Do dinh dưỡng?

Theo các bác sĩ, ngoài tiền sử mắc bệnh được chẩn đoán tại địa phương là bệnh lạ, họ còn mắc một số bệnh khác như cao huyết áp, suy tim... Rất nhiều người khi khám lại đều cho biết, họ có biểu hiện chán ăn, ăn rất ít và đều bị suy dinh dưỡng, gầy còm.

BS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai - nhận định: Khi khám, chúng tôi phát hiện một số người dân còn có biểu hiện thiếu máu, suy dinh dưỡng..., nếu ăn uống tốt thì bệnh của họ hầu như không tái phát.

Được biết, sau khi tìm thấy trong loại gạo của người dân H’rê ở xã Ba Điền thường ăn là gạo ủ và xét nghiệm trong đó có một số loại nấm mốc, chính quyền đã cấp cho người dân ở đây gạo mới. Theo ông Phạm Văn Bút - Chủ tịch xã: Trong làng Rêu vẫn còn  40% số người dân ăn gạo cũ. Từ khi sử dụng gạo mới, sức khỏe của nhiều người dân vốn mắc bệnh lạ đã chuyển biến tích cực. Theo TS Phạm Duệ - GĐ Trung tâm Chống độc Bạch Mai - đây có thể là gợi mở để có thể chữa khỏi và phòng ngừa tái phát.

Dấu hiệu cải thiện

Phân tích diễn biến bệnh của các bệnh nhân, TS Phạm Duệ cho biết: “Biểu hiện sức khỏe của những người bệnh lạ sau khi chuyển sang ăn gạo mới, trong bữa cơm có thịt, chất lượng bữa ăn giàu dinh dưỡng hơn thì sức khỏe có cải thiện. Trên cơ sở so sánh họ với những người vẫn ăn gạo cũ còn biểu hiện chán ăn, mệt mỏi thì có thể đưa ra giả thiết, dinh dưỡng tốt là có hiệu quả cải thiện. Và giả thiết là trên một cơ thể có bệnh, việc sử dụng gạo cũ sẽ làm cho bệnh nặng hơn.

Bởi trong xét nghiệm gạo mà người dân ở đây đã ăn lâu nay, có 10% mẫu tìm thấy một số loại nấm như Arspegilus có sinh ra độc tố Aflatoxin. Độc tố này gây chết tế bào gan dẫn đến xơ hóa gan, cộng với việc gan nhiễm mỡ, tế bào gan hoại tử dẫn đến suy chức năng gan. Ở những bệnh nhân này, dù họ được lọc máu nhiều lần, nhưng tổn thương vẫn rất nặng nên đã tử vong. Tuy nhiên, do tỉ lệ gạo mà người dân ăn chỉ có khoảng 10% là phát hiện có nấm mốc, nên đây có thể coi chỉ là yếu tố phụ, làm bệnh nặng thêm trên cơ thể có bệnh gan đã suy”.