Bệnh tưởng ở người già

“Tui làm sao mà không có bệnh được. Chắc chắn bác sĩ khám nhầm rồi. Bác sĩ làm ơn khám lại cho tui lần nữa đi”. Bác sĩ hết kiên nhẫn: “Tui đã khám cho bà hết thảy năm lần rồi. Bà làm bác sĩ hay tui làm bác sĩ?”.

15.6023

Chủ nhân của đoạn thoại trên với bác sĩ là bà Hương, 67 tuổi ở quận 11. Chỗ thường lui tới của bà là… bệnh viện. Hễ đọc báo hay xem tivi thấy loại bệnh nào thì bà nhất định mình đang mắc bệnh đó và cũng đang có các triệu chứng như vậy. Nhờ vậy mà bà “quen thân” với bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau.

Lần gần đây nhất bà cho rằng mình bị bệnh tiểu đường. Bà than thở với con gái: “Má thấy dạo này hay khát nước lắm. Tê chân tê tay, nếm nước tiểu thấy ngọt. Chắc là bị tiểu đường rồi”.

Con gái bà liền mua máy về thử đường cho bà, máy cho chỉ số đường huyết bình thường, 83mmg/dL. Bà không tin vào kết quả của máy. Vào bệnh viện thử lại cũng cho kết quả y chang. Bà vẫn không tin vì cho rằng con gái “ăn rơ” với bệnh viện để giấu bệnh của bà.

Sau cùng, đích thân bác sĩ trưởng khoa nội tiết giải thích bà mới tin. Sắc diện của bà lập tức tươi tỉnh trở lại, rối rít cảm ơn bác sĩ.


Bệnh tưởng

Nói không với… bác sĩ

Ngược lại với bà Hương, bà Thu 60 tuổi ở quận 6 thì rất sợ đến bệnh viện. Gần đây, các con thấy bà sụt cân, có nhiều biểu hiện của bệnh tiểu đường nên khuyên bà đi bác sĩ.

Bà cương quyết: “Tao bệnh thì chết chứ tuyệt đối không đi bác sĩ. Mắc công khám ra thêm một đống bệnh khác nữa”. Không chịu thua, các con bà nhờ người em ruột của bà cũng đang bị tiểu đường khuyên giúp.

Bà Thu cũng xiêu xiêu, chịu thử đường tại nhà. Kết quả chỉ số đường huyết của bà lên tới 395mmg/dL. Em bà khuyên: “Máy thử chưa chắc chắn đâu. Chị nên vô bệnh viện để thử lại. Có gì bác sĩ kê toa luôn”. Bà dứt khoát: “Vô đó để bị rút một ống máu hả? Tao không đi đâu hết. Mày cứ đưa toa thuốc của mày để tao mua thuốc uống là được rồi!”.

Còn ông Quân, 70 tuổi, ở quận Tân Bình thì lạc quan hơn nhiều so với hai bà “bạn già” ở trên. Gần đây, ông phát hiện đi tiểu ra máu, kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư tuyến tiền liệt.

Kết quả chắc chắn rồi, ông từ chối phẫu thuật, không điều trị nữa. Trong khi vợ và các con lo lắng không yên, ông vẫn vui vẻ đi uống cà phê mỗi ngày. Ông cười hì hì: “Ai mà không chết. Sống tới tuổi này rồi không thấy gì đáng tiếc nữa”.

Có lẽ do tinh thần lạc quan mà bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông vẫn khoẻ mạnh sau hai tháng nhận “tin xấu”. Bác sĩ an ủi: “Bình thường một người khi nhận tin bị ung thư, chỉ trong vòng một tháng là xuống sắc thấy rõ. Bác trai vẫn lạc quan như vậy là tốt rồi. Gia đình nên cổ vũ tinh thần cho bác ấy”.

Bác sĩ và tâm lý

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, hội lão khoa Mỹ cho rằng, tác dụng tích cực của trạng thái tâm lý như không hoảng loạn khi đối diện với bệnh tật, tập trung cao độ vào mục tiêu và đặc biệt là tin tuyệt đối vào khả năng đấu tranh của cơ thể.

Có niềm tin sắt đá rằng chắc chắn mình sẽ khỏi bệnh. Tin ở thầy thuốc, dược phẩm, phương thức trị liệu sẽ giúp bệnh nhân chiến thắng được bệnh tật. Một biểu hiện của sức mạnh niềm tin đã được y học tận dụng hiệu quả là giả dược. Trong một số trường hợp nhất định, nó vẫn làm cho sức khoẻ của không ít người được cải thiện nhờ tin tưởng vào bác sĩ và thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức khuyên, đối với những người mang “bệnh tưởng” như bà Hương thì cần giải thích rõ nguyên nhân gây bệnh, diễn tả các dấu hiệu, sự thật về căn bệnh cho bà hiểu. Sự tự kỷ ám thị và ảo tưởng của bà khó có thể thay đổi nên cần một người có tâm lý ngồi trò chuyện, giúp bà thoát khỏi ảo ảnh đó.

Theo Minh Cúc (Sài Gòn Tiếp Thị)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]