Trâu là của cải

Bởi vậy, cũng từ cách hiểu chưa chính xác đó, có người cho rằng không nên tổ chức những lễ hội như thế, vì nó... dã man quá! Nhưng mới đây, chính quyền huyện Cát Tiên tổ chức phục dựng nhu sar pur - một lễ hội truyền thống của người thiểu số Mạ, một trong những dân tộc bản địa Cát Tiên. Với việc phục dựng này, không ít người ngộ ra nhiều thứ! Hoá ra, lâu nay, không ít người Kinh hiểu chưa thật thấu đáo về lễ hội nhu sar pur của bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên!
Buổi sáng trước lễ, tổng già làng Điểu K'Lộc nói với tôi: "Một khi cái mặt trời còn ủ kín dưới đỉnh Chân Mây thì dân làng đã phải chuẩn bị mọi thứ cho lễ hội. Nào là những đội cồng chiêng, đội xoong của các cô gái vào vòng mời gọi thần linh; nào là chàng trai lực lưỡng được dân làng chọn lựa để hoá kiếp trâu... Và mọi thứ phải diễn ra trước khi mặt trời mọc". Với người thiểu số bản địa Tây Nguyên, phút giao thời giữa âm và dương, giữa đêm và ngày ấy cực kỳ linh thiêng. Ở thời khắc đó, "con ma" đi ăn sắp về, các yang (thần) chuẩn bị thức giấc để phù trợ dân làng. Cũng thời khắc đó, âm dương giao hoà, giữa hai thế lực siêu nhiên thiện và ác tạm thời không có mâu thuẫn.

Từ nhà sàn, tôi nhìn con trâu sắp được hoá kiếp đứng bên cọc nêu. Nó bình thản, tự tại. Tổng già làng Điểu K'Lộc giục đám thanh niên cắt tiết gà. Huyết gà được bôi lên nhà sàn, bôi lên cọc nêu... và bôi cả lên trán trâu. Lửa đốt lên rực cả một góc rừng. Dân làng kéo đến. Ai cũng váy áo rất đẹp. Họ đến để vào vòng xoong, để nghe tiếng chiêng vọng tận bảy suối bảy núi, để cất cái lời với thần linh cầu an dân làng và chúc phúc cho mọi người.... 

Và nhất là đến để được chia phần thịt của con trâu mà dân làng dâng lên thần linh. Với người thiểu số Tây Nguyên, trâu là một thứ của cải và nó chủ yếu được dùng làm vật vật hiến tế dâng lên thần linh. Quan niệm này của bà con khác nhiều so với người Việt. Với người Việt, có thể "con trâu là đầu cơ nghiệp", là con vật vốn gắn bó mật thiết với con người, là con vật có hồn trong đời sống tâm linh. 

Nhưng với người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì khác: Trâu hiện hữu trong cộng đồng xã hội không khác như những thứ của cải khác như cồng chiêng, chum ché, tấm dệt thổ cẩm, vòng tay, nhẫn... Tuy nhiên, cái nhìn, cái nghĩ của người thiểu số về con vật "của cải" này vẫn đầy tính nhân văn khi họ quan niệm đây không phải là một thứ của cải thông thường mà nó là thứ để dâng lên thần linh nên có linh hồn. Và vì thế, con người phải đối xử với thứ của cải đó bằng một cách đặc biệt. Nên, trong lễ nhu sar pur, không thể thiếu nghi thức "khóc trâu" của chủ tế thay mặt cho dân làng hành lễ.

Thêm vào đó, cách nói "đâm trâu" chẳng qua là xuất phát từ kiểu nhìn chủ quan của người Kinh chứ đồng bào không bao giờ có khái niệm này cả. Tổng già làng Điểu K'Lộc nói: "Bà con mình chỉ nói nhu sar pur thôi mà! Nó là cái lễ trước khi mặt trời mọc, cái lễ được tiến hành vào lúc giao thời giữa ngày và đêm, giữa âm và dương; cái lễ được tiến hành trong lúc đó mới linh thiêng". 

Hôm ở Đồng Nai Thượng, tôi tranh luận với một cán bộ văn hoá huyện Cát Tiên: "Cái nhu sar ấy phải được hoàn thành trước khi mặt trời lên. Đến lúc mặt trời mọc, dân làng ai cũng đã được chia một phần thịt từ con vật hiến tế. Phần thịt ấy là bà con hưởng lộc từ các thế lực siêu nhiên. Nếu làm nhu sar pur sau khi mặt trời mọc thì tính thiêng của lễ không còn". Anh cán bộ văn hoá đồng ý với tôi: "Đúng là như vậy! Trong phần nghiên cứu để hoàn thành đề án trình các cấp lãnh đạo duyệt đồng ý cho tổ chức lễ phục dựng nhu sar pur của người Mạ ở Đồng Nai Thượng, chúng tôi có đề cập khá rõ nội dung này. Tuy nhiên, vì một số lý do, nội dung ấy ở lễ phục dựng lần này có thể du di một chút. Lần sau, nếu tiếp tục tổ chức, chúng tôi sẽ tham mưu với huyện làm một cách bài bản hơn".

 

Khóc trâu

Tổng già làng Điểu K'Lộc thức dậy thật sớm. Giữa nhà sàn, ché rượu cần vẫn còn đậm đặc. Tổng già làng Điểu K'Lộc hút hai cần đầy rồi nói: "Mọi người tiếp tục nhu đi nhé. Tôi chuẩn bị khóc trâu đây". Ấy là già làng K'Lộc đang nói đến chuyện chuẩn bị làm lễ ăn trâu. Nhờ một anh thanh niên người Mạ dịch bài "khóc trâu" của tổng già làng Điểu K'Lộc, tôi bất ngờ về tính nhân văn của bà con người thiểu số Tây Nguyên trước khi hoá kiếp con vật được dùng trong lễ hiến tế dâng lên thần linh này. K'Breo vừa dịch sang tiếng Việt vừa nói với tôi: "Người đồng bào mình nghĩ rằng khi tiễn con trâu về với yang có nghĩa là hoá kiếp nó. Nó có con heo dẫn đường. Con heo có con gà làm bạn trên đường đi...". 

Thì ra, khi hoá kiếp con trâu, con người ta có lỗi nên phải hối lỗi bằng một bài "khóc trâu" để được tha thứ. Nói cách khác, việc hiến tế bằng sinh vật con trâu ấy là việc chẳng đặng đừng. Với lại, sự hoá kiếp này là nhằm làm cho con trâu kiếp sau được tái sinh ở "cái vỏ" khác, có thể là con sóc, con chồn, nhưng cũng có thể là con người biết nói các tiếng nói của người Mạ, người Cơho...

Tổng già làng Điểu K'Lộc bước ra khỏi nhà sàn bằng cửa chính. Phía bên ngoài, người đàn ông lực lưỡng trẻ tuổi được lựa chọn trực tiếp hoá kiếp con vật hiến sinh đã có mặt. Anh chàng K'Ren trông như một cây rừng đang độ sung sức nhất của đại ngàn cao to lừng lững đang giương cây lao ngang người trong tư thế sẵn sàng. Phía dưới, vòng xoong khép tròn cùng với mấy đội cồng chiêng của buôn xa làng gần. Vòng xoong múa những điệu múa cầu thần linh. Đội chiêng tấu nhịp chiêng khấn yang bri, yang koi, yang đạ... Tất cả đều là lễ! Tổng già làng uy dũng hướng mắt về phía con trâu đang được cột bằng bó dây rừng chắc chắn bên cọc knưng. Bên cạnh ông là người đàn ông khoẻ nhất làng - anh K'Ren. 

Tổng già làng Điểu K'Lộc cất giọng: "Ơ... ơ.... yang....! Hỡi thần núi, thần sông... Hỡi ma ông, ma bà... Hãy về đây, về đây tất cả. Hãy về đây tất cả, từ lũ trẻ đến người già, cả nam lẫn nữ, hãy về đây tất cả... Ơ... ơ... yang! Con trâu sắp được về với yang... Yang hãy nhận lấy nó... Nhận lấy con trâu của buôn trên làng dưới ở xứ sở Đồng Nai Thượng... Con trâu có con heo đưa đi, có con gà làm bạn... Ơ... ơ... yang".

Sau lời khấn chung ấy, một già làng khác đưa đến chỗ con trâu một khay tròn với bên trên là một tấm đắp và một chén tiết cùng lá gan của "con gà làm bạn". Tổng già làng Điểu K'Lộc bắt đầu vào bài cúng chính thức: "Ơ... ơ... trâu này là trâu ơi! Từ nay dân làng không còn gặp trâu nữa rồi. Trâu phải về với yang thôi. Trâu khỏe, trâu yêu... ta thương trâu... Nắm cỏ non trâu ăn lần cuối. Dân làng Đồng Nai Thượng tiễn đưa trâu lần cuối. Vũng nước trâu nằm trâu hãy nhìn lần cuối. Vết chân trâu giẫm trâu hãy cào lần cuối. Ơ... ơ... trâu này là trâu ơi. Cái cọc knưng nó không chắc đâu. Cái sợi dây rừng cột vào cổ trâu nó không khoẻ đâu. Trâu hãy giật cho đổ cọc knưng đi. Trâu hãy giằng cho đứt sợi dây rừng đi. Nhưng mà... ơ... ơ... trâu này là trâu ơi. Nếu trâu giật đổ cái cọc, trâu giằng làm đứt sợi dây thì lũ trẻ của buôn trên làng dưới sẽ bị trâu giẫm trâu đạp, trâu giày trâu xéo làm nó chết thì trâu mang tội. Ơ... ơ... trâu này là trâu ơi. Cái rnơm đây này là trâu ơi, hãy uống đi lần cuối. Cái ùi (tấm đắp) này là của dân làng, trâu đắp lên mình lần cuối. Cái gan con gà này cũng là của dân làng, trâu hãy đi cùng với nó lần cuối... Ơ... ơ... trâu này là trâu ơi...".
Với người Kinh, khi xẻ thịt trâu dường như không có nghi thức "khóc trâu" như người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Hiến tế là một nghi lễ của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; và đây là một nghi lễ mang tính thiêng bởi con trâu trong quan niệm của bà con là một thứ của cải được sử dụng dâng lên các thế lực siêu nhiên trong nghi lễ cầu an lành, cầu phúc cho cả cộng đồng; và bởi vậy, con vật hiến tế ấy trở thành con vật thiêng. Như vậy, hiểu theo cách này, người Kinh sẽ cảm thấy "tính thiêng" của lễ nhu sar pur vượt trội so với cách nghĩ "trần tục" khi quan sát bằng mắt thường!

Theo Lao Động

Video đang được xem nhiều