chỉ có lợn ốm yếu mới mang vi khuẩn, mà ngay cả những cá thể lợn khỏe mạnh cũng tiềm ẩn mầm bệnh. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn liền gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng có thể đã có mầm bệnh.

Tiết canh thực chất là máu tươi, trong máu chứa vi trùng, virus, ký sinh trùng, nấm mốc, hóa chất độc hại… Khi ăn tiết canh, các loại virus này sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, có thể là các bệnh cấp tính hoặc các bệnh mãn tính do độc chất tích tụ lâu dài. Thậm chí, với người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc phải do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh. Để tránh mắc liên cầu khuẩn lợn, người tiêu dùng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; thịt lợn phải nấu chín...

Trên thực tế, nguy cơ nhiễm khuẩn cầu lợn luôn tiềm ẩn, dù đó là lợn mạnh khỏe hay bị bệnh. Đó là chưa kể, trong quá trình giết mổ và chế biến, hầu hết đều không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh. Vì vậy, người dân cần phải loại bỏ thói quen hay sở thích ăn tiết canh sống để tránh bị trả giá bằng cả tính mạng của mình.