Bài thuốc gia truyền

Nằm ngay trên con đường lớn đi vào xã Gia Trung, cứ nhắc đến tên bà lang Phiếu (85 tuổi, ở thôn Hoàng Long, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) thì ai cũng biết. Bà Phiếu nổi tiếng với bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn, cứu chữa cho rất nhiều người thoát khỏi cái chết trong gang tấc.

Vì đang có bệnh nhân chữa rắn cắn nên chúng tôi phải đợi bà sơ cứu, bốc thuốc xong mới có thời gian trò chuyện. Nói về bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn, bà chia sẻ: “Bố mẹ tôi mất sớm, tôi ở với bà ngoại nên đã học bài thuốc này để chữa bệnh cùng với bà. Tính đến nay, bài thuốc đã được 4 đời rồi, cứu sống bao nhiêu bệnh nhân tôi cũng không thể nhớ hết”.

Có một điều kỳ lạ là bài thuốc này chỉ truyền cho con gái. Bà Phiếu chia sẻ: “Nhà có 4 người con gái thì 3 người biết chữa rắn cắn, bài thuốc chỉ truyền cho con gái vì con gái mới nhường nhịn nhau, nhiệt huyết với nghề”. Ngoài ra, bài thuốc cũng chỉ có phụ nữ mới làm được vì “tính cẩn thận, chu đáo, kiên trì”, còn đàn ông lại không làm được.

Bài thuốc chữa rắn cắn bao gồm 3 loại thuốc: Thuốc uống, thuốc bôi và nắm tóc rối. Theo bà Phiếu, thuốc uống và thuốc bôi đều là thuốc nam lành tính, có tác dụng ép chất độc ra ngoài và bôi vào chỗ rắn cắn tránh bị thối thịt. Sau khi uống thuốc, bà sẽ dùng nắm tóc rối nhúng nước sôi rồi chà mạnh chỗ bị rắn cắn, bởi theo bà làm như vậy nó sẽ loại bỏ hẳn chất độc từ cơ thể ra bên ngoài. Lưu ý, trong quá trình làm, phải luôn có người xoa bóp đảm bảo lưu thông huyết mạch cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và vết rắn cắn của từng người mà bà có cách điều trị riêng, bà chia sẻ: “Người nào bị rắn cắn, nếu đưa vào đây uống được thuốc thì mới chữa tiếp, còn không uống được thuốc mà nôn ra là tôi không nhận chữa”. Vì theo bà, khi đó chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể, rất khó chữa trị, thường đó là những trường hợp để quá lâu mới tới gặp bà xin chữa. Người bị nhẹ thì chữa trị trong khoảng 1 tuần, người bị nặng phải chữa trị cả tháng và có khi cùng ăn ở với gia đình bà để tiện việc điều trị.

Đối với những bệnh nhân bị rắn độc cắn, lần đầu chữa trị phải uống tới 5 -7 lượt thuốc mới ép chất độc ra được, phải lấy nọc rắn ở nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu, có khi phải lấy nọc độc ra từ lưỡi. Bà chia sẻ: “Những người bị rắn hổ mang cắn thì thường bị thối thịt chỗ vết cắn, còn nếu bị rắn cặp nia hay rắn cạp nong cắn thì không để lại dấu vết gì nhiều, dựa vào đó mình mới cho bệnh nhân uống thuốc”.

Cũng theo lời khuyên của bà, người bị rắn cắn cần phải sơ cứu ban đầu, garô chỗ bị cắn và nhất là không được nặn máu độc bởi làm thế chỗ rắn cắn hay bị thối và khó lấy độc ra hơn. Trong thời gian chữa trị, phải tuyệt đối kiêng chất kích thích.

Làm phúc cứu người

Với bài thuốc này, bà Phiếu đã chữa cho rất nhiều người khỏi bệnh. Bệnh nhân của bà ở khắp nơi, có khi tận các tỉnh xa cũng lặn lội tìm đến xin chữa. Theo bà Phiếu, việc chữa trị không phải để lấy tiền làm giàu mà chữa là để giữ nghề và giúp đời. Rất nhiều người được bà chữa khỏi bệnh vẫn thường xuyên liên lạc và cám ơn bà.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Lý (Lạc Vân, huyện Nho Quan, Ninh Bình) đang điều trị tại nhà bà Phiếu là một ví dụ. Chị Lý chia sẻ: “Lúc chập tối, tôi đưa con về nhà, ngang qua đường thì vô tình dẫm phải rắn nên bị rắn cắn, sau về thấy đau nhức, người lâng lâng nên tìm xuống bà để chữa luôn. Xuống đến nơi, nhìn vào vết cắn, bà nói tôi bị rắn cặp nia cắn. Ban đầu, tôi lo lắng lắm vì đang cho con bú, sợ điều trị lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới cháu bé, nhưng mấy hôm uống thuốc của bà đã đỡ hơn nhiều, không còn đau nhức hay sốt nữa”. Đối với trường hợp này, bà Phiếu đã cho uống nhiều thuốc hơn và thường lấy nước sôi và búi tóc chà mạnh chỗ viết cắn, chỉ hơn 10 ngày là khỏi bệnh.

Không chỉ có chị Lý, mà cả chị Nguyễn Thị Thơm (thôn Chi Phong, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) cũng may mắn thoát chết trong gang tấc. Nhớ lại thời điểm bị rắn cắn, chị cho biết: Hằng ngày, tôi thường đi móc cua, có đôi lúc bị rắn cắn nhưng là rắn nước nên khi bị rắn cắn mình không có biểu hiện gì. Nhưng lần này bị rắn cắn xong, tôi thấy đau nhức, người lâng lâng, nhợt nhạt và thở nhanh hơn. Lúc đó, tôi vội vàng chạy về nhờ người đưa xuống bà Phiếu. Vì rắn có nọc độc nên tôi phải ở nhà bà chữa trị 4 ngày cho tiện theo dõi. Những ngày sau, tôi chỉ phải xuống uống thuốc và để bà chà búi tóc rối thải độc ra ngoài. Nhờ có bà mà tôi được cứu sống.

Người tìm đến chữa rắn cắn đều là những người lao động nghèo, vì đi móc cua, đi kích cá đêm... mà bị rắn cắn. Tiền thuốc thang cũng tùy tâm và hoàn cảnh của mỗi người mà lấy. Người nào có hoàn cảnh khó khăn bà chữa miễn phí không lấy tiền, có khi ăn ở cùng gia đình bà cả tháng trời bà cũng không hề tính toán thiệt hơn.

Cũng chính vì tấm lòng của bà mà rất nhiều người sau khi chữa khỏi bệnh vẫn liên lạc và thường xuyên tới thăm bà. Tính tới nay, bà có tới 25 người con nuôi, hầu hết đều là những người bị rắn cắn được bà cứu chữa và đùm bọc. Bà Phiếu chia sẻ: “Vào những ngày lễ tết, giỗ chạp, con cháu đến thăm đông kín nhà. Được quây quần đoàn tụ với con cháu chính là phần thưởng lớn nhất của tôi”.

Ông Phạm Hồng Anh - Phó chủ tịch UBND xã Gia Trung - cho biết: “Bài thuốc gia truyền của gia đình bà Phiếu nhiều năm nay đã cứu chữa cho rất nhiều người bị rắn cắn, ở các tỉnh xa cũng tìm về đây nhờ bà chữa trị”.