Đó là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan vừa được công bố trên Tạp chí American Geriatrics Society, sau khi theo dõi hơn 500 người bệnh trên 70 tuổi ở Hà Lan.

Trong khoảng thời gian từ năm 1997 – 2007, số người có  sử dụng aspirin bị chết chỉ bằng một nửa số người không dùng. Hiệu quả này còn cao hơn với những người không dùng phương pháp hóa trị trong việc chống lại bệnh ung thư. Hiện ngành y tế đang ủng hộ việc dùng một liều thấp aspirin để ngăn ngừa bệnh tim, nhưng không nói gì đến tác dụng của nó với bệnh ung thư. Nhưng  một nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine cũng cho rằng aspirin có thể kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đại tràng có khối u do đột biến di truyền đặc biệt.

Dù vậy, TS Gerit Jan Liefers - người tham gia nghiên cứu - cho rằng, đây chỉ là kết quả dựa trên quan sát thực tế, mặc dù “chúng tôi khá chắc chắn là aspirin có gây hiệu ứng với người bệnh”, nhưng  theo cơ chế nào và tác dụng cụ thể đến đâu thì cần có những nghiên cứu sâu hơn trên lâm sàng người bệnh. Bởi cũng rất có thể, aspirin với tác dụng ngăn ngừa bệnh tim như đã được áp dụng – cũng là một nguyên nhân góp phần làm cho người bệnh sống lâu hơn. Mặt khác, một mình nó (aspirin) không thể giải thích được sự khác biệt lớn trong tỉ lệ tử vong.

Trong khi đó, Boris Pasche - GĐ bộ phận huyết học và ung thư tại ĐH Alabama ở Birmingham - cho biết: Nghiên cứu này là một gợi ý cho việc người bệnh ung thư ruột kết dùng aspirin hằng ngày để kéo dài sự sống, tất nhiên là với sự xem xét của bác sĩ điều trị. Bởi, dù được coi là một loại thuốc khá lành tính, nhưng aspirin cũng gây những tác dụng phụ ở một số trường hợp như chảy máu ở đường tiêu hóa hay não.