Một cách nhìn khác về Từ Hy Thái Hậu

Nữ hoàng cuối cùng (Anchee Min, dịch giả: Nguyễn Bản) - NXB Văn học và Đại Việt Books - ra mắt đọc giả Việt Nam tháng 1/2010.

15.613
(TT&VH) - “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” - là câu thơ cổ “Xuân tàn đáo tử, ty phương tận” mà Nữ hoàng Phong Lan - tức Từ Hy Thái Hậu dùng để trả lời Robert Hart khi được hỏi về tình cảm của mình với viên tướng trẻ Yung Lu. Người phụ nữ ở đỉnh cao quyền lực và danh vọng, cũng có lúc phải bật khóc tự thú với chính mình “Tôi yêu ông ấy”.

Đó là những trang cuối cùng trong cuốn Nữ hoàng cuối cùng (tác giả Anchee Min) mà tôi dịch, vừa ra mắt độc giả.
*
Nữ hoàng cuối cùng mô tả số phận, tính cách, những quan hệ nhằng nhịt và lối sống, tâm tư của một người phụ nữ nổi tiếng: Nữ hoàng Phong Lan - tức Từ Hy Thái Hậu. Điều làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm là văn chương đầy ma mị và phóng khoáng của tác giả Anchee Min (sinh năm 1957 tại Thượng Hải, hiện định cư tại Mỹ) khi viết về phụ nữ, về tình yêu, tình dục, tất cả được chất chứa trong một người phụ nữ ở đỉnh cao quyền lực, danh vọng, nhưng bị kìm nén để rồi bộc lộ tột cùng những khát vọng sống, khát vọng yêu.

Nữ hoàng cuối cùng nối tiếp câu chuyện về Từ Hy Thái Hậu còn bỏ ngỏ trong tiểu thuyết trước của Anchee Min - Nữ hoàng Phong Lan. Hoàng đế Đồng Trị, sáu tuổi, tính khí ngang ngạnh, tình mẹ con trục trặc, người đàn bà góa thân cô thế cô - Nữ hoàng Phong Lan - sẽ nhiếp chính thế nào trước thù trong giặc ngoài, làm sao có thể giúp con điều hành nhiếp chính, giữ vững Trung Hoa. Và mối tình với Yung Lu, viên tướng trẻ nghiêng ngả bên bờ dục vọng sẽ đi đến đâu? Rồi mối quan hệ với viên thái giám trẻ đẹp trai, thân tín An Thế Hải, con người có nguyện vọng lớn nhất là có tiền chuộc lại cái của quí của đàn ông để khi chết đem chôn cùng cho cơ thể được nguyên vẹn, để kiếp sau được là một người đàn ông đích thực.

Bi kịch đầu tiên của Từ Hy Thái Hậu là phải điều tra những hành động tham nhũng, lộng quyền, xa hoa dâm dật trong cuộc sống của tướng Sheng Pao, tuy trong lòng day dứt “Phong Lan, không có Sheng Pao, mày đã không sống nổi”, nhưng vì an nguy của triều đình và ngôi vị Hoàng đế của con trai, phải rầu lòng ra lệnh hành quyết Sheng Pao.

Bi kịch khủng khiếp nhất là việc An Thế Hải theo dõi và phát hiện ra việc Đồng Trị bị mắc bệnh hoa liễu khi mới mười ba tuổi, tại các nhà chứa bình dân. Bi kịch nọ dẫn đến bi kịch kia. Đó là cái chết của An Thế Hải, chết vì đã sa vào bẫy của Hoàng đế Đồng Trị muốn báo thù kẻ đã tiết lộ mình lui tới các nhà chứa. Nhưng dẫu sao cũng không tan nát bằng cái chết vì bệnh hoa liễu của chính con trai bà. Hoàng đế Đồng Trị, thân thể lở loét vô phương cứu chữa ở tuổi mười chín sau hai năm lên ngôi, và đau đớn nhất ở chỗ tuy là mẹ đẻ nhưng lại không được phép tự mình nuôi dạy con đúng đắn, thiết thực, nghiêm khắc để trở thành một Hoàng đế chính trực, thậm chí trong con mắt của Đồng Trị, mẹ mình cũng chỉ là một thần tử.

Đồng Trị chết hơn một tháng sau, Từ Hy nhận đứa con trai bốn tuổi của em gái mình và Hoàng tử Chun làm con nuôi, đưa lên ngôi kế vị lấy tên Hoàng đế Quang Tự. Từ một đứa trẻ nhút nhát, Quang Tự trở thành người hiếu học, ham hiểu biết, có ý thức về trách nhiệm cương vị Hoàng đế, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những tư tưởng cấp tiến phương Tây, chống lại phái bảo thủ, trì trệ trong hoàng tộc, chống lại cả Từ Hy, vô tình rơi vào âm mưu của phái cải cách định sát hại Từ Hy trong sự biến một trăm ngày...


**
Tóm lại, cả cuộc đời mình, bốn mươi bảy năm cầm quyền, Từ Hy đã kiên cường sống, đấu tranh với số phận, đấu tranh thù trong giặc ngoài, công bằng, không kỳ thị, ưu ái với người tài bất kể là người Mãn hay người Hán, để chứng minh ngạn ngữ “Khi người đàn bà lên boong, con tàu sẽ đắm” là sai, nhưng thực tế lại là con tàu Hầu Phong đã chìm, con tàu Đồng Trị, con tàu Quang Tự chìm nghỉm, kể cả con tàu Phổ Nghi bà dựng lên lúc sắp lìa đời cũng chìm nốt. Bà hạnh phúc hay bất hạnh?

Những người thân yêu nhất đều chết bi đát, trong tuyệt vọng, từ chồng đến con đẻ, con nuôi, kể cả người đàn ông chỉ đàn ông về tinh thần, không đàn ông về thể xác làm chỗ dựa cho những khát khao, trong cơn tuyệt vọng và chỉ khi y chết mới biết yêu y biết bao. Còn người tình đích thực lúc “ngả nghiêng rạo rực, muốn dấn thân”, lại đang kiềm chế trước nghi lễ, nghĩa vụ trước đức hạnh, trước sự tồn vong của triều đại và ngôi vị Hoàng đế của con mình.

Mất hết và chịu đủ mọi tai tiếng trong dư luận, trên các báo trong và ngoài nước: Mụ đàn bà thâm hiểm có trái tim băng giá, con dâm phụ, con rồng cái sống cuộc đời để tìm khoái lạc... mong giữ vững triều đình, mong Trung Hoa biến đổi, nhưng rút cục vẫn không thể lay chuyển nổi một Trung Hoa thời bấy giờ - mới chỉ chợt tỉnh giấc trước một tầng lớp cầm quyền hủ lậu.

Nguyên nhân của mọi bi kịch, mọi thất bại, đó là do cái chế độ thời ấy không có cơ hội để tự hỏi: Ai thực sự là bạn của mình. Kết quả của việc không phân biệt nổi giữa chính tà và thiện ác chính là do đầu óc con người chứa đầy những nỗi sợ hãi và nghi ngờ. Tất cả đều bất lực trước gánh nặng của truyền thống, sự mù quáng và ích kỷ, của quyền lực và bản thân lịch sử như tác giả Nữ hoàng cuối cùng đã vạch ra trong truyện.

Nguyễn Bản (nhà văn, dịch giả)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]