Chất lượng băng vệ sinh đang bị thả nổi

Giadinh.net - "Mặc dù quản lý chất lượng băng vệ sinh không thuộc Bộ Y tế, nhưng Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa nhận được đề nghị hợp tác nào về việc kiểm định chất lượng băng vệ sinh" - TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết như vậy, khi trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề quản lý băng vệ sinh hiện nay.

0

>>
>>

Đã từng phát hiện băng vệ sinh (BVS) rởm có chất độc dioxin

Từ tháng 4/2002, Xí nghiệp Dược Hà Nội đã công bố một kết quả nghiên cứu khiến dư luận bàng hoàng: Chất độc tố có trong sản phẩm băng vệ sinh nhái và làm giả nhãn hiệu Kotex Softina chính là dioxin.

So với băng vệ sinh thật, mức nhiễm nấm mốc ở băng vệ sinh giả cao gấp 48 lần và mức nhiễm khuẩn cao hơn 12,5 lần. Cụ thể: Mức nhiễm khuẩn ở băng vệ sinh giả là 1.000 kl/g (trong khi băng vệ sinh thật chỉ có 80kl/g); mức nhiễm nấm mốc ở băng giả là 480kl/g (trong khi băng thật là 10kl/g); khả năng thấm hút tối đa của băng giả chỉ có 14,5 (ở băng thật là 46) và độ pH ở băng giả là 6,47 (trong khi ở băng thật là 7).

Nghiên cứu này được bắt đầu từ việc lực lượng quản lý thị trường của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thu giữ được 700 thùng băng vệ sinh nhái nhãn hiệu Kotex Softina. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, chất dioxin có trong băng vệ sinh giả có thể gây viêm nội mạc tử cung, làm giảm chất lượng, số lượng tinh trùng và có khả năng gây ung thư và quái thai.           

Quản lý băng vệ sinh còn quá lỏng lẻo

Độ nguy hiểm cho chị em phụ nữ khi sử dụng băng vệ sinh giả đáng báo động như vậy, nhưng điều đáng buồn (theo thông tin mà pv nắm được) là từ tháng 4/2002 đến nay, đơn vị quản lý thị trường trên địa bàn các tỉnh chưa cất được mẻ lưới nặng ký nào về sản phẩm băng vệ sinh giả. Mặc dù số lượng băng vệ sinh giả, nhái hiện đang có mặt và tiêu thụ khá lớn tại các địa bàn nông thôn, miền núi (như số báo trước chúng tôi đã đưa tin).

Trao đổi với PV GĐ&XH, TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Băng vệ sinh là sản phẩm thuộc vào loại những mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, buộc phải có giấy phép đăng ký chất lượng sản phẩm với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tại địa bàn sản xuất và chịu sự quản lý về chất lượng của đơn vị cấp phép. Xét về góc độ y tế, TS Phu cho rằng: “Băng vệ sinh chất lượng phải đạt tiêu chuẩn: không có độc, vô khuẩn, khi dùng phải đảm bảo vệ sinh. Nếu cơ sở sản xuất nào không đạt yêu cầu thì nơi cấp giấy phép phải có trách nhiệm rút lại giấy phép, đình chỉ hoạt động”.

Như vậy, băng vệ sinh cũng được coi là một loại hàng hoá (có thể gọi là dược phẩm) liên quan đến sức khoẻ con người. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn sử dụng và cảnh báo. “Nếu không thường xuyên thay băng vệ sinh có thể dẫn đến hội chứng sốc nhiễm độc do tụ cầu vàng phát triển nhanh, giải phóng độc tố vào trong máu. Triệu chứng là sốt cao đột ngột, nổi ban đỏ như bị cháy nắng, nôn, tiêu chảy, đau cơ và nhức đầu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong” - Bác sĩ Bùi Minh Trạng, Bệnh viện Từ Dũ – TP Hồ Chí Minh, đã từng cảnh báo về việc sử dụng băng vệ sinh không đúng cách.

Nguy cơ này đã được phát hiện tại Mỹ từ cách đây gần 30 năm (1982), cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ đã buộc các nhà sản xuất phải ghi lên bao bì băng vệ sinh những dấu hiệu cảnh báo sốc nhiễm độc và lời khuyên dùng loại băng vệ sinh có độ thấm thấp, đủ để kiểm soát lượng dịch kinh nguyệt.

Nhưng ở nước ta hiện nay, trên hầu hết bao bì của các sản phẩm băng vệ sinh được đăng ký chất lượng không hề có hướng dẫn sử dụng, cũng không một dòng cảnh báo. Sau thủ tục đăng ký chất lượng hàng hoá, cứ định kỳ 3 tháng một lần, chi cục quản lý chất lượng hàng hoá các tỉnh, thành phố đến đơn vị sản xuất để kiểm định chất lượng (nhưng thông thường các đơn vị đều tự đem sản phẩm đến chi cục để kiểm định). Và công việc này chỉ bắt buộc áp dụng với các đơn vị sản xuất băng vệ sinh có đăng ký chất lượng sản phẩm mà thôi.

Theo điều tra của PV Báo GĐ&XH, hầu hết băng vệ sinh siêu rẻ hiện đang  tiêu thụ ở các vùng nông thôn, miền núi đều không đăng ký chất lượng sản phẩm. Trên bao bì các loại hàng này chỉ có duy nhất tên cơ sở sản xuất, số điện thoại (đa số là điện thoại di động) và “qua mặt” cơ quan quản lý bằng cách: Không nhái y chang tên của các hãng băng vệ sinh mà dùng những tên na ná để gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Tất nhiên, chất lượng của loại sản phẩm này đến đâu, không ai quản lý.

Để bảo vệ người tiêu dùng, GĐ&XH đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý băng vệ sinh - loại hàng hoá tưởng như rất nhỏ, nhưng vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của chị em phụ nữ.

Mai Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]