'Cần cấm hẳn nhiều loại thực phẩm bán rong'

Tuy Bộ Y tế không cấm hàng rong, chỉ yêu cầu có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho rằng, nhiều loại hàng rong chắc chắn không thể đảm bảo vệ sinh. Đối với các trường hợp này, chỉ có thể cấm hẳn chứ không cấp phép được.

15.7091

Hàng ăn có chỗ cố định đảm bảo vệ sinh hơn hàng rong. Ảnh: Hoàng Hà.

Tháng 3 năm nay, Bộ Y tế ban hành một văn bản trong đó quy định tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kể cả hàng rong, cũng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế, điều này là cần thiết vì với điều kiện Việt Nam, không nên cấm bán thực phẩm rong, một phần vì điều kiện kinh tế còn kém, phần vì gánh hàng rong cũng là một đặc điểm văn hóa.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với một số loại hình bán rong nên cấm hẳn, đó là những thực phẩm ăn ngay đòi hỏi phải có bát đĩa như bún, bánh cuốn...  

"Gánh hàng di động chỉ có một xô nước con để rửa bát, trong khi bao nhiêu khách ăn, nên không thể nào sạch được" - ông Tuấn nói. Vì vậy, với những loại hàng này, không thể xem xét cấp giấy được vì dù thế nào cũng không đủ điều kiện, chỉ có cách cấm hẳn.

Khó tìm người để cấp giấy

Ông Nguyễn Thái Quân, Trưởng trạm y tế phường Giảng Võ, nơi đang thí điểm các biện pháp tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đến nay, phường chưa cấp được một giấy chứng nhận nào cho thực phẩm bán rong vì đây là một việc quá khó.

Tiến sĩ Trần Đáng cũng cho biết, hiện chưa có báo cáo về tình hình cấp giấy phép cho hàng rong ở 8 thành phố thí điểm (Hải Phòng, Hạ Long, Hà Nội, Huế, Đà Lạt, TP HCM và Vũng Tàu). Theo ông được biết thì số giấy đã được cấp cho loại hình này là rất ít.

Tuy vậy, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho hàng rong là khả thi, vì phường nào quản lý nhân khẩu phường đó, nếu biết ai làm nghề bán rong thì tập huấn và yêu cầu khai rõ nguồn gốc hàng hóa và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh khác. Ai không được cấp phép, dù là người bản địa hay ở nơi khác đến, cũng sẽ không được hành nghề trên địa bàn của phường. Nếu phường nào cũng làm như vậy thì tất cả hàng rong sẽ bảo đảm.

Với các cấp cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện, mọi việc lại không đơn giản như vậy. "Có những gánh hàng rong chỉ bán từ sáng sớm, gần 9 giờ đã về rồi nên muốn tập huấn, hướng dẫn cho họ, chúng tôi cũng chẳng biết đâu mà mời" - ông Quân tâm sự.

Nhiều người bán rong ở Giảng Võ là người nơi khác đến nên cũng không kiểm soát được họ. Theo ông Trần Đáng, những người này đã có địa phương họ cư trú quản lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Quân cho biết, phường ông cũng chưa nắm được những người sống ở Giảng Võ nhưng lại sang phường khác để bán hàng rong. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, việc giám sát nguồn gốc hàng hóa của người bán rong cũng chưa chắc đã hiệu quả vì người bán có thể khai là mua hàng ở một nơi, nhưng khi bán hết lại mua ở nơi khác thì cũng không ai có thể kiểm soát được.

Làm cho hàng rong mất chỗ đứng

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để hạn chế tác hại của các hàng bán rong mất vệ sinh, cần hạn chế các điều kiện tồn tại của họ. Thứ nhất, cần làm sao cho người dân không dùng loại thực phẩm bán rong không đảm bảo an toàn nữa.

"Không chỉ tuyên truyền, chúng ta nên có hình thức phạt với những người mua và ăn của những gánh hàng không đảm bảo vì họ tạo điều kiện cho nó hoạt động" - ông Tuấn nói. Ông cho biết, hiện nay Hà Nội đã có quy định cấm sử dụng tiết canh gia cầm, và Sở Y tế đang đề xuất sẽ phạt những người vi phạm quy định này. Nếu chỉ can thiệp từ phía người bán mà bỏ qua phía người mua thì hàng rong mất vệ sinh sẽ không bao giờ dẹp được.

Giải pháp thứ hai là nên hạn chế những địa điểm được phép bán rong thực phẩm. Chẳng hạn, chỉ một số tuyến phố được phép bán, và có mái che hẳn hoi; không cho phép gánh hàng di động trên vỉa hè đường phố nữa. Khi khách hàng giảm, chỗ bán hàng không có, số bán rong sẽ tự giảm dần.

Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Trần Đáng cho rằng, các phường nên có quy định tuyến phố nào được phép bán rong thực phẩm, tuyến nào không, và chỉ được phép bán trong một số giờ nhất định, vào giờ cao điểm thì cấm hoàn toàn. Dĩ nhiên những người được phép bán đều đã được chứng nhận là đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là cách Thái Lan đã áp dụng và rất hiệu quả.

Sáng 6/9, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra an toàn thực phẩm ở một số điểm kinh doanh ăn uống có cơ sở cố định tại phường Giảng Võ. 3 trong số 6 cơ sở được "ghé thăm" không đạt tiêu chuẩn. Quán bún nem ở 109 B1 Trần Huy Liệu và quán cơm bình dân bên cạnh (số nhà 111) đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên không có giấy khám sức khỏe, cũng chưa từng được tập huấn (phường mời nhiều lần không đi). Ở quán bún nem, tảng thịt lợn sống để trực tiếp trên chiếc bàn nhựa cũ bẩn, ngay cạnh thúng bún để mở có ruồi đậu, rác vứt đầy sàn dưới các bàn. Quán cơm thì tủ đựng thức ăn không có kính, móng tay người bán để dài.

Ngay cả ở nơi đã có giấy chứng nhận loại tốt như quán Táo Đỏ 103, C5, Giảng Võ cũng có nhiều vi phạm. Trái với vẻ hào nhoáng, sang trọng ở phòng ăn, phòng bếp của quán này không tỏa ra mùi thơm của thức ăn mà bốc mùi ôi thiu của mấy thùng nước rác đặt ngay cạnh bàn chế biến, từ lỗ thủng rất to của cống thoát nước cũng ngay dưới chân bàn này. Trên bàn cạnh khay thức ăn chín còn có là tô cà rốt tỉa hoa đang ngâm nước có ruồi đậu, và đĩa rau củ quả cũ đã ôi thiu trên đậu đầy những con côn trùng có cánh nhỏ li ti.

Đại diện phường Giảng Võ cho biết mặc dù có phát hiện một số vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn nhưng với tinh thần giáo dục, uốn nắn là chính, phường chỉ mới nhắc nhở chứ chưa xử phạt hay đóng cửa một cơ sở nào.

Hải Hà

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]