​Cấy hạt vi cầu phóng xạ để điều trị ung thư gan

Kỹ thuật mới này đã được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 (Hà Nội) Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hơn 50 bệnh nhân ung thư gan từ 30-78 tuổi. Theo bác sĩ Mai Trọng Khoa - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với những bệnh nhân đã được cấy hạt vi cầu, hiệu quả kiểm soát khối u đều rất đáng kể.

15.5906
 

Có thể kiểm soát khối u

Một trong những người đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này là một bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội. Thời điểm vào viện khoảng sáu tháng trước, bệnh nhân gầy sút 3kg trong thời gian ngắn, thường xuyên mệt mỏi, ăn kém, kiểm tra lâm sàng thấy khối u sờ thấy được ngay vùng gan ở hạ sườn. Kiểm tra bằng thiết bị chẩn đoán, các bác sĩ đo được khối u 8,5x7,1cm ở gan phải và 3,1x2,1cm ở gan trái, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư gan.

Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp xạ trị trong chọn lọc, hay còn gọi là phương pháp tắc mạch phóng xạ, bằng cách bơm hạt vi cầu được gắn đồng vị phóng xạ Yttrium (Y-90) có kích thước 20-40 micromet trực tiếp vào các nhánh động mạch nuôi khối u.

Sau sáu tháng kiểm tra, thể tích khối u đã giảm đi 1/2, bệnh nhân có thể đi lại và làm việc nhẹ nhàng trở lại, sờ khám lâm sàng không còn thấy khối u.

Theo bác sĩ Khoa, nguyên lý hoạt động của hạt vi cầu là các hạt phóng xạ này sẽ đi theo các nhánh động mạch nhỏ và phân bố khắp trong khối u, vì vậy sẽ làm tắc các mạch máu nuôi các khối u gan. Ngoài ra, bức xạ bêta năng lượng thấp do Y-90 phát ra có quãng chạy trong tổ chức ngắn sẽ tiêu diệt có chọn lọc tế bào ung thư, kết quả sẽ làm giảm thể khối u hoặc tiêu diệt khối u trong gan.

Hạt vi cầu phóng xạ có thể sử dụng cho những loại ung thư nào? Theo bác sĩ Khoa, nguyên tắc là chỗ nào có thể nút mạch được đều có thể cấy hạt phóng xạ, nhưng các bác sĩ đã chọn cấy ở gan trước vì kỹ thuật nút mạch điều trị u gan đã trở thành thường quy.

Ngoài ra, kỹ thuật này có thể áp dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn vào gan. Theo TS Nguyễn Tiến Thịnh - phó chủ nhiệm khoa nội tiêu hóa Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, kỹ thuật này có thể chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát giai đoạn tiến triển, trung gian, trong khi có đến 60% bệnh nhân ung thư gan ở VN hiện nay phát hiện ở giai đoạn tiến triển, trung gian.

Tuy nhiên ở những bệnh nhân ung thư gan mà tiên lượng thời gian sống còn dưới ba tháng thì không nên áp dụng phương pháp này.

Sàng lọc sớm

Theo nghiên cứu của bác sĩ Mai Trọng Khoa, có đến 47% bệnh nhân ung thư gan ở Nhật Bản sống thêm từ năm năm trở lên kể từ khi phát hiện bệnh, với bệnh nhân Âu - Mỹ là 11%. Trong khi tại VN năm 2012 ghi nhận gần 22.000 bệnh nhân ung thư gan, số tử vong do ung thư gan trong năm này là gần 21.000 người! Ung thư gan ở VN là loại ung thư đứng thứ hai về số mắc ở nam giới (sau ung thư phổi) và thứ ba ở nữ giới (sau ung thư vú và cổ tử cung).

Theo ông Khoa, người VN thường đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỉ lệ được phát hiện sớm rất thấp), trong khi ở Nhật Bản xét nghiệm phát hiện bệnh sớm là một trong những yếu tố dẫn đến tỉ lệ bệnh nhân được bảo vệ cao. “Ở Nhật họ xét nghiệm sàng lọc kỹ lưỡng ba tháng/lần, bản thân tôi phải làm xét nghiệm sàng lọc mỗi sáu tháng/lần” - ông Khoa cho hay.

Để phát hiện bệnh sớm hơn, ông Khoa cho biết sẽ sớm đưa vào sử dụng thiết bị có thể phát hiện bệnh sớm nhờ kiểm tra được các chỉ số đặc hiệu với ung thư gan. Tuy nhiên với những bệnh nhân đã mắc bệnh, TS Thịnh cho rằng cấy hạt vi cầu là một lựa chọn mới an toàn và có thể kiểm soát khối u. Trong số hơn 50 bệnh nhân đã áp dụng phương pháp này, có 24 ca ở Bạch Mai, 19 ca ở 108 và 8 ca ở Chợ Rẫy.

“Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả chi phí xét nghiệm và chẩn đoán, bệnh nhân chỉ phải trả tiền mua các hạt vi cầu. Chúng tôi vẫn nói vui là đây là kỹ thuật ngoại nhưng được điều trị với giá nội ở VN, giúp có thêm lựa chọn cả với bác sĩ và bệnh nhân điều trị ung thư gan” - Ts Thịnh chia sẻ.        

Giá cả cho một ca điều trị gồm hai phần: phần chuẩn bị kỹ thuật và các phương tiện chẩn đoán, đánh giá (chiếu, chụp CT, cộng hưởng từ) nằm trong phần bảo hiểm có thể chi trả nếu bệnh nhân có bảo hiểm. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm thì phải tự trả chi phí này.

Phần hạt vi cầu Y-90 thì hiện nay thế giới có hai quốc gia độc quyền sản xuất vì công nghệ rất phức tạp. VN chọn sản phẩm của Úc vì vận chuyển dễ dàng hơn. Giá hạt vi cầu do Hãng sản xuất Sirtex đưa ra, cả thế giới cùng chung một giá. Giá thành tùy từng người có liều khác nhau nên giá thành khác nhau. Tổng chi phí cho kỹ thuật cấy hạt vi cầu phóng xạ khoảng 300-400 triệu đồng/bệnh nhân.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]